Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...', nhiều năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều cấp, nhiều ngành theo hướng tiếp cận dựa trên kết quả và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm tạo môi trường sống tốt, an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện (ảnh minh họa).

Với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 là dịp để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay, đồng lòng cam kết thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả; tăng cường việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về thực hiện quyền trẻ em... nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện và giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện...

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.005.868 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm tỷ lệ 27,2% dân số toàn tỉnh), trong đó có 13.056 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), chiếm tỷ lệ 1,3% và 108.515 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, chiếm tỷ lệ 10,79% trên tổng số trẻ em. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cộng đồng, xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em được thực hiện thường xuyên, nhất là chăm sóc, trợ giúp trẻ có HCĐB, hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa cho 7.672 trẻ em có HCĐB, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 4.560.700.000 đồng (trong đó, nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ 2.679.000.000 đồng; nguồn vận động của Quỹ bảo trợ trẻ em Thanh Hóa 1.881.700.000 đồng). Cụ thể, có 1.475 trẻ được uống sữa miễn phí và các loại thực phẩm khác; 24 trẻ được tài trợ phẫu thuật tim bẩm sinh, 21 trẻ phẫu thuật dị tật vận động, 11 trẻ được phẫu thuật nụ cười; tặng 377 suất học bổng, 247 xe đạp, hỗ trợ nuôi ăn bán trú 60 trẻ em; đầu tư xây dựng 1 điểm vui chơi cho trẻ em, tổ chức các sự kiện thăm hỏi, tặng quà cho 2.254 trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu...; đầu tư xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh và hỗ trợ dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng thiết yếu cho trẻ em. Các chương trình, dự án phát triển thể lực cho trẻ em được triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời. 100% trẻ trong độ tuổi được uống vitamin A; 99% trẻ được tiêm vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm...

Hoạt động trải nghiệm của trẻ em tại Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc (phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa).

Song song với các hoạt động trên, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục chú trọng giáo dục, phổ biến cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa các nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước... Cùng với đó, các chỉ số về chất lượng giáo dục ở các cấp học của tỉnh đều cao so với mặt bằng chung cả nước; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ được quan tâm đầu tư; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trung tâm văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Trong dịp nghỉ hè, các xã, phường, thị trấn tổ chức hội trại với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thu hút hàng chục nghìn lượt thanh, thiếu nhi tham gia.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em từng bước được nâng cao; tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn giảm 0,05% so với cùng kỳ; 83,4% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích là 4,4/100.000 trẻ em (giảm 1,1/100.000 trẻ em so với cùng kỳ năm 2022)... Đồng thời, tổ chức các hoạt động xã hội vì trẻ em, hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo; tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em...

Để tạo dựng “môi trường xanh” phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ, hơn bao giờ hết, rất cần đến sự chung tay của cộng đồng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội hãy lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em; từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm tạo môi trường sống tốt, an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hanh-dong-thiet-thuc-uu-tien-nguon-luc-cho-tre-em-215560.htm