Hạnh phúc giản dị từ bữa cơm gia đình

Trân trọng những khoảnh khắc sum họp, vui vầy bên gia đình nên dù bận rộn thế nào, mỗi ngày, anh Nguyễn Đăng Thường - chị Lục Thị Nga ở khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) và các con đều cùng ăn với nhau bữa cơm ấm áp yêu thương.

>> Đồng lòng xây dựng tổ ấm
>> Gia đình yên ấm là động lực vươn lên
>> Bù Đăng đoạt giải nhất toàn đoàn ngày hội gia đình năm 2019
>> Khai mạc Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2019

Yên bình bên những bữa cơm

Chúng tôi đến nhà anh Thường, chị Nga lúc 10 giờ sáng. Không báo trước nên chủ nhà không có thời gian chuẩn bị nhưng trong căn nhà nhỏ đồ dùng được sắp xếp hợp lý, thoáng mát. Anh chị dành một phần đất trồng nghệ, gừng và các loại rau, như ngót, dền, mồng tơi, cải ngọt, cải xanh... theo phương châm mùa nào thức ấy. Anh còn rào một khu bằng lưới B40 nuôi gà, vịt để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ngoài mảnh vườn nhỏ tạo không gian xanh mát cho ngôi nhà, anh Thường cho biết, một số thực phẩm cần không gian rộng, như măng tre, chuối, các loại cây làm thuốc, gia vị... được vợ chồng anh trồng ở vườn điều rộng 3 ha và cũng là nơi cả gia đình lao động cùng nhau cuối tuần. Anh thích thú kể về những món ăn mang bản sắc dân tộc Tày của chị Nga, như xôi đồ với trứng kiến đen lấy từ tổ kiến; cá nướng xiên que chấm nước mắm tự làm... Khi có nhiều cá thì đem sấy khô trên giàn bếp ăn dần. Đặc biệt, món pẻng khô, pẻng khoai, gồm xôi nếp đồ lên trộn với khoai sọ luộc chín đem giã và nặn thành từng thanh nhỏ, phơi khô. Khi ăn đem chao trong mỡ hoặc dầu cho bánh nở phồng, giòn, sau đó vớt ra nhúng vào nước mật đun sôi, để nguội là ăn được.

Khoảng 10 giờ 30 phút, Nguyễn Đăng Lộc (sinh năm 2002), con trai anh chị học xong bài từ trên lầu đi xuống chào chúng tôi. Câu chuyện vẫn tiếp diễn, chúng tôi không nghe anh nói với con lời nào. Chỉ vài phút sau, tôi nghe những âm thanh quen thuộc khi làm bếp. Trước đó, tôi đã được nghe kể về Lộc - học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài), nhưng vẫn rất ngạc nhiên khi thấy em tự giác phụ cha mẹ làm bếp và nấu ăn rất thành thạo, nhất là làm gà rất nhanh. Vừa nấu cơm, em vừa ướp gia vị món thịt gà giò nấu canh nghệ và nói món này cả nhà rất thích vì bổ và mát.

Sau mỗi ngày làm việc, vợ chồng anh Thường và các con sum họp bên bữa cơm gia đình

Anh Thường nói: Do nghỉ hè nên Lộc nấu cơm trưa. Còn lúc Lộc ở trường, con trai Nguyễn Đức Tân, đang học lớp 8 đi học về nấu ăn cho gia đình. Nếu 2 con đều bận, tôi về trước sẽ làm cơm cho cả nhà vì vợ tôi đi làm đến 11 giờ 40 phút mới về nên chỉ kịp ăn và nghỉ một lát rồi đi làm tiếp. Thời gian hạn hẹp nhưng vợ tôi vẫn tranh thủ về chứ không ăn cơm ở chỗ làm và chủ động nhận nấu bữa tối cho cả nhà. Những món ăn vợ tôi nấu không cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu phù hợp sở thích các thành viên. Không chỉ chú ý đến sở thích, vợ tôi còn chú ý đến sức khỏe từng người, chủ động chăm sóc lúc ốm đau, mệt mỏi.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống

Nhiều người nỗ lực làm việc, xây dựng gia đình nhưng lại quên đi những điều tưởng như nhỏ bé. Đó là ít quan tâm đến các thành viên trong gia đình, làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ với con, ông bà với cháu, giữa anh chị em ruột trở nên có khoảng cách. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại cuốn mỗi người mỗi việc, người lớn đi làm và ăn trưa ở nơi làm việc, trẻ nhỏ đi học bán trú, ăn uống tại trường, phải đến cuối tuần mới có bữa ăn sum họp gia đình.

Vì vậy, mọi người hãy chung tay thu xếp để cùng nhau ăn cơm gia đình mỗi ngày, bởi như gia đình anh Thường, chị Nga, bữa cơm không chỉ bảo đảm dinh dưỡng mà còn là dịp mọi người được quan tâm, thể hiện tình cảm với nhau. Trong bữa cơm, mọi người cùng chuyện trò, hỏi han việc học hành của các con, chia sẻ những ý tưởng, tâm tư của con trẻ. Các thành viên trẻ thể hiện sự kính trọng với cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Những đặc sản vùng miền kèm theo địa danh từng chiến đấu qua những câu chuyện anh Thường hay kể cho các con nghe, đặc biệt anh còn nói cho các con biết về quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Kạn cùng những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... ở các vùng miền. Có lẽ vì thế mà môn Sử nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đúng mức nhưng lại trở thành môn học yêu thích của 2 anh em Lộc và Tân.

Không chỉ răn dạy con phải biết yêu thương, tôn trọng gia đình, anh Thường còn luôn nhắc nhở các con làm nhiều việc thiện, đối xử hòa nhã với hàng xóm, láng giềng, giúp đỡ người nghèo khó... và tránh xa tệ nạn xã hội. Anh Thường bộc bạch: Tự biết khuyết điểm của mình là quá nghiêm khắc, theo khuôn khổ của người lính. Khi con càng lớn, tôi càng phải học cách để mình trẻ ra để dạy con cho phù hợp vì phải tạo cảm giác làm bạn cùng con. Thể thao cũng vậy, cùng chơi cầu lông, chạy bộ hay bơi lội giúp chúng tôi gần gũi hơn. Lộc và Tân rất mê và chơi giỏi các trò chơi dân gian thường có ở các lễ hội miền Bắc. Do vậy, ngày mồng 2 tết Nguyên đán nếu không về quê, cả gia đình đều tham gia lễ hội ném còn ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú).

Tuyết Ly

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hanh-phuc-gian-di-tu-bua-com-gia-dinh-47119