'Hành động vì thiên nhiên'

Đó là chủ đề của Ngày môi trường thế giới năm nay. Câu hỏi đặt ra là tại sao Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lại lựa chọn chủ đề này? Phải chăng còn nhiều quốc gia chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường hoặc chỉ nói suông mà không có những hành động thiết thực, cụ thể để bảo vệ thiên nhiên?

M.P (Ảnh minh họa)

M.P (Ảnh minh họa)

Theo UNEP, đó là mục đích mà tổ chức này muốn hướng đến nhằm yêu cầu các quốc gia hãy hành động mạnh mẽ vì môi trường sống của toàn nhân loại. Ngoài ra, một điều mà UNEP muốn khẳng định đó là, năm 2020 là năm quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Là năm mà phải tăng cường đồng loạt các hiện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó biến đổi khí hậu và an ninh lương thực…

Với Thái Nguyên, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng đồ nhựa, túi ni lông của người dân vẫn phổ biến. Việc tổ chức phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn trường hợp vứt rác thải bừa bãi, nhất là vùng nông thôn. Hiện tượng xả thải trộm, không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường của một số tổ chức, cá nhân còn diễn ra. Trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn trường hợp xả chất thải, khí thải gây ô nhiễm. Tình trạng sạt lở, sụt lún đất gây ô nhiễm nguồn nước, thiệt hại hoa màu, nhà cửa của người dân vẫn diễn ra… Điều này cho thấy, cần phải có những hành động quyết liệt, thiết thực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường thời gian tới.

Được biết, nhân Ngày môi trường thế giới, UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo tức thời về bảo vệ môi trường. Trong đó, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì môi trường. Theo đó, tập trung vào các giải pháp cụ thể, vừa tức thời vừa có tính dài hạn. Đó là các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa bằng việc hạn chế, tiến đến không sử dụng chai đựng nước bằng nhựa dùng một lần, thay thế bằng vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần; tùy điều kiện cụ thể có thể thay thế phông nền biểu ngữ in bạt nhựa bằng sử dụng màn hình tivi, màn chiếu, cắt dán chữ bằng giấy… tại các sự kiện. Tổ chức các chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải nhựa, trồng cây xanh trong khuôn viên cơ quan, khu dân cư. Thực hiện nghiêm các nội dung cam kết tham gia phong trào chống rác thải nhựa trong cộng đồng.

Yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi đổ thải, xả thải, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp gây ô nhiễm…

Điều cần nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường là không chỉ dừng ở công tác tuyên truyền, vận động hoặc chỉ quan tâm đến các hoạt đông này trong tháng hành động vì môi trường hoặc ngày môi trường thế giới mà phải được triển khai thường xuyên, liên tục, thể hiện trong từng nội dung, việc làm cụ thể. Làm được như vậy, công tác bảo vệ môi trường mới mang tính lâu dài, bền vững.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/%E2%80%9Chanh-dong-vi-thien-nhien%E2%80%9D-271685-205.html