Hạnh phúc cho cả thầy và trò

Thầy cô vừa dạy chữ vừa dạy người. Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, đó là truyền thống tôn sư trọng đạo bao đời nay của người Việt.

Một thời gian dài trước đây, xã hội và chính bản thân nhiều thầy cô thường quan niệm đã là người thầy thì phải hiểu biết tất cả. Bởi lẽ, một thời chúng ta đã xem nội dung sách giáo khoa là chuẩn mực nhất về kiến thức, là từ điển sống cho mỗi người chứ không riêng gì học sinh. Người thầy có nghĩa vụ vô cùng quan trọng là nắm bắt, truyền đạt kho tàng kiến thức chuẩn mực, phong phú ấy cho học sinh.

Sự mặc định "cái gì cũng hiểu biết" đã khiến nhiều thầy cô luôn phải đối diện với tư thế thật sự của bản thân, đó là khoảng cách giữa lý tưởng và hiện thực. Đối với nhiều người, chuyện "không biết", "không hiểu" như là một điều khó thể chấp nhận trong nghề giáo. Tuy nhiên, không ai có thể "biết tuốt", người thầy cũng vậy, đó là lẽ đương nhiên. Song, lẽ đương nhiên ấy nhiều khi không được xã hội cảm thông, chấp nhận.

Vì thế, trong vô thức, "sự tự tin" miễn cưỡng dần hình thành, nhiều thầy cô phải luôn tỏ ra cái gì mình cũng hiểu biết. Cho dù có thể còn nhiều điều chưa nắm bắt, một số thầy cô vẫn phải tự tin "tôi dạy tốt", "giờ học diễn ra tốt đẹp"...

Thế nhưng, những biểu hiện nêu trên giờ đã thay đổi nhiều. Người thầy đang ở giữa trào lưu của công cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện - một sự đổi thay theo xu thế toàn cầu. "Sự tự tin" miễn cưỡng nêu trên của thầy cô dần biến mất. Điều này thường được biểu hiện ở thái độ trong giờ học hay cảm tưởng sau giờ dạy.

Việc cao giọng với học sinh dần giảm đi, thay bằng sự ân cần, quan tâm hay trìu mến của thầy cô. Quan niệm học sinh là người "bị dạy", thầy cô là người "đi dạy" cũng không còn. Thầy trò thân mật, gần gũi trong quá trình học tập; thế hệ đi trước tư vấn, chỉ dẫn thế hệ đi sau. Đôi khi học sinh có câu hỏi nằm ngoài giáo án, người thầy không còn phải tỏ ra "cái gì cũng hiểu biết" mà cố gắng tiếp cận câu hỏi ấy, thậm chí ngợi khen khuyến khích "em đã có câu hỏi hay" và "hãy cho thầy thời gian tìm hiểu rồi trả lời". Kết quả này có thể xem là sự thay đổi về chất nhờ những đổi mới trong giờ dạy.

Câu cửa miệng "giờ học diễn ra tốt đẹp", "tôi dạy tốt" dần được thay bằng "không diễn ra đúng ý lắm" hay "tôi chưa trả lời được câu hỏi của học sinh vì chưa chuẩn bị kỹ giáo án". Rõ ràng, để có được những giờ dạy - học suôn sẻ và chất lượng, đòi hỏi thầy cô phải chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng và cải tiến giáo án thật tốt.

Việc từ bỏ "sự tự tin" miễn cưỡng cũng giúp mối quan hệ với đồng nghiệp được cải thiện. Từ "đồng nghiệp - cạnh tranh" nay chuyển sang "đồng nghiệp - tư vấn, hỗ trợ". Nhiều thầy cô gặp vấn đề khúc mắc về chuyên môn đã tìm đến đồng nghiệp trao đổi, thảo luận thực tế để hoàn thiện bài giảng của mình. Việc sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn trong nhà trường cũng được coi trọng hơn...

Sự thay đổi nếp nghĩ về dạy - học ở các trường đã thực sự mang lại niềm hạnh phúc cho cả thầy cô lẫn học sinh. Điều đó chính là biểu hiện sinh động, là cơ sở để mỗi nhà trường của chúng ta thực sự trở thành trường học hạnh phúc.

TS ĐẶNG TỰ ÂN, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ GD-ĐT

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/hanh-phuc-cho-ca-thay-va-tro-2023111922102878.htm