Hành động trong đám cưới của nhà trai khiến họ hàng cô dâu xôn xao
Đám cưới của tôi diễn ra từ thứ 7 tuần trước. Hiện tại, vợ chồng tôi đã trở lại Hà Nội học tập và làm việc. Tuy nhiên mỗi ngày, tôi vẫn đọc được những lời bàn tán của họ hàng về đoàn đón dâu nhà chồng tôi.
Khi chúng tôi yêu nhau, biết gia đình anh hoàn cảnh, bố mẹ làm nông nghiệp, nhà lại đông con nên bố tôi không đồng ý. Bố nhắc tôi phải biết giữ mình, tương lai còn dài nên chuyện yêu đương không thể vội vã.
Tôi vâng lời bố và hứa sẽ không để mọi chuyện đi quá xa. Tuy nhiên chưa hết học kỳ 1 năm thứ 4 thì tôi phát hiện mình có bầu.
Tôi đã định bỏ thai nhưng anh xin tôi giữ lại. Cùng với đó, anh về nhà tôi, quỳ xuống chân bố mẹ tôi và xin được cưới tôi. Bố mẹ tôi tức nghẹn trong lòng nhưng vì “con dại cái mang” nên đành đồng ý.
Ngày nhà trai đến dạm ngõ, thấy thông gia ăn mặc tềnh toàng, gương mặt khắc khổ lam lũ, các cô các chú nhà tôi đều thở dài ngao ngán. Bố mẹ tôi đành phải xua đi bầu không khí nặng nề bằng cách nói chuyện thật niềm nở.
Sau đó, lấy cớ quãng đường xa xôi (gần 500km), bố mẹ anh xin được giản tiện các thủ tục cưới hỏi. Bố mẹ tôi cũng vui vẻ đồng ý.
Ngày cưới, khi đoàn đón dâu vừa tới nơi, bố mẹ tôi đã bố trí 30 mâm cỗ để hai họ cùng vui vẻ trước khi đưa tôi về nhà chồng.
Tuy nhiên, khi mâm cỗ dọn ra thì đoàn nhà trai chỉ ăn qua loa đĩa xào và bát thức nấu. Bố mẹ tôi tưởng đồ ăn không phù hợp với người đồng bằng nên đi từng bàn hỏi han, thúc giục mọi người ăn uống.
Không ngờ, cuối bữa, đoàn nhà trai (nhất là các bà các chị) trút tất cả đồ ăn thừa trong mâm vào túi nilon. Sau đó, họ chia nhau mỗi người một túi rồi cầm lên xe khiến cả họ nhà tôi xôn xao. Một vài người còn nói, họ nhà trai sang cả mâm nhà gái để lấy đồ ăn thừa mang về.
Hành động này khiến bố mẹ tôi ngượng chín mặt. Tuy vậy bố tôi vẫn cố giải thích, đó là phong tục tập quán của vùng quê nhà chồng tôi. Ông còn khen, hành động đó là hoàn toàn tốt đẹp vì tránh lãng phí đồ ăn thức uống.
Thế nhưng người thân, họ hàng của gia đình tôi vẫn không thôi bàn tán. Ai cũng nói, đi đâu phải theo phong tục tập quán nơi đó chứ không thể mang phong tục quê mình để thực hiện ở quê người. Phải chăng là do quê chồng tôi quá nghèo nên mới phải vơ vét như vậy.
Tôi nghe mà thấy chạnh lòng. Quan trọng hơn, tôi sợ những lời bàn tán này sẽ tiếp tục khiến bố mẹ tôi khó xử.
Dù sao, bố mẹ tôi cũng là những người có vị thế. Họ sẽ buồn nếu đám cưới con gái độc nhất của mình lại trở thành chủ đề đàm tiếu cho bà con xung quanh ?
Có ai hiểu được tâm trạng này của chúng tôi không?