Hạnh phúc của 'ông vua rau muống'

Sau nhiều lần canh tác nông nghiệp thất bại, ông Nguyễn Văn Bi (Tám Bi, 61 tuổi) đã chuyển sang trồng rau muống, loại rau màu ngắn ngày nhưng mang lại thu nhập khá. Ông còn truyền cảm hứng cho bà con chòm xóm làm theo, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Kể từ đó, người dân thuộc khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đặt cho ông bí danh 'Ông vua rau muống'.

Ông Tám Bi bên ruộng rau muống của mình

Ông Tám Bi bên ruộng rau muống của mình

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kiếm tiền

Thoạt đầu, khi nghe câu chuyện trồng rau muống vươn lên khá giả làm chúng tôi bán tín bán nghi. Nhưng khi tìm đến con rạch Ba Rích, thuộc khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, chúng tôi mới mắt thấy tai nghe. Dọc theo con rạch này, rau muống được người dân thu hoạch chất đầy ven con lộ nông thôn, chờ thương lái đến cân.

Bà Tám Để (ngụ phường Thới An) đang loay hoay rửa sạch từng bó rau muống, nói: “Loại rau ngắn ngày này thấy vậy nhưng nó đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình, giúp nuôi con ăn học thành tài đấy. Ở đây, có người trồng mồng tơi, rau dền, nhưng nhiều nhất vẫn là rau muống. Chú muốn trồng hay học hỏi kinh nghiệm thì chạy vào chút nữa, hỏi nhà ông Tám Bi - “vua rau muống” đấy. Ở cái xóm này ai cũng biết, bởi ổng là người khởi xướng, nên bây giờ nhà nào cũng làm theo và giúp kinh tế khá giả đó chú ơi…”.

Cũng không khó để tìm nhà ông Tám Bi, khi phía trước có dựng bảng “Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát” và ông làm giám đốc của HTX này. Căn nhà cấp 4 của ông vừa được sửa sang, mới toanh, mùi sơn còn phảng phất.

Ông Tám Bi nghe có khách đến, tiếng đập nước đá lốp cốp vang lên, chuẩn bị pha mấy ly nước mời khách… Trò chuyện với chúng tôi, ông hóm hỉnh, mọi người gọi riết chết danh “ông vua rau muống”, nên giờ ai cũng biết. Thật ra, trước đây tôi cũng canh tác nông nghiệp, nhưng thất bại nhiều lần, đâm ra thua lỗ, thâm hụt vốn. Sau đó, chuyển sang trồng rau muống, loại rau màu ngắn ngày, nhưng không ngờ lại cho thu nhập cao. Gọi là cao, vì trồng khoảng 17 ngày là thu hoạch, 1 công đất khoảng 2,5 tấn rau muống, giá thấp nhất cũng gần 5.000 đồng/kg, còn cao được 7.000-8.000 đồng/kg, tính ra trừ chi phí còn lời khoảng 7 triệu đồng, sướng quá còn gì. Thấy hiệu quả nên tôi nhân rộng ra, từ 2 công đất sau nhà, rồi thuê thêm đất trồng… dần dần trả được nợ nần, vươn lên khá giả.

Thành công bất ngờ từ rau muống, ông Tám Bi đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với bà con hàng xóm, mọi người truyền tai nhau, trồng hiệu quả rồi phát triển cho đến ngày nay. Tháng 7-2010, HTX rau an toàn Hòa Phát được thành lập nhằm ổn định đầu ra cho bà con. Hiện rau muống của HTX được sản xuất theo quy trình sạch, bán vào siêu thị và các chợ đầu mối ở TPHCM.

Đưa chúng tôi thăm các ruộng rau muống của hộ thành viên HTX, đâu đâu cũng trải dài một màu xanh mướt trên cánh đồng. Với những người không chuyên về nông nghiệp nhưng trông thấy cũng phải mê. Quan sát một số liếp vừa thu hoạch xong, đang được cải tạo lại đất để ươm mầm chuẩn bị cho vụ kế tiếp, còn một số liếp thì đã nảy mầm…,

Chị Nguyễn Thị Thơ (Sáu Thơ) cho biết: “Do rau muống là loại ngắn ngày, nếu thu hoạch đồng loạt thì không thể nào xuể, nên phải làm kiểu cuốn chiếu. Nhờ dễ tiêu thụ bởi nhà nào cũng có thể ăn được rau muống, nên so với trồng lúa thì vẫn ngon hơn nhiều”. Trước đây, 6 công đất của chị Sáu Thơ làm lúa kém hiệu quả. Khi được ông Tám Bi chia sẻ kinh nghiệm trồng rau muống, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang rau muống, đảm bảo mức lợi nhuận ổn định và thời gian quay vòng rất nhanh.

Ông Đào Minh Huy, Chủ tịch UBND phường Thới An, cho biết: “Thống kê sơ bộ toàn phường có khoảng 26ha trồng rau muống, ở 3 khu vực Thới Hòa, Thới Hòa B và Thới Hòa C, với trên 100 hộ dân trồng, mang lại nguồn thu ổn định; qua đó giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Tất cả là nhờ ông Tám Bi khởi xướng và người dân làm theo, góp phần kéo giảm tiêu chí hộ nghèo của địa phương”.

Lan tỏa lối sống tích cực vì cộng đồng

Trồng rau muống vươn lên khá giàu, rồi chia sẻ kinh nghiệm cho bà con chòm xóm làm theo… là việc làm gần đây của ông Tám Bi. Tuy nhiên, theo người địa phương thì trước đó, ông Tám Bi đã là người nhiệt tình với hàng xóm. Hễ thấy ai khó khăn thì ông đều giúp đỡ, của ít lòng nhiều. Ông Tám Bi hay nói với bạn bè, là những lúc giúp được người khác, ông cảm thấy có một niềm vui, hạnh phúc nhè nhẹ cứ âm ỉ trong lòng.

Ông Huỳnh Ngọc Rô (Sáu Rô) kéo chúng tôi lại tâm sự: “Tui với ổng là bạn lâu năm nên rất hiểu nhau. Thời điểm những năm 1980, đường sá ở con rạch này khó đi lắm bởi nhiều ổ gà. Vậy là ổng rủ tôi đi thuê ghe chạy lên miệt An Giang xin gạch vụn về đổ đường cho bằng phẳng, bà con đi lại thuận tiện hơn. Với cách làm đó, ở xóm này ổng luôn được anh em tin tưởng, nể trọng. Có lần ổng gợi ý thành lập một đội chuyên đi giặm vá đường, ngay lập tức nhiều người tình nguyện vào đội. Theo đó, khi con đường nào hư hỏng nhẹ, thì chúng tôi cùng ổng đi dặm vá cho bằng phẳng lại. Đến nay, trong đội có khoảng 50 thành viên tham gia, phần lớn ở độ tuổi U50, U60…”.

Ông Tám Bi cho rằng, nếu đường đi mà chi chít ổ voi, ổ gà, bản thân mình đã khó chịu rồi, huống chi người khác. Đáng nói là sẽ gây nguy hiểm cho trẻ em khi gặp mưa gió, đường lầy lội… Thấy vậy, nên mình có công góp công, có sức góp sức, để các con đường nông thôn đi lại thuận tiện hơn. Cứ đi vá đường nhiều lần như vậy nên được mọi người tin tưởng, vận động được nhiều mạnh thường quân tài trợ kinh phí làm cầu, làm đường. Đến nay, ông Tám Bi vận động được khoảng 1,5 tỷ đồng, xây dựng hàng chục cây cầu và làm khoảng 5km đường nông thôn… góp phần vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chỉ tay về phía con lộ nông thôn, ông Tám Bi tiết lộ: “Mấy thùng phuy nhựa đó chú thấy không, tôi vừa vận động mạnh thường quân tài trợ và bà con ở xóm đóng góp thêm mua về chuẩn bị đổ nhựa cho đoạn đường này bị hư. Khuya nay sẽ nấu hết số nhựa này, đến sáng là chín nhựa; sau đó ngào đá đổ mặt đường. Do đoạn này khoảng 2km, mặc dù là đường lót đan nhưng khi trời mưa thì bị đóng rong, khiến xe chạy dễ bị trượt té ngã. Gần đây, có mấy vụ như vậy rồi, nên tôi vận động bà con góp tiền, góp công làm liền đoạn đường hư này cho xong”.

Ông Nguyễn Văn E (người dân địa phương) cho biết: “Thấy chú Tám Bi nhiệt tình vậy nên ai cũng góp chút công sức. Riêng gia đình tôi hỗ trợ mấy bữa cơm cho đội làm đường, còn tôi thì tối nay ra nấu nhựa cùng với anh em, rồi sáng đổ luôn trong ngày cho xong…”.

Với những đóng góp của ông Tám Bi trong suốt thời gian qua, ông Đào Minh Huy, Chủ tịch UBND phường Thới An, nhìn nhận: “Nhiều năm qua, ông Tám Bi rất nhiệt tình đóng góp cho quê hương. Ông là người vừa có uy tín tại địa phương, vừa nhiệt tình, hễ ai cần gì là ông đi đầu giúp đỡ. Ông Tám sống giản dị, nên bà con ở xóm ai cũng yêu quý; nhiều chương trình phúc lợi xã hội và các phong trào do địa phương phát động thì ông luôn tiên phong đi đầu; sau đó vận động mọi người tham gia rất đông. Tấm gương của ông đã lan tỏa tích cực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp. Vừa qua, địa phương cũng đã kiến nghị cấp trên khen thưởng những đóng góp của ông trong nhiều năm qua”.

TÍN HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hanh-phuc-cua-ong-vua-rau-muong-712868.html