Hạnh phúc khi tạo việc làm ổn định cho những lao động nữ khó khăn
Từ một phụ nữ nghèo ở Lâm Đồng, chị Trần Thị Khuyên (SN 1973) đã vươn lên làm giàu và hỗ trợ hàng chục phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương có việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Hiện nay chị đã làm chủ thương hiệu tên mình và là một nữ doanh nhân tại tỉnh Lâm Đồng. Chị Trần Thị Khuyên cũng là người thường xuyên có hoạt động từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là phụ nữ yếu thế, trẻ em nghèo vượt khó của địa phương.
Được biết xưởng may do chị làm chủ đã tạo việc làm cho nhiều lao động nữ. Xin chị cho biết cụ thể là bao nhiêu lao động?
Năm 2004, tôi khởi nghiệp với 1 xưởng may tên là Minh Khuyên tại Lâm Đồng. Cơ sở đã tạo việc làm cho 35 chị em phụ nữ địa phương. Chưa dừng lại ở đó, một dịp về quê thăm gia đình, tôi thấy chị em phụ nữ ở quê hương mình do ruộng ít nên không có công việc làm. Tôi trăn trở mãi về điều này và vào năm 2006, tôi quyết định mở thêm một xưởng may tại nhà bố mẹ đẻ ở Bắc Ninh. Xưởng đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 chị em phụ nữ. Họ chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, nuôi con nhỏ hoặc mẹ đơn thân.
Có trường hợp nào đặc biệt mà chị nhớ mãi không?
Doanh nghiệp của tôi phần lớn là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát của tôi cũng là người có hoàn cảnh khó khăn đi lên, nên tôi rất thương và thông cảm cho chị em. Có chị 60 tuổi, tuổi đã lớn lại là phụ nữ độc thân, chân bị yếu nên tôi để chị làm ở bộ phận kiểm hàng, cắt chỉ và đóng gói công việc phù hợp. Công việc và thu nhập ổn định chị cũng dần có cuộc sống vui vẻ và thấy yêu đời hơn.
Hay có trường hợp 1 em 49 tuổi đã làm cho tôi 14 năm. Gia đình em là hộ nghèo, cách đây 2 năm khi khám sức khỏe định kì em phát hiện ra bệnh ung thư vú, phải phẫu thuật cắt bỏ. Lúc đó em khóc rất nhiều, tôi và chị em trong xưởng động viên hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Em không dám nghỉ dưỡng sức vì sợ sẽ có người thay thế. Tôi phải thuyết phục để em yên tâm, là tôi chờ được. Trong hơn 2 tháng đó, chính tôi cũng phải gánh 1 phần công việc em. Nhưng đi làm được gần một năm sau, em ấy lại phát hiện ra bị khối u cổ tử cung, lúc này em suy sụp hoàn toàn, tôi lại động viên giúp đỡ về mọi mặt để cho em đi phẫu thuật lần thứ hai.
Và đồng nghĩa tôi lại gánh vác công việc của em thêm 3 tháng nữa đợi em lành bệnh. Và còn nhiều chị em khó khăn khác cũng đều nhận được sự giúp đỡ. Mỗi khi thấy chị em ổn định, vui vẻ là tôi cũng thấy hạnh phúc lây. Tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng chị em và người yếu thế.
Chị xuất thân là một phụ nữ nghèo, cũng có hoàn cảnh khó khăn trước khi thành công như ngày hôm nay. Xin chị chia sẻ về con đường vượt khó của mình?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, do điều kiện gia đình khó khăn, tôi chỉ học hết lớp 12 rồi phải xa quê hương, cùng gia đình vào Lâm Đồng lập nghiệp. Là những người xa quê đi làm kinh tế, tôi phải đi làm thuê, làm mướn. Thế nhưng sức khỏe của tôi không tốt, không chịu nổi các công việc nặng nhọc, tôi xin vào làm may cho một xưởng nhỏ cách nhà 8km.
Ở đây, tôi gặp nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như mình. Ai nấy đều rất vất vả nhưng đồng lương lại ít ỏi, công việc thì nhiều, không có thời gian chăm sóc cho bản thân, cho gia đình. Lúc đó tôi cứ nghĩ, làm sao để bản thân thoát nghèo, và làm sao để giúp đỡ những chị em cùng hoàn cảnh. Sau gần 2 năm đi làm may thuê, chắt chiu được đồng vốn ít ỏi, vào năm 2004, tôi quyết định mở xưởng may cho riêng mình.
Có thể thấy vào thời điểm ấy, các mô hình kinh tế do nữ làm chủ vẫn chưa nhiều. Chị có gặp khó khăn gì không khi quyết định "tiên phong"?
Đúng vậy, khởi đầu của tôi cũng vô vàn khó khăn. Bài toán thị trường là điều tôi chưa lường trước được, do chưa có kinh nghiệm. Bắt đầu từ những sản phẩm đầu tiên được đầu tư chỉn chu, tôi có những khách hàng tin cậy. Bằng nỗ lực không ngừng, cho đến nay xưởng may Minh Khuyên của tôi đã mở rộng quy mô sản xuất và có khách hàng thường xuyên.
Vậy ngoài lương ra, chị em nhân công còn được nhận những chế độ phúc lợi gì?
Bản thân tôi vốn là phụ nữ chân yếu tay mềm, vừa phải lo công việc nội trợ và vừa phải đưa đón con cái học hành lên tôi rất thông cảm và tạo điều kiện cho chị em. Đó là lý do xưởng của tôi tuyển toàn lao động là nữ. Cùng với đó, nghề may cũng là nghề phù hợp với nữ giới và bản thân chị em cũng làm việc khéo léo, tỉ mỉ và hiệu quả hơn nam giới.
Mức lương hiện nay của chị em từ 5 triệu đến 13 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị em còn được nhận tiền thưởng, quà vào những dịp lễ, tết. Và quan trọng hơn nữa là chị em có môi trường sinh hoạt, chia sẻ và cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau. Chị em còn tổ chức một quỹ đóng góp thường xuyên để hùn vốn cho những người khó khăn. Những khoản tiền đó hỗ trợ chị em có một khoản đáng kể để lo những việc lớn hơn ngoài chi tiêu hàng ngày.
Với chị em có hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, như cho ứng lương trước, có những đãi ngộ đặc biệt hơn.
Theo chị, các cấp ngành cần tạo điều kiện như thế nào cho lao động nữ để họ có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập?
Với tình hình kinh tế hiện nay của địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung, tôi rất mong được các cấp các ban ngành quan tâm hơn nữa đến chị em phụ nữ, như mở các lớp dạy nghề cho chị em để chị em có thể kiếm được việc làm dễ dàng hơn, nhưng phải bám sát vào thực tế, tránh trường hợp đào tạo ra không có việc làm.
Đồng thời phổ biến những kiến thức, những công nghệ mới để chị em áp dụng vào chăn nuôi và trồng trọt thì hiệu quả sẽ cao hơn. Có thu nhập ổn định, gia đình hạnh phúc hơn.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!
Liên hệ: Chị Trần Thị Khuyên - Thương hiệu thời trang Minh Khuyên
Địa chỉ:19/5 Chu Văn An, thị trấn Di Linh, Lâm Đồng
ĐT: 0386564981