Hành hung phụ nữ sau va chạm giao thông: Sự xuống cấp về ý thức pháp luật và trong văn hóa ứng xử
Những vụ việc hành hung nhau sau va chạm giao thông, trong đó có vụ đánh tới tấp vào người phụ nữ, không chỉ khiến dư luận phẫn nộ mà còn đặt ra câu hỏi về ý thức pháp luật, giá trị đạo đức và sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân trong xã hội.
Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề hành hung người sau va chạm giao thông cùng luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, trong đó nhấn mạnh về 2 khía cạnh quan trọng: pháp luật - công cụ bảo vệ quyền con người và văn hóa - yếu tố xây dựng xã hội văn minh.
PV: Xin chào luật sư, trước hết xin cảm ơn chị vì đã nhận lời trao đổi về vấn đề bạo lực, hành hung người đi đường khi có va chạm giao thông, sau khi có liên tiếp các vụ việc xảy ra tại TPHCM. Ở đây, chúng ta cùng bàn bạc về cả khía cạnh pháp luật và văn hóa ứng xử. Đầu tiên, xin trao đổi cùng luật sư về ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức sự thượng tôn pháp luật.
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Tôi cho rằng cần xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực hành vi bạo lực, đặc biệt đối với phụ nữ và tại nơi công cộng. Các hành vi này gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho nạn nhân mà còn đe dọa đến trật tự xã hội và an toàn cộng đồng. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, cần được xử lý nghiêm khắc để thể hiện tính răn đe và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Các quy định pháp luật liên quan:
- Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017): Người gây ra hành vi bạo lực làm tổn thương cơ thể phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt tùy thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể và mức độ nghiêm trọng của hành vi. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân.
- Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự): Hành vi bạo lực mang tính chất làm nhục, sỉ nhục danh dự và nhân phẩm của phụ nữ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt sẽ tăng nặng nếu hành vi xảy ra ở nơi công cộng hoặc làm ảnh hưởng đến danh dự của nạn nhân trước cộng đồng.
Ngoài ra, hành vi này còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản được pháp luật bảo vệ, bao gồm:
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022: Nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi mọi hành vi bạo lực, từ gia đình đến ngoài xã hội.
- Luật Bình đẳng giới 2006: Khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, trong đó phụ nữ được đảm bảo quyền sống trong môi trường an toàn, không bị bạo hành, phân biệt đối xử hay tổn thương về danh dự.
Những vụ việc bạo lực đối với phụ nữ cần được xử lý nghiêm khắc và công khai, không chỉ để mang lại công lý cho nạn nhân mà còn để răn đe mạnh mẽ những cá nhân coi thường pháp luật. Thực thi pháp luật không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là sự cam kết của xã hội trong việc bảo vệ những giá trị nhân văn. Pháp luật không chỉ trừng phạt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức xã hội, nhấn mạnh rằng mọi hành vi bạo lực, bất kể lý do, đều không thể được dung thứ. Đây là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, nơi quyền con người được tôn trọng tuyệt đối.
PV: Hình ảnh người đàn ông ra tay đánh phụ nữ không thương tiếc cũng cho thấy các "vết rạn" trong hình tượng "đấng mày râu" đã được xây dựng bởi những quy chuẩn của đạo đức và xã hội. Đàn ông vốn luôn có các hành vi "galant" với phụ nữ cơ mà!
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Đúng vậy, những vụ việc này còn phản ánh sự suy thoái đáng lo ngại trong văn hóa ứng xử, đặc biệt là sự mai một của tinh thần "galant" - nét đẹp từng được xem là biểu tượng của người đàn ông chân chính mang đầy đủ sự tử tế và lòng nhân ái.
Một người đàn ông "galant" không chỉ thể hiện sự nhường nhịn, bảo vệ phụ nữ mà còn biết cách giải quyết xung đột bằng sự điềm tĩnh, tử tế và lý trí. Hành vi đánh đập phụ nữ, đặc biệt là ở nơi công cộng, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành động đi ngược lại hoàn toàn với những giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp mà xã hội kỳ vọng.
Theo tôi, việc hành hung người đi đường, đặc biệt là hành hung phụ nữ, cho thấy sự thiếu kiểm soát cảm xúc, thiếu ý thức tôn trọng phụ nữ và sự suy thoái trong văn hóa ứng xử của một bộ phận nam giới hiện nay. Thay vì lựa chọn đối thoại, lắng nghe hay giải quyết mâu thuẫn bằng cách ôn hòa, họ sử dụng bạo lực như một cách khẳng định bản thân, điều này không chỉ làm tổn thương người khác mà còn bộc lộ sự yếu kém trong nhân cách.
Sự "galant" không phải là một đặc tính tự nhiên mà là kết quả của quá trình giáo dục và bồi đắp từ nhỏ. Gia đình và nhà trường cần đóng vai trò quan trọng trong việc dạy trẻ em, đặc biệt là các bé trai, về ý thức tôn trọng phụ nữ và những giá trị văn minh trong ứng xử.
Nhìn vào các nền văn hóa phát triển trên thế giới, sự tôn trọng phụ nữ không phải là một chuẩn mực hình thức mà đã trở thành giá trị cốt lõi. Những hành động nhỏ như mở cửa, nhường ghế hay bảo vệ phụ nữ được thực hiện một cách tự nhiên, xuất phát từ lòng tôn trọng thật sự. Những giá trị này cần được truyền đạt thông qua giáo dục, môi trường sống và các tấm gương tích cực từ gia đình và xã hội.
PV: Nhìn lại các vụ việc hành hung người đi đường gần đây, có sự ảnh hưởng và kết nối qua lại giữa pháp luật và văn hóa ứng xử hay không, thưa luật sư?
Luật sư Đào Thị Bích Liên: Tôi cho rằng, xây dựng xã hội công bằng, văn minh cần có các bài học truyền thông từ pháp luật đến văn hóa. Những vụ hành hung người đi đường, đặc biệt hành hung phụ nữ, sau các va chạm giao thông không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là lời cảnh tỉnh về sự xuống cấp trong đạo đức và văn hóa xã hội.
Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, cần có sự kết hợp giữa pháp luật nghiêm minh và giáo dục văn hóa ứng xử:
- Về pháp luật: Các quy định pháp luật về bảo vệ phụ nữ cần được thực thi một cách quyết liệt hơn, đảm bảo rằng công lý luôn đứng về phía nạn nhân, đồng thời răn đe những hành vi coi thường luật pháp. Pháp luật phải đóng vai trò như một "tấm khiên" bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và góp phần xây dựng một xã hội an toàn, trật tự.
- Về văn hóa: Giá trị "galant" - nét đẹp của người đàn ông - cần được khôi phục và lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội. Một người đàn ông trưởng thành và mạnh mẽ không phải là người sử dụng bạo lực để chứng minh quyền lực mà là người biết kiềm chế, bao dung và tử tế trong từng hành động, lời nói. Hãy để mỗi người đàn ông trở thành một biểu tượng của sự lịch thiệp, trách nhiệm và nhân ái. Chỉ khi pháp luật được tôn trọng và các giá trị nhân văn được đề cao, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội văn minh, nơi bạo lực không còn chỗ đứng và tình yêu thương, sự tôn trọng được lan tỏa trong cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!