Nga đang phá vỡ các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách phát triển tuyến đường thương mại mới thông qua Hành lang vận tải Bắc - Nam, tờ báo Mỹ New York Times (NYT) cho biết.
Ấn phẩm đặc biệt chú ý đến một dự án đặc biệt sắp triển khai, đó là xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua Iran - Tuyến giao thông huyết mạch này sẽ đánh dấu bước ngoặt cuối cùng của Nga trong việc vượt qua những lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt.
Tờ NYT nhấn mạnh, việc thực hiện dự án trị giá 1,7 tỷ USD sẽ là tuyến đường nối giữa Nga và các cảng của Iran ở Vịnh Ba Tư, từ đó sẽ giúp Moskva dễ dàng tiếp cận những trung tâm mua sắm như Mumbai.
"Hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo và đẩy nhanh dòng hàng nhập khẩu vào Nga, đồng thời giúp đơn giản hóa đáng kể việc xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế của Moskva".
Chưa dừng lại đây, tờ báo Mỹ còn cho rằng hành lang quốc tế này sẽ bổ sung cho các tuyến thương mại của Nga theo hướng Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Moskva.
Số liệu thống kê cho biết vào năm 2023, khối lượng thương mại giữa Liên bang Nga và cả hai quốc gia nói trên đã vượt quá khối lượng thương mại với EU trước khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ.
Cuối cùng cần lưu ý rằng việc hoàn thành tuyến đường sắt qua Iran được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2028. Như vậy, tổng chiều dài hành lang vận tải sẽ là 7.200 km. Tờ NYT khẳng định: "Tuyến đường này sẽ nằm ngoài khu vực bị phương Tây trừng phạt".
Bên cạnh đó, tờ báo Economic Times của Ấn Độ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng mới trong hành lang vận tải đa phương thức quốc tế Bắc - Nam.
"Khả năng vận tải hàng hóa quá cảnh qua một số quốc gia khi được trung chuyển tại một vài điểm tập kết cho thấy mức độ quan trọng của hành lang trong việc cung cấp liên kết đáng tin cậy và mở rộng thương mại khu vực".
"Đi qua nhiều khu vực khác nhau, từ Nga đến Iran và xa hơn nữa là Ấn Độ, hành lang vận tải Bắc - Nam đã và đang chứng tỏ tiềm năng của mình", tờ Economic Times nhấn mạnh.
Liên quan đến nhu cầu của New Delhi, giới phân tích nhấn mạnh rằng tuyến đường vận tải hoạt động đầy đủ cũng sẽ "tạo điều kiện tiếp cận nguồn cung hydrocarbon và các tài nguyên khoáng sản khác từ Trung Á - nơi không có đường ra biển".
Không chỉ có vậy, việc nhập khẩu phân bón, sắt và than từ Nga hay Ukraine cũng sẽ trở nên nhanh hơn và rẻ tiền hơn đáng kể.
"Việc xây dựng Hành lang vận tải Bắc - Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược, ý chí chính trị và khả năng ở cấp cao nhất của những quốc gia như Ấn Độ, Iran và Nga trong việc tìm kiếm các phương án hợp tác có ý nghĩa", tờ báo nói thêm.
Ấn phẩm Economic Times bình luận tiếp: "Bước đi trên đánh dấu một sự thay đổi mô hình, đòi hỏi một cái nhìn mới về sự biến đổi của kinh tế toàn cầu".
"Bản thân Hành lang kêu gọi chúng ta suy nghĩ lại về khả năng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, tạo điều kiện cho các quốc gia vượt lên trên lợi ích cá nhân để đóng góp vào sự phát triển chung của châu Á và thế giới".