Hạnh phúc khi được sống trọn với ca kịch Huế
20 năm gắn bó với ca kịch Huế, nghệ sĩ Văn Nhuyến đã tạo dựng được tên tuổi trong làng ca kịch Huế và cũng đã có một bộ sưu tập huy chương khá dày dặn với 1 Huy chương Vàng (HCV) và 4 Huy chương Bạc (HCB) từ các kỳ hội diễn toàn quốc.
Tấm HCV của Văn Nhuyến (Phan Văn Nhuyến) có được là vai diễn Tuần Ty trong trích đoạn “Tuần Ty Đào Huế” tại Liên hoan “Các trích đoạn hay” toàn quốc năm 2023, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Nội dung câu chuyện xoay quanh nhân vật Tuần Ty, một viên quan tuần được cử ra Bắc làm nhiệm vụ. Tại đây, ông có thêm vợ bé và quên vợ con ở Huế. Đào Huế, vợ của Tuần Ty bồng bế con thơ ra Bắc tìm chồng và những mâu thuẫn nảy sinh. Đây là trích đoạn hài nhẹ nhàng với tiếng cười châm biếm sâu sắc về nghĩa vợ, đạo chồng.
Chia sẻ về cảm xúc sau khi nhận được HCV với vai Tuần Ty, anh nói: “Đời nghệ sĩ có được huy chương rất vui mừng, là động lực cho mình phấn đấu thêm trong nghệ thuật. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là được diễn, được thăng hoa, được khán giả yêu thích”. Chuyện trò với tôi, Văn Nhuyến cũng chia sẻ rằng, anh thích hài và có năng khiếu diễn hài nên rất “khoái” nhân vật Tuần Ty. Con người này (Tuần Ty) có nhiều góc cạnh để diễn viên thể hiện. Vào vai gã chồng Tuần Ty đa tình, trăng hoa và cùng với bạn diễn là Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan trong vai Đào Huế, Nghệ sĩ Văn Nhuyến đã diễn rất ngọt và hài hước, gây ấn tượng mạnh mẽ với hội đồng ban giám khảo.
Nghệ sĩ Văn Nhuyến đang là một trong những diễn viên chính của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. Anh đến với ca kịch Huế như một cơ duyên định sẵn. Gia đình anh có 9 anh chị em, nhưng không có ai theo nghệ thuật và Văn Nhuyến không hề nghĩ tới rồi mình sẽ là một nghệ sĩ. Thế nhưng, lối rẽ vào nghệ thuật lại đến với anh rất sớm. Dạo ấy, Văn Nhuyến còn học phổ thông ở quê là xã Lộc Trì (Phú Lộc) thì hay tin Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội vào Huế tuyển sinh lớp cao đẳng diễn viên ca kịch Huế. Cảm thấy nghề này hay và hợp với mình thế là Văn Nhuyến “liều mình” nộp đơn ngay, rồi được thỏa nguyện và thế là, “cơm đùm, gạo bới” rời quê nhập học. Chính các thầy cô giáo và các bạn bè đồng nghiệp cùng người thân trong gia đình đã giúp đỡ, ủng hộ, khuyến khích anh trên con đường nghệ thuật với dự báo có không ít khó khăn này.
Tốt nghiệp năm 2003 khi vừa tròn 22 tuổi, đến nay nghệ sĩ Văn Nhuyến đã có 20 năm gắn bó với ca kịch Huế và cũng đã có một bộ sưu tập huy chương khá dày dặn từ các kỳ hội diễn. Ngoài tấm Huy chương Vàng vừa kể, Văn Nhuyến còn có thêm 4 tấm Huy chương Bạc. Đáng nhớ nhất trong số đó là tấm Huy chương Bạc qua vai Nồng trong vở “Dòng sông đỏ”, do thủ trưởng của anh là NSND Ngọc Bình viết kịch bản tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2016 tại Đà Nẵng.
Văn Nhuyến tự nhận sở trường và cũng là niềm đam mê của mình là được diễn các vai hài. Thế nhưng, qua vai Nồng hay mới đây là vai trung úy Kiên trong vở “Chuyên án Z1”, cũng đoạt Huy chương Bạc ở Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lại cho thấy khả năng của Văn Nhuyến này trong các vai “chính kịch”. Đề tài của “Dòng sông đỏ” là cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân miền Trung và Nồng là một chiến sĩ cách mạng gan dạ, yêu đời. Vở diễn kết thúc, Nồng hy sinh với nụ cười mãn nguyện vì hiểu rằng, cái chết của anh đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Văn Nhuyến nhập vai đầy cảm xúc, lấy không ít nước mắt của khán giả. Anh nhớ, khi diễn xong, khán giả yêu thương tìm đến hậu trường, hỏi “Nồng đâu”, các nghệ sĩ trong đoàn Khánh Hòa cũng xúc động ôm lấy… Nồng.
Bắt nguồn từ nhạc cung đình và ca nhạc cổ truyền qua nhiều thế kỷ, ca Huế từng bước hình thành đến độ hoàn chỉnh, rồi tách ra thành một bộ phận âm nhạc khác, gọi là âm nhạc thính phòng. Âm nhạc thính phòng phát triển đến độ cao thì xuất hiện một hình thức mới là ca nhạc tài tử và ra đời hình thức ca bộ. Năm 1920, phường ca bộ Thu Nương lúc ấy đang diễn ở Quảng Ngãi đã mạnh dạn đưa lên sân khấu rạp hát trình diễn trọn vẹn vở ca Huế “Trần Bồ” chuyển thể từ vở tuồng đồ cùng tên. Đó là vở ca kịch Huế đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt quyết định về sự hình thành của môn nghệ thuật ca kịch Huế.
Là thế hệ hậu sinh, Văn Nhuyến tự hào với nghề ca kịch Huế mà anh đã lựa chọn và dấn thân. Với giọng ca khỏe và trầm ấm, cộng với lối diễn xuất tự nhiên và có hồn, Văn Nhuyến đã dần khẳng định khả năng cũng như sự nỗ lực vươn lên trong nghề của mình. Mặt khác, chính những xúc cảm về nhân vật và những say mê đối với sân khấu đã khơi nguồn giúp anh có thêm những sáng tạo trong thể hiện hình tượng nhân vật.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không hề đơn giản như mọi người từng nghĩ. Văn Nhuyến tâm sự, giọng Huế mình chẳng hạn, đi diễn ở các địa phương thường gặp khó khăn do nói nhanh và khó nghe, vậy nên diễn viên phải tập nói chậm lại và đó cũng là công phu. Điều mà Văn Nhuyến băn khoăn là khán giả, đặc biệt là giới trẻ không còn mặn mà với ca kịch Huế. Không ít nghệ sĩ đã bỏ nghề hay tìm nghề khác. Riêng anh, cũng đã có những phút giây nản lòng. Cũng chính tình yêu nghệ thuật và sự trợ giúp của đồng nghiệp và gia đình đã giúp anh từng bước vượt khó để được sống trọn với nghề diễn.
Nhiều năm nay, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã năng động nhận hợp đồng là các show ca múa nhạc tại nhiều sự kiện hay lễ hội trong và ngoài tỉnh. Bản thân Văn Nhuyến còn có thêm nghề đệm đàn bầu cho các show biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Anh bảo, đó là cách diễn viên ca kịch Huế như anh trang trải cuộc sống trong bối cảnh chế độ đãi ngộ dành cho nghề rất thấp và cũng là cách “giữ lửa cho nghề”, khi mà Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế chỉ nhận được hỗ trợ để dựng một vài trích đoạn chủ yếu để hằng năm tham dự các liên hoan nghệ thuật theo hướng bảo tồn và gìn giữ di sản.