Hành động vì quyền lợi của người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) ra đời và có hiệu lực đến nay được gần 9 năm (từ ngày 1-7-2011) nhằm giúp NTD dễ dàng hơn trong việc khiếu nại những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng xâm phạm quyền lợi NTD vẫn phổ biến ở nhiều cấp độ và ngày càng diễn biến phức tạp.
Bảo vệ NTD cũng chính là bảo vệ sự công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, bảo vệ nền kinh tế lành mạnh. Quán triệt tinh thần nêu trên, Chính phủ vừa có Nghị quyết số 82 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Chương trình hành động hướng tới đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của NTD thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho DN, đặc biệt là các DN Việt. Tiếp tục kiến tạo môi trường tiêu dùng an toàn, bền vững, củng cố niềm tin của NTD vào Đảng, Nhà nước và xã hội, góp phần tạo nền tảng cho một xã hội tiêu dùng hạnh phúc và thịnh vượng.
Để có thể thực hiện tốt mục tiêu đã định, Chính phủ đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời, yêu cầu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành chức năng và địa phương trong việc tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; thanh tra, kiểm tra các vi phạm về sản xuất, triệt phá việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ...
Tại Đồng Nai, tỉnh đã có Ban Chỉ đạo 389 về chỉ đạo chống hàng gian, hàng giả; Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cũng đóng một phần nhất định vào việc lấy lại quyền lợi cho người dân khi có các khiếu nại, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế. Thực tế, công tác chống hàng gian, hàng giả của các lực lượng chức năng dù quyết liệt nhưng các đối tượng buôn bán, kinh doanh luôn tìm cách để hoạt động, khiến cho thị trường tiêu dùng hàng hóa vẫn phức tạp.
Còn đối với NTD, sự hạn chế trong hiểu biết pháp luật, sự lựa chọn hàng hóa, lưu giữ chứng từ khi giao dịch, hoặc khiếu nại, khiếu kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân không được quan tâm đầy đủ. Và thường thì NTD cam chịu “tiền mất tật mang” khi không may mua phải sản phảm kém chất lượng hoặc hàng hóa, dịch vụ không như cam kết, khiến cho việc thực thi quyền lợi chưa thực sự hiệu quả.
Chính sách pháp luật đã có, quyết tâm vì một nền kinh tế sạch, bảo đảm quyền lợi NTD cũng rất lớn khi có cả chỉ thị của Trung ương Đảng và chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi NTD phải cần đến sự quyết tâm không chỉ từ phía Nhà nước mà còn cả cộng đồng DN lẫn NTD.