Hành động thực chất
Trước ngày 20.11, các địa phương phải hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ tàu cá '3 không': không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại cuộc họp với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển diễn ra mới đây.
Sau gần 7 năm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, 4 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm gỡ “thẻ vàng IUU” nhưng những vấn đề lớn, bức xúc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do công tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt. Vậy nên, cho dù yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển ngành khai thác hải sản, bảo đảm sinh kế bền vững cho ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng để thực hiện chắc chắn không dễ dàng.
Điều này thể hiện qua việc tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Tỷ lệ đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, cấp giấy phép khai thác thủy sản chưa đạt mục tiêu. Cả nước vẫn còn tới hơn 7.000 tàu “3 không”; tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá ra vào cảng chỉ đạt khoảng 40%, sản lượng thủy sản khai thác khoảng 30%. Vẫn còn tình trạng tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt, công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương. Còn xảy ra tình trạng địa phương nào làm nghiêm thì tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU di chuyển sang địa phương khác, nơi thiếu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để cập cảng bốc dỡ thủy sản, ra vào cảng, xuất nhập bến để hoạt động khai thác thủy sản.
Những vấn đề lớn, bức xúc này chưa được giải quyết dẫn đến việc thẻ vàng chưa được gỡ. Và thiệt hại, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định diễn ra hồi tháng 8 vừa qua là nhiều thứ. Đó là thiệt hại về uy tín của đất nước; thiệt hại về xuất khẩu thủy hải sản; thiệt hại liên quan chuyển đổi nghề của người dân chậm lại; uy tín của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan…
Để giải quyết tình trạng này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, quan trọng nhất là khung pháp lý đã được hoàn thiện theo khuyến nghị của EC. Cụ thể, Ban Bí thư đã có Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ đã có. Quốc hội cũng đã thông qua một số chế tài để xử lý việc này. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia; kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) cũng đã được thực hiện.
Tuy nhiên, để có thể gỡ được thẻ vàng, cả trước mắt và lâu dài, các bộ ngành, địa phương và người dân phải hành động thực chất chứ không phải mang tính đối phó. Các giải pháp phải bài bản, dựa trên cơ sở khoa học, có lý, có tình nhằm giải quyết gốc rễ của vấn đề như phục hồi nguồn lợi hải sản, bổ sung quy định đánh bắt theo mùa vụ, vùng biển; quan tâm đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho một bộ phận ngư dân. Đặc biệt, như ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là phải thống nhất về nhận thức của ngư dân, doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương để phát triển ngành thủy sản bền vững, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái, không vi phạm pháp luật quốc tế...
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hanh-dong-thuc-chat-post394925.html