Hạnh phúc bình thường
Có những người để sống cuộc đời bình thường, họ phải nỗ lực vượt qua sự khác thường của giới tính từ khi sinh ra. Nhưng dù ở giới tính nào, họ luôn khao khát được sống thật với chính con người mình, được chấp nhận và tôn trọng, được làm việc và cống hiến.
Hạnh phúc của Y Ploi
Y Ploi (SN 1984) là con đầu trong gia đình có 9 anh chị em, gia đình thuộc diện nghèo nhất làng. Khi sinh đứa con đầu lòng, cha mẹ vui mừng vì ngỡ sinh được một bé gái. Đến tuổi dậy thì, Y Ploi ngày càng nhận ra mình không giống ai.
Anh kể: “Đến khoảng năm học lớp 7, lớp 8, tôi vỡ giọng và ngoại hình hoàn toàn là nam giới. Tôi cũng để ý các bạn nữ trong lớp như một người con trai. Trong khi ngoại hình lẫn tâm lý dần hoàn thiện là nam thì giới tính sinh học lại là nữ. Tôi rất sợ mỗi khi phải đi vệ sinh. Các bạn nữ thấy tôi liền xua đuổi vì rõ ràng tôi là nam. Nhưng, vào nhà vệ sinh nam thì tôi không giống mọi người. Lúc đó, tôi rất hoang mang, lo lắng.
Y Ploi đi qua những mùa trai gái yêu nhau trong nỗi khao khát rất con người nhưng luôn phải kìm nén. Bù lại, năng khiếu nghệ thuật của anh ngày càng bộc lộ. Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong một lần về Gia Lai tình cờ nghe Y Ploi đàn hát đã đứng ra bảo lãnh để anh được đặc cách vào Khoa Sư phạm Thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Anh chia sẻ: “Đúng 20 năm trước, tôi tốt nghiệp sư phạm thanh nhạc. Nhiều nơi mời về dạy nhạc nhưng không hiểu sao tôi chỉ muốn được trở về làng để dạy nhạc cho trẻ em. Làng vẫn còn rất nghèo, là nơi tôi có những ký ức buồn thời niên thiếu. Nhưng tôi vẫn muốn trở về để làm cái gì đó cho quê hương”.
Trở về, anh không nhìn vào những khiếm khuyết của mình để bất an hay dằn vặt như thời mới lớn. Anh đã được “cởi trói” tư tưởng sau một vài lần đi Thái Lan để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cho vấn đề của mình.
Anh kể: “Tôi từng trải qua 1 lần phẫu thuật nhưng chỉ cải thiện được chút ít sự bất tiện. Trong y học, họ gọi trường hợp như tôi là Q+. Q là chữ viết tắt của Queer, thuật ngữ để chỉ những người chưa xác định chắc chắn xu hướng tình dục, có thể thuộc bất cứ giới nào. Dấu “+” được sử dụng để biểu thị tất cả xu hướng tình dục và bản dạng giới không giống với bất kỳ dạng nào được đề cập ở trên”.
Cả 2 lần gặp Y Ploi, hình ảnh của anh đều gắn với những đứa con nuôi. Đó là lần anh dẫn con trai nuôi Kpă Jun tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng “nhí”, lưng địu bé H’thương say ngủ trên lưng. Một lần khác, khi thăm nhà Y Ploi ở làng Bong Phrâo (xã An Phú, TP. Pleiku) vừa lúc anh trở về từ lớp dạy nhạc miễn phí ở làng Phung (xã Biển Hồ). Cô bé H’thương đang chơi với bạn thấy Y Ploi liền chạy nhào tới, dụi mớ tóc xoăn mỏng như tơ vào ngực cha.
Anh kể về H’thương: “Một lần, tôi đi làm về trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) thì nhặt được một bé gái, chỉ nặng 1,3 kg. Tôi báo với chính quyền và làm thủ tục nhận nuôi bé, đặt tên là H’thương. Mẹ tôi thấy bé nhỏ quá chỉ biết than trời, sợ khó chăm sóc. Nhưng trời thương, nay con đã lớn lên rất khỏe mạnh. Tôi luôn tin rằng, con người sống có tình thương thì sẽ có tất cả”.
Giờ đây, Y Ploi tìm thấy sự bình yên trong những việc thường ngày như mở lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ em nghèo trong làng và ở làng Phung. Lớp dạy đàn miễn phí của anh duy trì suốt nhiều năm nay. Anh chơi được nhiều loại nhạc cụ từ truyền thống đến hiện đại nên nhiều người chủ động tới xin học cho con. Với lớp học này, anh có thu học phí để có thêm tiền chăm lo cho các con.
“Chỉ cần đi làm về nhìn thấy con, được chúng sà vào lòng và nói yêu mình, bao nhiêu mệt nhọc, áp lực cuộc sống của tôi tan biến hết. Tôi thấy hạnh phúc với những điều bình thường như vậy”-anh Y Ploi trải lòng.
Khao khát cuộc sống bình thường
Cũng mang những khác biệt về giới tính, nhưng đến năm 24 tuổi, V.H. (SN 1991) mới đủ can đảm công khai điều đó với gia đình. H. cho biết: Mặc dù là nữ nhưng ngay từ nhỏ, chị đã thích che chở cho các bạn nữ trong lớp, thích được đóng vai hoàng tử, siêu nhân. Nhờ đọc nhiều nên chị sớm nhận thức về sự khác biệt giới tính của bản thân.
Chấp nhận chính con người mình và luôn sống tích cực, H. luôn khẳng định bản thân bằng giá trị mình mang lại. Hiện chị là phó trưởng phòng kinh doanh một đơn vị kinh tế.
Những người như H. được gọi là Lesbian (đồng tính nữ) trong cộng đồng LGBTQ+. Đây là cụm từ viết tắt của các từ: Lesbian-đồng tính nữ, Gay-đồng tính nam, Bisexual-người song tính/lưỡng tính, Transgender-người chuyển giới, Queer-có thể thuộc bất cứ giới nào. Dấu “+” được hiểu là còn nhiều nhóm khác trong cộng đồng như intersex (liên giới tính), non-binary (phi nhị nguyên giới)...
V.H. chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ truyền thông đề cập rất nhiều tới cộng đồng LGBTQ+ giúp tôi có cái nhìn rộng hơn về thế giới của mình, thấy mình bình thường chứ không phải bất thường. Mình trở thành bất thường trong mắt mọi người chỉ vì mình là số ít. Và nhiều người do thiếu thông tin về cộng đồng LGBTQ+ nên chưa có sự đồng cảm, thấu hiểu.
Những người sinh ra với giới tính bình thường đã là một điều hạnh phúc. Còn những người trong cộng đồng LGBTQ+ muốn hạnh phúc lại chỉ cần được xem là bình thường. Vì vậy mà họ chỉ mong cộng đồng cởi mở, không có sự kỳ thị”.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), cộng đồng đồng tính luyến ái và chuyển giới (LGBTQ+) tại Việt Nam ước tính khoảng 9-11% dân số. Như vậy, cứ 100 triệu dân thì có 9-11 triệu người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Liên hợp quốc cũng chọn ngày 17-5 hàng năm là “Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới”.
Từ năm 2014, Việt Nam cũng đã bỏ quy định phạt tiền với những người hôn nhân đồng giới. Điều 16 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam cũng có quyền bình đẳng.
H. bày tỏ: “Tôi hy vọng tình yêu của cộng đồng LGBTQ+ sẽ được tôn trọng. Xa hơn, mong muốn một đạo luật hợp pháp hôn nhân đồng giới, không ai bị phân biệt đối xử mà cộng đồng này cần được chấp nhận là bình thường để sống một cuộc đời bình thường”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hanh-phuc-binh-thuong-post292839.html