Hạnh phúc bên đời còn có ba

Chỉ cầu cho ba của con an yên, thư thái trong những năm tháng cuối đời, để mỗi sớm mai thức dậy, con thật hạnh phúc vì thấy bên mình vẫn còn có ba.

“Biển sóng biển sóng đừng xô nhau/Ta xô biển lại sóng nằm đâu/Biển sóng biển sóng đừng xô tôi/Đừng xô tôi ngã giữa tim người ”. Tôi vẫn luôn hy vọng từng thanh âm cứu rỗi tâm hồn trong ca từ nhạc Trịnh sẽ làm dịu bớt nỗi buồn đau sâu thẳm trong lòng ba. Có khi ba hoang hoải, đắng đót bởi niềm đau hay thanh thản mà đón nhận niềm vui, nỗi buồn theo cách “mỗi vết thương lành một nỗi vui”.

Ba tôi là một người đàn ông không hoàn hảo, càng không phải là người đàn ông thành đạt và giàu có, công danh sự nghiệp của ba kết thúc bằng con số 0 tròn trĩnh, thậm chí là con số âm đấy chứ (không đảng viên, không lương hưu, không trợ cấp). Về già ba mang trong mình căn bệnh kinh niên, căn bệnh nhìn bề ngoài khó ai có thể nhận biết, chỉ đêm về, má tôi – người bạn đời chung thủy tào khang mới chăm sóc vỗ về giấc ngủ cho ba, và mỗi ngày đều đặn xem ba đã uống thuốc hết hay còn.

Chị gái tôi hay nhìn về quá khứ của ba bằng những tháng ngày u uất. Chị nhớ về thời gian ba vắng nhà dài dằng dặc hay sự khổ sở chị phải hứng chịu vì ba say xỉn triền miên. Còn tôi, tôi chỉ nhớ và nhìn về người ba của mình với những ký ức ngọt lành. Phải chăng vì thế nên nhiều người vẫn bảo tôi là người sống lạc quan, tích cực.

Ba tôi khi còn trẻ

Ba tôi khi còn trẻ

Với tôi, ký ức về ba, đó là người đàn ông đẹp trai, hào hoa, hay khoác chiếc áo măng-tô dài mỗi khi đi thăm lô cao su, tựa như tình báo Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa do diễn viên Chánh Tín thủ vai nổi tiếng từ thập niên 1980. Là hình ảnh ba ôm đàn ghi-ta hát cho cả nhà nghe, ba hát hay đến nỗi sau này lớn lên, cũng với bản nhạc đó “Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Ôm nghiêng tập vở/Tóc dài tà áo vờn bay, vờn bay...”, vậy mà tôi cảm thấy dường như không một ca sĩ nào hát phiêu như ba thuở ấy.

Ký ức về ba còn là nhiều lần ba dẫn chị em tôi dạo chơi trong làng của người bản địa, ở đó ba có một người cha nuôi. Và thế là chúng tôi được ông nội nuôi cho ra vườn thỏa thích ngập đầy hoa trái. Thi thoảng, ba đi ăn lễ cúng cơm mới ở làng thể nào cũng đem quà về là những ống cơm lam song ba cố tình không cho biết đó là cơm lam, để rồi suýt chút nữa tôi tưởng là ống tre định vứt đi. Tôi còn nhớ cả việc ba tỉ tê rủ má đi xem phim chỉ riêng tư hai vợ chồng, má phải dỗ dành nếu tôi ở nhà sẽ cho năm mươi đồng nhưng tôi dứt khoát không chịu, cứ nằng nặc đòi theo.

Dường như, tôi nhớ nhiều về năm tháng tạm gọi là “thăng hoa” của ba, chứ ít nhớ về giai đoạn ba suy sụp, trượt dài khi sự nghiệp tuột dốc. Lúc đó, ba trở thành một người đàn ông sáng say chiều xỉn, nhưng tuyệt nhiên có một điều mà tôi vẫn bênh vực ba mỗi khi chị gái tôi hay nhắc lại quá khứ “ma men” của ba, đó là dù ba có say, có tỉnh, có thành công hay sa cơ lỡ vận thì ông vẫn chưa bao giờ nặng lời, to tiếng với má.

Vâng, ba tôi là một người đàn ông không hoàn hảo, là người đàn ông thất bại trên con đường công danh sự nghiệp, là người đàn ông mắc phải sai lầm bởi chưa làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha. Bốn anh chị em chúng tôi được ăn học, lớn lên, trở thành công chức, viên chức phần lớn đều nhờ vào sự tảo tần của má.

Ba không để lại tài sản đồ sộ cho các con, ba không để lại danh tiếng một thời làm quan như “ba nhà người ta”. Ba không để lại một lý lịch “đỏ” hay thật “sạch sẽ” cho con, cho cháu.

Song, sau tất cả những buồn đau, sai lầm, đắng cay, thất bại của ba, tôi vẫn luôn dành tình yêu thương đối với ba, tôi vẫn luôn tự hào trong dòng máu của mình có cái gen di truyền thông minh, học giỏi giống ba như lời ông ngoại tôi thời còn sống vẫn thường nói thế. Nhớ về ba, tôi luôn dành cho ba từng gam màu thật đẹp. Đó là màu hồng ngọt ngào như mỗi lời nói ba dành cho má, là màu vàng rực rỡ mỗi lần được ba dẫn đi chơi, là màu xanh dịu dàng trong từng câu hát ba cất lên bay bổng, và tất nhiên, không thể thiếu gam màu tím thủy chung sắt son của má, người bạn đời đã chịu quá nhiều thiệt thòi, vất vả bên ba.

Có một ngày, ba gọi điện nói với tôi rằng ba muốn dùng điện thoại thông minh. Tôi hơi ngạc nhiên vì bấy lâu nay chỉ má mới dùng điện thoại thông minh, chứ ba già rồi tay chân lóng ngóng, mắt mũi lem nhem làm sao lướt lướt trên màn hình, còn nghe nhạc thì nhà đã có sẵn hai cái ti-vi. Nhưng ba bảo ba muốn ở phòng riêng nghe nhạc cho yên tĩnh, ba chỉ thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn thôi. Ừ ba thích thì chiều ba. Tôi nghĩ ba già rồi, khám phá điện thoại cũng tốt chứ có sao đâu. Với chiếc điện thoại cầm tay nhỏ gọn, tiện lợi sẽ đem đến cho ba vô vàn bản nhạc Trịnh mà ba yêu thích.

Ấy vậy mà chị gái tôi cứ sợ ba dùng điện thoại lại suốt ngày “bấm bấm chọt chọt” không tốt cho sức khỏe, phải để ba đi lại, dạo vườn tược cho đầu óc thoải mái. Là chị tôi lo thái quá đấy thôi chứ từ ngày ba dùng điện thoại, ba vẫn đều đặn mỗi sáng thức dậy tập thể dục, ra vườn tưới rau, đi mua đồ ăn sáng cho cả hai ông bà, hái lá chè xanh hãm uống, xong xuôi đâu đó ba mới nghe nhạc, đọc sách báo hoặc ngồi trò chuyện với má.

Thực tình thì tôi chẳng ưa gì câu nói: “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ”. Bởi đôi khi chị gái tôi cứ vin vào câu nói ấy để đổ cho số phận mình long đong, trắc trở tình duyên một phần do sai lầm của ba? Tôi không tin điều ấy, dẫu tôi biết rằng ba đã từng mắc sai lầm lớn trong cuộc đời. Cứ nhìn dáng vẻ từ từ, chậm rãi của ba, những ngón tay thuôn dài chỉ biết cầm bút, mái tóc ba dù đã bạc nhưng vẫn bồng bềnh không giấu được vẻ lãng tử hào hoa một thời trai trẻ; tôi lại thấy thương ba vô cùng. Quá khứ của ba hãy để ngủ yên. Con gái của ba yêu ba thật nhiều!

Và chiều nay tôi lại mua thuốc gửi về cho ba định kỳ hằng tháng. Có bệnh thì phải uống thuốc thôi ba. Chỉ cầu cho ba của con an yên, thư thái trong những năm tháng cuối đời, để mỗi sớm mai thức dậy, con thật hạnh phúc vì thấy bên mình vẫn còn có ba./.

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Nguyễn Thị Liễu Hạnh

Địa chỉ: Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum, Tầng 8, Tòa nhà B, Khu Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hanh-phuc-ben-doi-con-co-ba-d192301.html