Hạnh phúc của người làm báo là khi tác phẩm từ trái tim 'chạm' tới trái tim

Tình yêu cùng với nhiệt huyết, sự đam mê với nghề chắc chắn sẽ tạo ra những 'đứa con tinh thần' những tác phẩm báo chí đẹp đẽ. Từ trái tim sẽ chạm tới trái tim!

Theo Hội đồng chấm giải, Giải Báo chí Quốc gia 2023 nhận được hơn 1.900 tác phẩm gửi về từ nhiều cơ quan thông tấn, báo chí toàn quốc, trong đó, 165 tác phẩm xuất sắc đã lọt vào vòng chung khảo. Những tác phẩm đoạt giải cao đem lại những góc nhìn chân thực và sống động, chạm đến trái tim nhiều người, đặc biệt các tác phẩm đã thể hiện rõ sự dấn thân của nhà báo.

Làm thế nào đề tài cũ có thể tạo nên sự hấp dẫn, lan tỏa?

Phá rừng và tàn sát thiên nhiên là chủ đề không mới, nhưng với sự đau đáu và nhiệt huyết với thiên nhiên, suốt hàng chục năm qua, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và nhóm tác giả Báo điện tử Dân Việt đã theo đuổi và tiếp tục được ghi nhận với Giải A Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII – năm 2023.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên con đường theo các xe gỗ lậu (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên con đường theo các xe gỗ lậu (Ảnh: NVCC)

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, năm 2021, anh cùng cộng sự đã nhận Giải A Giải báo chí Quốc gia về chủ đề tàn sát động vật hoang dã. Trước đó, nhóm tác giả cũng đã nhận Giải A, Giải báo chí Chống tham nhũng về phá rừng; Giải B, Giải báo chí quốc gia cũng về chủ đề phá rừng. Tuy nhiên, anh vẫn bám đuổi đề tài, bởi quy mô phá rừng quá lớn, các loại gỗ bị tàn phá, buôn bán trái phép đều là những loại gỗ quý hiếm ở các rừng đầu nguồn. Khi bị phá sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, như lũ ống, lũ quét, hệ sinh thái bị tàn phá…

Điểm mới ở đây là việc vận chuyển gỗ lậu và hàng cấm qua hoạt động bưu chính, bằng cách lợi dụng những ưu đãi trong vận chuyển thư tín bưu phẩm ở bưu cục để các đối tượng buôn bán gỗ khối lượng lớn

“Theo đối tượng tiết lộ, gửi các món hàng trị giá tiền tỷ còn rẻ hơn so với tự vận chuyển bằng xe tải. Đây là kẽ hở về luật pháp. Chúng tôi thấy đề tài này vô cùng mới. Mới nữa là cách tiếp cận khi nhìn dưới góc độ mình là người buôn, nằm ở “cánh gà” của vụ việc, nên mới có chuyện chúng tôi ghi được cả hình ảnh họ trực tiếp phá rừng, nghe họ livestream bán hàng thế nào, việc đưa hối lộ, đi lót tay những cán bộ tha hóa ra sao”, nhà báo Doãn Hoàng chia sẻ.

Theo anh Doãn Hoàng, nói về phá rừng, người ta thường nghĩ là chặt, vận chuyển gỗ, bảo kê rõ lắm nhưng một kiểm lâm canh giữ hàng nghìn ha rừng, đâu cũng có cửa rừng. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ai cũng vào rừng khai thác lâm sản, việc bảo vệ rừng rất khó. Câu chuyện muôn thủa, vậy làm thế nào cho hấp dẫn và có ý nghĩa?

“Chúng tôi phải soi chiếu, tìm ra những “thủ phủ”. Ví dụ họ vận chuyển giữa ban ngày, những cây gỗ dài đến 5-6m, buộc ngang trên xe kín cả đường, không ai đi qua được. Công khai và liều lĩnh. Họ vừa xỉa tiền đếm vừa nói đi đút lót chỗ này, chỗ kia. Hay lực lượng vũ trang ngồi trong nhà những đại gia buôn gỗ bàn chuyện. Điện lực địa phương cẩu gỗ cho họ… Thật không thể tin lực lượng trọng yếu tại địa phương lại tham gia công khai vào quá trình buôn gỗ như vậy. Đây là những chi tiết chúng tôi hết sức tâm đắc”, nhà báo Doãn Hoàng bày tỏ.

Khó khăn nhất là làm thế nào để những câu chuyện không mới trở nên hấp dẫn

“Từ hồ sơ gỗ đấu giá, tang vật gỗ tối thiểu 10m3 thì có thể buôn cả triệu m3. Có hồ sơ là có “niêu cơm Thạch Sanh”, cứ vậy mà đi buôn lậu. Hay có chi tiết, lực lượng chức năng bắt người đến chóng mặt. Một ngày bắt đến 12 người, trong đó có cả những cán bộ, doanh nghiệp. Thậm chí bản án nhiều đến mức, lực lượng cơ động xếp hàng mỗi người cầm 1 bảng tên, lệnh bắt giam… Những chi tiết ám ảnh và chúng tôi đã tạo ra hiệu ứng lớn cho câu chuyện”, nhà báo Doãn Hoàng cho hay.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên đường tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên đường tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Để có được những hiệu ứng lớn như vậy, nhóm tác giả cũng phải đối mặt với không ít hiểm nguy, khi các đối tượng nhóm buôn lậu đều rất ma lanh, nhiều thủ đoạn, coi thường luật pháp.

“Lực lượng của họ vô cùng đông. Xe chúng tôi bị họ theo dõi. Mỗi lần đi trên con đường độc đạo cả đêm cả ngày, nếu bị lộ không biết điều gì xảy ra. Sau bài đầu tiên, một đối tượng chủ chốt đã bắn tin cho bạn tôi trên địa bàn nói rằng sẽ trả thù, giết chóc. Tổng Biên tập báo chúng tôi, thủ trưởng cơ quan công an tỉnh Lai Châu đã nắm được toàn bộ. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ nhóm của mình được an toàn nhất”, nhà báo Doãn Hoàng cho biết thêm.

Điều còn nuối tiếc của nhóm tác giả là lẽ ra việc ngăn chặn hình thức vận chuyển qua bưu chính, cấm bán đấu giá gỗ tang vật để hồ sơ mua bán gỗ tang vật lại được quay vòng để tiếp tay cho phá rừng tàn bạo cần được ngăn chặn từ lâu. Song, vì một số cá nhân và cơ quan chức năng đã không làm hết trách nhiệm của mình, khiến hình thức vi phạm này đã diễn ra tại nhiều địa phương.

“Mãi sau này cơ quan chức năng vào cuộc, các tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc đã cấm hình thức đấu giá gỗ tang vật. Đây là điều chúng tôi rất tiếc, nhưng muộn còn hơn không! Nếu không siết chặt quản lý, minh bạch, không có đạo đức công vụ, lương tâm trước môi trường sống, không làm quyết liệt chắc chắn rừng sẽ bị “tàn sát” trên diện rộng, nhà báo Doãn Hoàng xót xa.

“Trở về” – không chỉ là sự hồi hương cuốn sổ tay của liệt sỹ Cao Văn Tuất

Năm nay, nhiều tác phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam được Hội đồng chấm giải đánh giá xuất sắc, trong đó tác phẩm “Trở về” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa (Ban thời sự VOV1) đạt Giải A.

Phóng viên Phạm Huân, thường trú tại Mỹ phỏng vấn cựu binh Mỹ Peter Mathews

Phóng viên Phạm Huân, thường trú tại Mỹ phỏng vấn cựu binh Mỹ Peter Mathews

Theo nhà báo Nguyễn Thị Thu Hòa, như thông điệp của tác phẩm, “Trở về” không đơn giản chỉ là sự trở về của cuốn sổ tay liệt sỹ với gia đình, người thân mà cao hơn là sự “trở về” của chính liệt sỹ Cao Văn Tuất – người mà đến thời điểm đó vẫn chưa thấy phần mộ, dù bao năm gia đình vẫn miệt mài tìm kiếm. Nó thực sự có ý nghĩa hơn khi liệt sỹ Cao Văn Tuất hy sinh không để lại tấm di ảnh nào. Đó như một phép màu khi hai người thân còn lại của liệt sỹ cũng đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”.

Còn đối với cựu binh Mỹ Peter Mathews, việc trao trả cuốn sổ tay liệt sỹ mà ông đã cất giữ hơn nửa thế kỷ giúp ông trút bỏ được những day dứt về quãng thời gian tham chiến ở Việt Nam - quãng thời gian ông không dám đối diện mỗi khi nghĩ lại. Ông coi việc trao lại cuốn sổ là sứ mệnh của cuộc đời ông.

“Câu chuyện này cũng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự đã từng diễn ra. Những năm qua, rất nhiều cuộc trao trả kỷ vật từ các cựu binh Mỹ cho gia đình liệt sỹ trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua quá khứ đau buồn để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho cả hai dân tộc. Cũng để từ đó, chúng ta thêm trân trọng giá trị của hòa bình”, nhà báo Thu Hòa chia sẻ.

Hành trình cuốn sổ tay về với gia đình liệt sỹ Cao Văn Tuất là phép màu kỳ diệu.

“Tôi nhớ trong những ngày Tết Quý Mão, câu chuyện về cựu binh Mỹ Peter Mathews đang tìm chủ nhân cuốn sổ tay mà ông giữ của một liệt sỹ ở Hà Tĩnh đã xuất hiện trên báo chí. Ngay lúc đó, nhà báo Vũ Duy, Trưởng Ban Thời sự VOV1 giao cho tôi tìm hiểu. Thực sự lúc đó rất hoang mang không biết làm sao có thể liên lạc được với ông Peter Mathews. Tôi liên lạc với phóng viên Phạm Huân, thường trú Đài TNVN tại Mỹ. Hôm đó là ngày 16/2/2023. Chỉ 2 ngày sau đó, phóng viên Phạm Huân đã liên lạc được với Peter Mathews và đề nghị được đến nhà ông. Ban đầu, ông Peter Mathews không đồng ý. Sau một hồi thuyết phục thì ông đã đồng ý. Mừng vô cùng!”, nhà báo Thu Hòa kể lại.

Phóng viên Thu Hòa (ngoài cùng bên trái) và phóng viên Quỳnh Hoa (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng vợ chồng cựu binh Mỹ Peter Mathews

Phóng viên Thu Hòa (ngoài cùng bên trái) và phóng viên Quỳnh Hoa (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng vợ chồng cựu binh Mỹ Peter Mathews

Nhà báo Thu Hòa xúc động: “Khi phóng viên Phạm Huân báo về là đã liên lạc được với ông Peter Mathews, chúng tôi vỡ òa! Mọi lo lắng được hóa giải khi liên tiếp dồn dập thông tin về kế hoạch đi Việt Nam, về Hà Tĩnh của ông”.

VOV là đơn vị báo chí đầu tiên tiếp cận và phỏng vấn ông Peter Mathews. Ngay hôm sau, phóng viên Phạm Huân lái xe gần 400km tới nhà ông Peter Mathews. Thật may mắn là từ đầu mối này, nhóm tác giả đã kết nối được với ông Trần Nhật Tân – Chủ tịch MTTQ Hà Tĩnh – người đã kết nối với ông Mathews trước đó khi biết được câu chuyện của ông.

“Để thực hiện tác phẩm, chúng tôi phải lên phương án phối hợp giữa ekip ở trong nước và thường trú tại Mỹ một cách tỉ mỉ về cả nội dung và kế hoạch tác nghiệp. Chúng tôi phải đi lại từ Hà Nội về thôn Cao Thắng, Hà Tĩnh nhiều lần để có thể lấy được những tư liệu giá trị nhất”, nhà báo Thu Hòa cho hay.

Với nhà báo Thu Hòa, còn gì vui sướng và hạnh phúc hơn khi sau đúng 60 mùa Xuân “ra đi từ mái tranh nghèo”, liệt sỹ Cao Văn Tuất được “Trở về” đoàn tụ cùng gia đình, người thân! Qua những trang viết trong cuốn sổ tay, những bài thơ, trang thư ông viết gửi cho mẹ, cho em khiến người chị gái và em gái của ông như được sống lại những khoảng khắc yên bình của ngày xưa cũ. Thực sự đó là những giây phút vô cùng xúc động với những ai được chứng kiến khung cảnh đó ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Xuân vào sáng 5/3/2024.

“Tôi tin, mỗi một phóng viên, nhà báo khi tác phẩm của mình “chạm” tới cảm xúc của người nghe, được đồng nghiệp đánh giá cao, được tôn vinh tại những giải báo chí thì đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là động lực tiếp tục cống hiến, sáng tạo để có những tác phẩm có chất lượng tốt hơn. Tình yêu cùng với nhiệt huyết, sự đam mê với nghề chắc chắn sẽ tạo ra những “đứa con tinh thần” đẹp đẽ. Từ trái tim sẽ chạm tới trái tim!”, nhà báo Thu Hòa bày tỏ.

Trước thềm lễ trao Giải Báo chí Quốc gia 2023, trả lời phóng viên VOV, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân chia sẻ, báo chí cách mạng Việt Nam đã bước vào dấu mốc 99 năm và tiến tới một dấu mốc rất quan trọng là 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.

 Cựu binh Mỹ Peter Mathews gặp mẹ liệt sỹ Cao Văn Tuất

Cựu binh Mỹ Peter Mathews gặp mẹ liệt sỹ Cao Văn Tuất

Chúng ta đã khẳng định rất nhiều lần qua thời gian, qua rất nhiều biến động, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ thay đổi: phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phải tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và cung cấp những thông tin tri thức cho người dân để phục vụ cuộc sống cũng như là công việc của họ.

“Báo chí hiện đại đòi hỏi những sự đổi mới và sáng tạo liên tục. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công, đổi mới sáng tạo liên tục, có cách thức làm báo chuyên nghiệp và đặc biệt phải ngày càng chú trọng vấn đề chất lượng để giữ chân độc giả, lôi kéo những độc giả mới, duy trì vai trò tiên phong trong việc cung cấp thông tin, cung cấp tri thức cho xã hội”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Nguyễn Trang-Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hanh-phuc-cua-nguoi-lam-bao-la-khi-tac-pham-tu-trai-tim-cham-toi-trai-tim-post1102874.vov