Hành lang pháp lý cho Telehealth
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều bệnh viện đầu ngành (Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, K, Nhi T.Ư, Ðại học Y Hà Nội, Nội tiết T.Ư, đa khoa T.Ư Thái Nguyên, đa khoa T.Ư Huế…) đều đã triển khai hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) vào phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và đào tạo cán bộ y tế cho tuyến dưới theo hình thức trực tuyến.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều bệnh viện đầu ngành (Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, K, Nhi T.Ư, Ðại học Y Hà Nội, Nội tiết T.Ư, đa khoa T.Ư Thái Nguyên, đa khoa T.Ư Huế…) đều đã triển khai hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) vào phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và đào tạo cán bộ y tế cho tuyến dưới theo hình thức trực tuyến.
Kết quả triển khai cho thấy đã đạt được hai mục đích là vừa phục vụ người bệnh, vừa cải thiện hệ thống y tế. Hiện nay, khám, chữa bệnh từ xa đã trở thành hoạt động thường xuyên, mỗi bệnh viện tổ chức từ một đến hai buổi/tuần.
Nhiều lần tham dự các buổi Telehealth, chúng tôi được chứng kiến các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện tuyến trên trực tiếp tham gia trao đổi, hội chẩn và hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới đưa ra các phương án điều trị kịp thời cho những người bệnh nặng. Trong thời điểm hiện nay, đây là giải pháp hợp lý trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Mỗi bệnh viện tuyến trên đều có từ vài chục đến hơn 100 điểm cầu tham gia mỗi buổi Telehealth và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa.
Hiệu quả của khám, chữa bệnh từ xa đã bước đầu thấy rõ. Việc triển khai hệ thống Telehealth được đánh giá là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chữa và phòng bệnh. Mục tiêu 1.000 cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh từ xa là có cơ sở.
Thực tế triển khai Telehealth thời gian qua cho thấy các bệnh viện đang tham gia theo nhu cầu thực tiễn và quyết định từ Bộ Y tế. Khi đưa một chủ trương phù hợp thực tế, rất cần những điều kiện cần (nhu cầu) và đủ (cơ chế, chính sách). Do vậy lúc này, các bệnh viện đang rất cần có một hành lang pháp lý để loại hình khám, chữa bệnh từ xa hoạt động. Từ việc hợp thức hóa tên gọi trong các văn bản quy phạm nhà nước đến ban hành các hướng dẫn về chuyên môn.
Khám bệnh, chữa bệnh là một dịch vụ. Ðể dịch vụ đó được cung cấp ở mức tốt nhất cho người dân (dưới các loại hình) thì cũng cần có cơ chế tài chính phù hợp. Cho nên, các cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế tài chính để khám bệnh, chữa bệnh từ xa tham gia nhiều hơn nữa vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/hanh-lang-phap-ly-cho-telehealth-617820/