Hành lang pháp lý để khoa học và công nghệ Việt Nam bứt phá
Với hàng loạt hành lang pháp lý được ban hành, Việt Nam đã có nền tảng đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) 'ra trận', tạo ra tăng trưởng thực chất.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện đời sống người dân
Sau gần 4 tháng hoạt động, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) mới, trên cơ sở hợp nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ KH&CN đang thực hiện sứ mệnh lịch sử: đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển dựa trên tri thức và công nghệ. KHCN, ĐMST và CĐS là ba trụ cột chiến lược cho tăng trưởng GDP.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết để đưa khoa học “ra trận”, công nghệ “ra thị trường” và dữ liệu trở thành tài sản chiến lược.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu vận hành đúng thể chế, KHCN, ĐMST và CĐS có thể đóng góp tới 5% tăng trưởng GDP, trong đó: KHCN 1% GDP thông qua thương mại hóa kết quả nghiên cứu; ĐMST 3% GDP nhờ chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp; CĐS 1% GDP nhờ tăng tốc độ di động, cung cấp dịch vụ công số, vận hành chính quyền số.
Tài sản trí tuệ và tiêu chuẩn: Nền tảng cho quốc gia đổi mới
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển từ bảo vệ quyền sang thương mại hóa tài sản trí tuệ thuộc sở hữu trí tuệ (SHTT) là bước ngoặt. Một quốc gia phát triển có thể có tới 80% tổng giá trị tài sản là SHTT. Vì vậy, cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm, trộm cắp ý tưởng. Phát triển văn hóa xã hội tôn trọng sáng tạo và quyền sở hữu. Cùng đó, tiêu chuẩn phải được đổi mới mạnh mẽ theo hướng hội nhập quốc tế. Tiêu chuẩn là định hướng phát triển, còn quy chuẩn là hàng rào bảo vệ chủ quyền, an toàn và môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển dịch quan trọng nhất trong lĩnh vực SHTT là chuyển từ bảo vệ quyền sang tài sản hóa, thương mại hóa và thị trường hóa các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển, tài sản trí tuệ có thể chiếm tới 80% tổng giá trị tài sản. Bởi vậy, phát triển, giao dịch và bảo vệ tài sản trí tuệ, đồng thời phòng, chống hành vi xâm phạm, đánh cắp SHTT phải là trọng tâm của một quốc gia muốn phát triển.
“Một xã hội dung túng cho hành vi trộm cắp là một xã hội không thể phát triển bền vững. Khi tình trạng xâm phạm quyền SHTT lan rộng, sức sáng tạo sẽ bị triệt tiêu, KH,CN&ĐMST không thể phát triển. Hành vi đánh cắp ý tưởng, sáng chế cũng giống như hành vi trộm cắp ngoài xã hội - đó là sự vi phạm đạo đức và cần phải bị lên án, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa xã hội về SHTT”, người đứng đầu ngành KH&CN cho biết.
Cùng đó, trọng tâm của lĩnh vực năng lượng nguyên tử thời gian tới là điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ. Điện hạt nhân trở thành điện xanh và điện nền, trở thành chiến lược quốc gia và Việt Nam phải làm chủ công nghệ hạt nhân.
Hoàn thiện khung pháp lý đột phá
Năm 2025, Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo và hoàn thiện 9 luật liên quan đến KHCN, ĐMST và CĐS - con số kỷ lục chưa từng có trong một nhiệm kỳ. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, đã thông qua 5 luật sửa đổi liên quan đến KHCN, là Luật KH,CN&ĐMST, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi. Các nghị định và thông tư liên quan, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật sẽ được ban hành ngay trong năm 2025 để có hiệu lực cùng ngày với các luật.
Các luật này có nhiều đổi mới quan trọng. Luật KH,CN&ĐMST chuyển từ quản lý quá trình sang quản lý đầu ra, gắn nghiên cứu với ứng dụng, lấy ĐMST là động lực đưa tri thức vào thực tiễn, xây dựng đại học thành các trung tâm nghiên cứu KHCN và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST.
Luật Công nghiệp công nghệ số xác lập ngành công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế trọng điểm, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang dữ liệu, nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, tài sản số, kinh tế số, chú trọng tự cường thông qua phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam...
Từ nay đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN sẽ phải hoàn thành và thông qua 4 luật, bao gồm 1 luật mới và 3 luật sửa đổi, đó là: Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật SHTT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, như vậy chỉ riêng năm 2025, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì soạn thảo 9 luật liên quan đến KHCN,ĐMST&CĐS. Trước đây, một khóa 5 năm mà thông qua 1 - 2 luật đã là nhiều. Với số lượng lớn các luật phải soạn thảo và trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết 57, thì đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao, có cách làm mới và làm việc không kể ngày đêm mới có thể hoàn thành.
Với 9 luật được thông qua trong năm 2025 và 3 luật đã ban hành trước đó là Luật Viễn thông, Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử, cùng các luật chuyên ngành khác, Bộ KH&CN kỳ vọng rằng hành lang pháp lý cho KHCN,ĐMST&CĐS đã đủ thông thoáng để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ba trụ cột này.
“Bây giờ là lúc chúng ta phải hành động, làm thật nhiều, làm những việc lớn, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, để qua đó bộc lộ các khó khăn và tiếp tục tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.