Hành động vì một thành phố xanh: Các chiến dịch đang dần chậm lại!

Từ cuộc vận động 'Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước' theo Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM, cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc mạnh mẽ và cho ra kết quả cụ thể. Song, thời gian gần đây, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động bảo vệ môi trường đang bị lơ là, dẫn đến rác thải tái diễn ở nhiều nơi tại các khu đất trống và trên kênh rạch.

Hàng chục tấn rác trên kênh

Trời đổ mưa bất chợt, cha con một người đàn ông cùng nhiều người khác cùng dừng lại trú mưa dưới chân cầu vượt trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức). Sau khi uống nốt nước trong ly, người cha thản nhiên quăng chiếc ly nhựa vào chân cầu. Cô con gái thắc mắc, người cha chỉ giải thích qua loa là “thấy ở đó có nhiều rác, ba bỏ đó để người ta dọn luôn”. Có lẽ, với suy nghĩ như vậy mà đâu đó trên vệ đường, ven chân cầu, vài ba bữa lại phát sinh đống rác.

Rác không chỉ bị quăng ra đường mà còn bị lén quăng xuống kênh. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, mỗi ngày các công nhân vệ sinh phải vớt từ 9-10 tấn rác thải trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 7-8 tấn rác thải ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Lúc cao điểm thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, tại thành phố xuất hiện hàng loạt chiến dịch bảo vệ môi trường. Đó không chỉ là phong trào sống xanh với rất nhiều hoạt động như nói “không” với rác thải nhựa, sử dụng đồ tái chế, đổi rác lấy quà, mà còn là các hoạt động dọn rác, vớt rác trên kênh…

Nhưng đến nay, có rất nhiều chiến dịch, hoạt động hạn chế rác thải nhựa không còn được mặn mà thực hiện. Thời điểm mới phát động, nhiều siêu thị thay thế túi ni lông, dây thun bằng lá chuối, dây lát nhưng giờ thì đâu lại vào đó. Đi dạo một vòng các siêu thị Winmart, Coopmart, Bách Hóa Xanh..., chúng tôi vẫn ghi nhận việc dùng túi ni lông khó phân hủy để bọc rau xanh.

Nhiều cửa hàng từng nói “không” với ống hút nhựa, hộp xốp, nhưng nay trở lại với hộp xốp, ống hút nhựa. Quan sát một số chuỗi cà phê nổi tiếng tại TPHCM, sau một thời gian rầm rộ với ly inox, ly nhựa tái sử dụng hoặc ly giấy thì nay quy cả về một mối là… ly nhựa dùng một lần. Thông thường, nếu khách sử dụng nước uống tại chỗ, quán sẽ phục vụ ly thủy tinh kèm muỗng inox. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều quán cà phê phục vụ ly nhựa ngay cả khi khách ngồi uống nước tại quán.

Không chỉ các phong trào, mô hình sống xanh đang chậm lại mà việc thực hiện các quy định về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn cũng chỉ vừa “bùng lên” rồi nhanh chóng chìm hẳn. Cách đây hơn 4 năm, hưởng ứng phong trào phân loại rác tại nguồn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh (ngụ quận 4) trang bị trong nhà 2 thùng rác cùng túi màu khác nhau và hướng dẫn các con cách phân loại. Ban đầu, gia đình bà chưa quen, nhưng chỉ 2 tuần sau đã thành thục cách phân loại rác sinh hoạt thành 2 loại.

Thế nhưng, sau một thời gian, bà không phân loại nữa vì thấy người thu gom rác đổ các túi rác vào cùng một chiếc xe. Nghĩ rằng việc phân loại rác sinh hoạt như thế không mang lại kết quả thực chất, gia đình bà cũng nản rồi lơ là, không phân loại rác nữa.

Cần sự quyết liệt hơn

Từ năm 2021, TPHCM đã đổi mới phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với 2 nhóm chính (nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại). Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung quy định, theo đó chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm.

Qua thực tiễn triển khai, việc này phát sinh một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể là hạ tầng kỹ thuật chưa được trang bị, đầu tư đồng bộ. Người dân thực hiện phân loại rác nhưng khi thu gom lại trộn lẫn rác phân loại, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TPHCM, phân tích, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phân loại rác tại nguồn còn nhiều hạn chế. PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn đề xuất thành phố nghiên cứu giao cho một cơ quan chức năng tổ chức thu phí thông qua bán bao bì đựng rác theo quy định. Điều này vừa để đảm bảo công bằng theo nguyên tắc nói trên, vừa tạo động lực thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu khối lượng rác.

Trên thực tế, việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác còn nhiều bất cập. Theo thống kê, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác của thành phố là 7.534 phương tiện, trong đó gần 4.200 phương tiện đạt chuẩn và gần 3.350 phương tiện không đạt chuẩn. Từ năm 2021 đến tháng 5-2023, các địa phương đã chuyển đổi được 1.450 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Điểm sáng là các địa phương đã nỗ lực lớn trong việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập. Cụ thể, TP Thủ Đức và 19/21 quận, huyện đã hoàn thành chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, với hơn 2.600 đường dây thu gom rác dân lập tham gia (đạt hơn 98,6%).

Quận Phú Nhuận cũng tìm hướng thực hiện việc chuyển đổi phương tiện cho phù hợp, như phối hợp Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận thiết kế mẫu xe và trình bày vào tháng 7-2022. Điều đáng tiếc là đến nay, mẫu phương tiện trên không đủ điều kiện đăng kiểm do là loại xe tự chế nên không được lưu thông.

Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Trần Quang Sang cho biết, quận Phú Nhuận đã kiến nghị cho phép thí điểm sử dụng phương tiện thu gom rác tại nguồn do Hợp tác xã Môi trường Phú Nhuận thiết kế để thu gom rác ở quận. Đồng thời, các đơn vị sản xuất xe của thành phố góp ý hoặc sản xuất loại phương tiện tương tự. Bởi việc tìm ra một loại phương tiện vừa phù hợp với kinh tế của lực lượng thu gom rác vừa đảm bảo điều kiện thực tế sẽ giúp cho lực lượng thu gom rác dân lập yên tâm công tác, qua đó góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho đường phố.

Đồng chí NGUYỄN THỊ BẠCH MAI, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM: Chú trọng xử phạt vi phạm

Ban Dân vận Thành ủy TPHCM vừa tổ chức giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị 19 ở một số đơn vị, địa phương. Qua giám sát cho thấy các cấp ủy Đảng đã chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường nơi công cộng.

Để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 19, cần tập trung các giải pháp huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là đa dạng hóa hình thức tuyên truyền sâu rộng đến tất cả đối tượng (nhất là hộ gia đình, tiểu thương tại các chợ dân sinh, chủ nguồn thải), giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Ngoài ra, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý phản ánh về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt là chú trọng xử phạt vi phạm hành chính trực tiếp hoặc phạt nguội về lĩnh vực môi trường.

THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hanh-dong-vi-mot-thanh-pho-xanh-cac-chien-dich-dang-dan-cham-lai-post712563.html