Hạnh phúc là được cho đi...
Khi chỉ còn hơn 20 ngày nữa đến Tết Canh Tý 2020, một vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng đã khiến V.T.L, 33 tuổi ở phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) bị chết não sau đó. Vào thời khắc ly biệt, gia đình ông Vũ Hải An, bố của V.T.L quyết định hiến mô, tạng (tim, gan, 2 thận, mạch máu, gân và 2 giác mạc) của con trai để hồi sinh sự sống cho nhiều cuộc đời khác.
Vượt qua định kiến
Cách đây 2 năm, bà Mai Thị Thúy ở xã Nga Trường (Nga Sơn) cũng đã hiến tim, gan và 2 thận của con gái sau khi con bị chết não. Lúc này, P.T.N.H, con bà Thúy mới 18 tuổi. Trong số mô, tạng được hiến thì 2 trong 4 quả thận của anh V.T.L và chị P.T.N.H đã được cho 2 bệnh nhân tại Thanh Hóa.
Hiến tạng, một nghĩa cử cao đẹp, tính nhân văn lớn. Nhưng để có được hành động đẹp này thì cần phải có sự dũng cảm mà ở trong 2 trường hợp nói trên thì những người bố, người mẹ đã quyết định hiến tạng của con phải vượt qua biết bao những định kiến của gia đình, người thân. Đồng thời họ cũng có thể phải đối diện với sự ngờ vực của một bộ phận người có những ý nghĩ lệch lạc...
Bước qua lời đồn
Sau gần 3 năm ngày con trai mất, ông Vũ Hải An, bố của V.T.L vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của con mình. Nhưng dường như vẫn còn một điều an ủi, động viên ông trong suốt gần 3 năm qua đó chính là 1 phần cơ thể của con ông vẫn còn sống trong cơ thể của người khác. “Tôi được biết, tại Thanh Hóa, 1 quả thận của con đã hồi sinh sự sống cho 1 người. Gia đình rất mừng vì điều này bởi con mất đi nhưng vẫn cứu được người khác, còn chúng tôi thì vẫn thấy như con đang được sống lần thứ 2, ở bên cạnh gia đình, rất gần gũi, thân thuộc...”, ông An xúc động, nói.
Cầm Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của con trên tay, ông An bồi hồi nhớ lại. Khi ra Hà Nội nhận kỷ niệm chương, thời điểm ấy, con ông là người chết não đầu tiên ở Thanh Hóa hiến tạng. Ông đã khóc không chỉ vì nhớ con mà xen lẫn trong đó cả niềm tự hào. Vậy mà, có đôi khi, việc hiến tạng cứu người của con trai khiến ông chạnh lòng, khiến ông rưng rưng vì những suy nghĩ ấu trĩ của người đời. Ông châm điếu thuốc lào rồi lại dập tắt ngay sau đó, buồn bã, thở dài: “Khi bác sĩ nói con không thể qua khỏi, tôi đứng cũng dở, ngồi cũng dở... Lúc đấy, tôi cũng được khuyên hiến tạng con vì việc hiến tạng sẽ cứu được rất nhiều người. Điều này, tôi cũng đã nghe trên các phương tiện truyền thông. Đắn đo rồi tôi cũng đi đến quyết định. Sau này, tôi có nghe nhiều lời đồn sau lưng, như tôi bán tạng con lấy tiền, để nó chết không toàn thây. Nghe mà xa xót lắm. Tôi cứ tâm niệm, sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật. Người bị bệnh hiểm nghèo đã là một thiệt thòi, nếu gặp được người chấp nhận hy sinh, đem lại sự sống cho mình thì đó là hạnh phúc với cả người cho và nhận...”.
Tôi nhớ đến lời bà Thúy, mẹ em P.T.N.H (trường hợp hiến tạng đã đề cập ở trên), rằng: “Miệng thế gian như làn sóng biển, tôi không suy nghĩ nhiều về những lời đồn thổi sau lưng. Đã hiến tạng có nghĩa là tự nguyện mà đã tự nguyện thì không được đòi hỏi, tính toán bất cứ điều gì. Khi hiến tạng của con, tôi cũng nhận nhiều điều tiếng không hay nhưng tôi luôn nghĩ điều duy nhất: Khoa học tiến bộ thì con người cũng cần phải thay đổi tư duy. Dù con tôi không thể tiếp tục sống nhưng con sẽ mang lại sự sống cho nhiều người. Và bản thân tôi, một người mẹ vẫn luôn cảm thấy ấm áp về điều đấy...”.
Hiến tạng là câu chuyện của hạnh phúc bởi sự sống đã nảy sinh từ sau cái chết, là khi cho đi cũng có nghĩa đang nhận lại để tiếp tục tồn tại và nối dài tương lai. Trong cuốn sổ ghi cảm xúc đặt tại phòng đăng ký hiến tạng ở Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ở đó rất nhiều dòng cảm xúc đẹp của những bạn trẻ, như “Hạnh phúc là được cho đi, khi con tim có thể tiếp tục nhịp đập trong hình hài mới. Thật sự mong và hy vọng tình yêu thương, sẻ chia, hướng thiện sẽ lan tỏa thật xa, thật rộng để cuộc đời ngày càng đẹp tươi” hay “chết là hết, là về với hư không, hiến tạng sẽ để lại cho đời một phần của ta để tiếp tục thắp lên ngọn lửa hy vọng cho người khác"...
Nhưng để lan tỏa tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng, cứu người thì vẫn được xem là câu chuyện dài...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hanh-phuc-la-duoc-cho-di/24761.htm