Hành lang nhân đạo: Giải pháp bảo vệ dân sự toàn diện

Xung đột Nga - Ukraine dần chạm đến mốc ngày thứ 30. Khi hai bên chưa đạt thỏa thuận chung về lợi ích, giải pháp hòa bình tạm thời dừng lại ở việc thiết lập các hành lang nhân đạo.

Hành lang nhân đạo là một trong những biện pháp xúc tiến hòa bình, nhằm đảm bảo an toàn và cứu trợ cho dân thường, trong bối cảnh các cuộc xung đột vẫn chưa thể chấm dứt.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi thành phố Kiev tập hợp tại một cây cầu ở vùng ngoại ô thủ đô. (Nguồn: AP)

Người dân Ukraine sơ tán khỏi thành phố Kiev tập hợp tại một cây cầu ở vùng ngoại ô thủ đô. (Nguồn: AP)

Nghĩa vụ pháp lý

Hầu hết hành lang nhân đạo là những con đường được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang; thiết lập trong một khu vực xác định, trong khoảng thời gian cụ thể với sự nhất trí của các bên tham chiến; bảo đảm dân thường có thể rời khỏi các khu vực nguy hiểm và nhận được sự hỗ trợ về thực phẩm, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác.

Để hành lang nhân đạo hoạt động hiệu quả, các bên tham chiến cần tôn trọng các thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân sơ tán trên những tuyến đường này.

Theo bà Kirsten Gelsdorf, giám đốc chính sách nhân đạo toàn cầu thuộc Đại học Virginia (Mỹ), việc thiết lập hành lang nhân đạo không phải là dấu hiệu cho thấy các bên xung đột nhượng bộ nhau, mà thực chất là việc tuân thủ nghĩa vụ pháp lý theo Công ước Geneva.

Cụ thể, Công ước Geneva năm 1949 yêu cầu các quốc gia cho phép “vận chuyển nhanh chóng và không bị cản trở” các mặt hàng cứu trợ, bao gồm thực phẩm và quần áo cho những người đang gặp nguy hiểm, tức là các biện pháp bảo vệ nhân đạo cho dân thường bị kẹt trong chiến tranh.

Sau đó, vào năm 1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã ban hành nghị quyết 45/100 công nhận khái niệm về các hành lang cứu trợ vì mục đích nhân đạo, chứ không phải vì các mục đích chính trị hay quân sự.

Trong hầu hết các trường hợp, việc mở hành lang nhân đạo do LHQ đàm phán. Đôi khi chúng có thể được thiết lập bởi các bên tham chiến hay các tổ chức địa phương. Các bên tham chiến quyết định ai là người được tiếp cận hành lang nhân đạo, xác định khoảng thời gian, khu vực và phương tiện giao thông là xe tải, xe buýt hay máy bay được phép qua đây.

Thông thường, hành lang nhân đạo chỉ được giới hạn sử dụng cho các tổ chức trung lập, các tổ chức thuộc LHQ, tổ chức cứu trợ như Hội Chữ thập đỏ, hay các nhà báo muốn tiếp cận để đưa tin.

Rất hiếm khi những hành lang này chỉ do một bên tham chiến thiết lập. Tuy vậy, điều đó đã xảy ra ở cuộc không vận của Mỹ sau khi Liên Xô phong tỏa Berlin năm 1948-1949.

Vùng an toàn có thực sự an toàn?

Có rất ít nghiên cứu về mức độ hiệu quả của các hành lang nhân đạo.

Trong quá khứ, việc lần đầu tiên triển khai hành lang nhân đạo một cách chính thức được ghi nhận trước Thế chiến II. Từ năm 1938-1939, khoảng 10.000 trẻ em, phần lớn là người Do Thái, được sơ tán khỏi quốc gia do Đức Quốc xã kiểm soát trên các chuyến tàu, thuyền và máy bay để đến Anh. Cuộc sơ tán này được đặt tên là “kindertransports”.

Tuy vậy, phải tới năm 1989, trong cuộc nội chiến Sudan, các tuyến đường sơ tán mới được sử dụng trở lại. Khi đó, LHQ đã làm trung gian để đưa ra một thỏa thuận thiết lập các hành lang nhân đạo vận chuyển viện trợ cho cả hai bên.

Không phải hành lang nhân đạo nào cũng thực sự an toàn. Những năm 1990, khi cuộc chiến Bosnia đang lên tới đỉnh điểm, LHQ đã thiết lập “vùng bảo vệ” tại thị trấn Srebrenica, phía Đông Bosnia & Herzegovina, do lực lượng gìn giữ hòa bình của Hà Lan (Dutchbat) quản lý. Khu vực Srebrenica, dù vậy, liên tục bị tấn công và lực lượng lính mũ nồi xanh Hà Lan buộc phải rút lui. Kết cục là, lực lượng quân sự của người Serbia tại Bosnia do tướng Ratko Mladic chỉ huy dễ dàng tiến vào Srebrenica. Theo tờ Le Temps, chỉ trong vài ngày, 8.372 nam giới Hồi giáo từ 12-60 tuổi đã bị thảm sát, trở thành một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất tại châu Âu sau Thế chiến II.

Hành lang nhân đạo thường xuyên được thiết lập trong cuộc xung đột tại Syria, Libya, Dải Gaza và nhiều khu vực khác.

Trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều ngày ở Syria, cả Nga và Syria đã thống nhất đưa ra các hành lang nhân đạo, thông báo cho dân thường và thậm chí là một số binh lính có thể rời đi.

Hành lang được tạo ra ở các khu vực bị bao vây xung quanh Damascus và một số thành phố Homs và Hama. Việc thiết lập hành lang nhân đạo gây tiếng vang nhất có lẽ ở phía Đông Aleppo vào cuối năm 2016 được nhất trí thông qua sau bốn năm khu vực này bị bao vây giữa súng đạn tàn khốc.

Tuy nhiên, trong nhiều cuộc xung đột, các hành lang nhân đạo đã không được thiết lập. Chẳng hạn trong nội chiến đang diễn ra ở Yemen, LHQ đã thất bại trong đàm phán với các bên.

Tuyến đường Mariupol - Nikolske - Rozivka - Polohy - Orikhiv - Zaporizhzhia đã được chọn làm hành lang nhân đạo giữa Ukraine và Nga. Tuyến đường dài 64km và việc di chuyển bằng xe ô tô sẽ mất hơn 1 giờ đồng hồ..

Hiệu quả trong xung đột Nga-Ukraine

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một trong những vấn đề chính hai bên đưa ra trong các cuộc đàm phán là thiết lập các hành lang nhân đạo, đảm bảo an toàn cho người dân, một động thái được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Bắt đầu từ ngày 5/3, Nga và Ukraine đã cùng nhau thiết lập một số hành lang nhân đạo, cho phép người dân Ukraine sơ tán khỏi một số thành phố như Chernihiv, Sumy, Kharkov, Mariupol và Kiev... để tới Nga, Belarus, Ba Lan hay Romania...

Thời gian đầu, việc triển khai gặp không ít khó khăn do cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau không tôn trọng lệnh ngừng bắn, khiến các hành lang nhân đạo ở Mariupol và Volnovakha của Ukraine không thể sử dụng trong ngày 5/3.

Tuy nhiên, hai bên đã tích cực đẩy mạnh đàm phán, việc sơ tán dân thường sau đó diễn ra trôi chảy hơn. Thượng tướng Mikhail Mizentsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát phòng thủ quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chỉ tính riêng ngày 18/3, có 42.992 người đã được sơ tán khỏi Mariupol; 134 tấn thuốc men, thực phẩm, nhu yếu phẩm đã được chuyển tới thành phố này.

Theo ông, Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được gần 2,7 triệu yêu cầu từ người dân ở Ukraine muốn sơ tán tới Nga. Tướng Mizintsev nhấn mạnh việc sơ tán công dân Ukraine và người nước ngoài đến các khu vực an toàn vẫn đang được thực hiện cùng các biện pháp khôi phục cuộc sống hòa bình tại nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Phía Ukraine cũng báo cáo về việc tổ chức sơ tán dân thường. Hành lang nhân đạo từ Mariupol về phía Tây trở thành tuyến đường chính cho người dân sơ tán và các đoàn xe chở hàng nhân đạo tới thành phố này. Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk cho biết, với 4/7 hành lang nhân đạo hoạt động theo kế hoạch, có tổng cộng 7.295 người đã được sơ tán trong ngày 20/3. Theo số liệu của LHQ, tính đến ngày 20/3 hơn 3,3 triệu người Ukraine đã sơ tán đến các nước láng giềng kể từ khi xảy ra xung đột.

Theo bà Gelsdorf, bất kể hành lang nhân đạo được sử dụng như thế nào, chúng phải là một phần của chiến lược bảo vệ dân sự toàn diện, bao gồm những động thái như: đạt được các thỏa thuận ngừng bắn ở mức độ rộng hơn, cung cấp viện trợ nhất quán và các thỏa thuận không tấn công các cơ sở dân sự như bệnh viện...

Với việc đạt được các thỏa thuận ban đầu về xây dựng và triển khai các hành lang nhân đạo hiệu quả, cộng đồng quốc tế hy vọng rằng, tình hình Nga - Ukraine sẽ cải thiện, hai bên sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện vì an toàn, hòa bình và ổn định chung tại khu vực.

(tổng hợp)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hanh-lang-nhan-dao-giai-phap-bao-ve-dan-su-toan-dien-178278.html