Hành, kiệu vụ Tết bỗng dưng chết rụi hàng loạt

Những ngày qua, người dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định như 'ngồi trên đống lửa' bởi hàng chục hécta hành, kiệu vụ Tết bỗng nhiên chết hàng loạt…

Vụ Đông - Xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Năm (trú thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đầu tư hơn 20 triệu đồng mua 3 tạ giống cùng phân bón để trồng 4 sào hành bán vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đến nay, lứa hành này đã được 1 tháng tuổi, thế nhưng vừa qua, toàn bộ hành của gia đình ông Năm bỗng nhiên chết hàng loạt. Ông Năm cho biết, khi nhận thấy một số diện tích cây hành có biểu hiện vàng lá, ông đã mang hành lên một đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại thôn Chánh Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ để mua thuốc bảo vệ thực vật về phun. Tuy nhiên, sau khi phun thuốc lần thứ ba, toàn bộ diện tích hành của ông bị chết trụi.

“Hành vàng lá sơ sơ, tôi nhổ hành mang lên, họ bán thuốc mang về phun. Phun đến lần thứ 3 thì cây hành vàng hết lá, củ hành thối rục. Chỉ có một hàng hành tôi để lại thử nghiệm thì vẫn sống tốt, khỏe chứ không bị khô lá, thối gốc. Tôi nghi ngờ là do thuốc bảo vệ thực vật nên mới bị như vậy. Người dân chúng tôi sống dựa vào hành để làm nguồn kinh tế chính vào dịp Tết này mà giờ hư như vậy không thể nào trồng lại được nữa”, ông Năm chia sẻ.

Nhưng không chỉ diện tích trồng hành mà nhiều diện tích đất trồng kiệu của người dân thôn Vĩnh Lợi cũng đều gặp phải tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Liên (ở thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã trồng kiệu ở vùng đất này hơn 30 năm. Năm nay, gia đình bà Liên đã đầu tư 5 sào để trồng kiệu. Đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Thế nhưng, đến nay, toàn bộ diện tích trồng kiệu đều đã vàng lá, chết rục.

Nông dân buồn bã vì diện tích trồng hành, kiệu vụ Tết bị chết rụi.

Nông dân buồn bã vì diện tích trồng hành, kiệu vụ Tết bị chết rụi.

“Tôi trồng kiệu ba mấy năm rồi chưa từng thấy bị như vậy. Có hư hỏng thì cũng chỉ một vài bụi chứ không có phải chết trụi hết trơn hết trọi cả đám như vậy. Bữa trước làm cỏ xong, bơm thuốc lên là bữa sau bị vàng lá hết. Cái rễ còn nhưng củ úng nước thối hết luôn. Không còn một cây nào có thể sống hết trơn. Chúng tôi nghi ngờ là thuốc bảo vệ thực vật. Mà có thuốc giả thì cũng phải ba bốn hôm mới bị, chứ có đâu mà làm rẹt liền. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng vào cuộc kiểm tra chứ như thế này thì người dân chúng tôi phải làm sao”, bà Liên thở dài buồn bã.

Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, trước tình hình cây kiệu và hành của người dân chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, UBND huyện Phù Mỹ đã giao Phòng NN&PTNT huyện và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ kiểm tra diện tích hành, kiệu bị chết hàng loạt. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Định xác minh nguồn gốc và đơn vị cung cấp thuốc.

“Phải làm rõ vụ việc, nếu xét thấy về chức năng của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ mà không làm rõ được, UBND huyện đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh cử Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Bình Định về phối hợp với địa phương hoặc các cơ quan chức năng để làm rõ. Trước mắt chưa xác định thiệt hại như thế nào, nếu như đúng thực tế vấn đề bán thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định hoặc thuốc giả ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, kể cả sản phẩm của nông dân thì tùy theo quy định của pháp luật sẽ đề nghị xử lý”, ông Chánh nói.

Chiều 31/10/2022, Chi cục TT&BVTV tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định) cùng đại diện các ngành liên quan của huyện Phù Mỹ đã tiến hành kiểm tra một số diện tích cây hành, kiệu bị chết bất thường. Qua kiểm tra sơ bộ, toàn huyện Phù Mỹ có khoảng 22ha hành, kiệu của nông dân ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Thành bị hư hỏng. Trong đó xã Mỹ Thành có diện tích hành, kiệu bị hư hỏng nhiều nhất với 20ha; xã Mỹ Thọ 0,5ha; xã Mỹ Thắng 1,5ha. “Qua kiểm tra và phản ánh của người dân họ nghi ngờ do hành, kiệu bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, để có cơ sở xác định, hiện nay Chi cục TT&BVTV tỉnh Bình Định đang phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ cũng như UBND các xã rà soát lại từng hộ dân phun loại thuốc gì, mua ở đâu, phun như thế nào, xác định thời gian sau bao lâu bị chết. Sau đó sẽ phối hợp với các đơn vị, đặc biệt với các công ty có sản phẩm mà mình nghi ngờ gây ngộ độc để có hướng giải quyết cho người dân theo đúng quy định của pháp luật”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Bình Định nói.

Chi cục TT&BVTV tỉnh Bình Định cùng đại diện các ngành liên quan của huyện Phù Mỹ cũng đã lập biên bản tại cơ sở cung cấp thuốc bảo vệ thực vật tại xã Mỹ Thọ. Ông Trần Lê Hoàng, đại diện đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật Thành Đồng (thôn Chánh Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) cho biết, đã liên hệ với Công ty CP hóa sinh Nam Mỹ, địa chỉ tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Công ty này đã cử đại diện ra gặp trực tiếp người dân để lấy mẫu hành, kiệu, mẫu thuốc để kiểm tra.

Hiện tại, Công ty CP hóa sinh Nam Mỹ đang nhờ cơ sở Thành Đồng ghi lại thông tin người bị thiệt hại do thuốc Nofara gây ra. Ngoài ra, chủ cơ sở đã thử nghiệm phun loại thuốc Nofara 35WG trên cỏ cũng gây cháy lá. Đoàn công tác đã thống nhất yêu cầu chủ cơ sở Thành Đồng tạm dừng bán thuốc Nofara; kiểm tra thu hồi toàn bộ loại thuốc Nofara đã bán cho người dân.

Diễm Phúc

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/hanh-kieu-vu-tet-bong-dung-chet-rui-hang-loat-i673010/