Hạnh phúc trọn vẹn khi không còn nỗi đau 'vô hình'

Trong cuộc sống, chúng ta thấy quen thuộc hơn với khái niệm bạo hành thể chất, thế nhưng thực tế tình trạng bạo hành tinh thần lại chiếm phần nhiều và còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn cả. Xã hội càng hiện đại, phát triển thì bạo lực tinh thần càng khó để nhận diện. Và chỉ đến khi đẩy lùi được bạo lực tinh thần - nỗi đau 'vô hình' ra khỏi cuộc sống thì mỗi người, mỗi mái ấm gia đình mới thực sự hạnh phúc trọn vẹn.

Nỗi đau “vô hình”

Cũng như bao phụ nữ có chồng, từ khi về làm dâu vào năm 2006 thì chị N.T.T (Hà Nội) đã hy sinh bản thân để lo toan, vun vén và xây đắp hạnh phúc gia đình. Thế nhưng đổi lại cả quá trình 15 năm qua, với chị T chỉ là những nỗi ám ảnh, lời xúc phạm cay đắng và sự chì chiết, miệt thị đến… run người.

Theo lời chị T kể, chừng ấy năm làm dâu với chị nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Và cứ sau mỗi lần chồng uống rượu thì mọi việc không hài lòng anh đều trút hết lên chị, ban đầu chỉ đơn giản là những lời chửi bới, xúc phạm, chì chiết. Sợ điều tiếng không hay và ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ, đồng thời cũng không biết cách phải bảo vệ bản thân nên chị cứ dần dà bỏ qua, một mình cam chịu mà không dám phản ứng. Không chỉ vậy, chồng chị lại luôn kiểm soát vợ mọi lúc mọi nơi. Sau một lần chị lên nhà bà chơi mà không xin phép chồng thì hậu quả là một màn lăng mạ, đay nghiến, chửi bới “đổ” lên người chị trước mặt con trẻ. Và hình ảnh đã ghim sâu vào tâm trí như cứa nát trái tim của người phụ nữ yếu đuối ấy là một loạt vật thể để trên bàn cùng lời đe dọa của người chồng bắt phải tự lựa chọn cách kết thúc cuộc đời của chính bản thân mình. Và chính giây phút ấy thì chị dường như đã được thức tỉnh để “giành” lại sự sống cho riêng mình.

Nhiều thông điệp đã được truyền đi qua chương trình nhằm lan tỏa hành động thiết thực, góp phần “Tô cam Việt Nam: Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ ngay bây giờ” - Ảnh internet

Tìm đến Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội LHPN Việt Nam) nhờ trợ giúp, giờ đây chị đã có cuộc sống hoàn toàn tự do, độc lập về mọi thứ. Trong video/clip được trình chiếu tại sự kiện truyền thông với chủ đề “Nỗi đau “vô hình” - nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức sáng nay (12-12), chị T chia sẻ trong nước mắt: Bạo lực tinh thần có thể gây suy sụp và dẫn tới khủng hoảng lớn về tâm lý, là thứ có thể hủy hoại sự sống. Nhờ có Ngôi nhà Bình yên mà tôi đã thoát khỏi cuộc sống đau khổ và sống đúng nghĩa cho chính bản thân mình.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân điển hình của hành vi bạo lực tinh thần đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, âm ỉ trong xã hội hiện nay mà chúng ta cần chung tay sớm loại bỏ để mỗi người, mỗi nhà sẽ được hưởng bình yên, hạnh phúc trọn vẹn.

Báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MOLISA), Tổng cục Thống kê (GSOs) và UNFPA thực hiện chỉ ra rằng, ngay cả trước đại dịch Covid-19, gần 63% phụ nữ đã từng kết hôn/phụ nữ có chồng đã trải qua ít nhất 1 hình thức bạo lực, trong đó bạo lực tinh thần là phổ biến nhất.

14 năm hoạt động của Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận, trợ giúp hàng ngàn người, lớn nhất là cụ bà 74 tuổi và nhỏ nhất là bé 6 tuổi. Tỷ lệ bạo lực gia tăng nhiều trong thời gian diễn ra đại dịch, thể hiện ở việc gia tăng cuộc gọi đến các nơi tạm lánh, đường dây trợ giúp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Từ tháng 3 đến tháng 12-2020, Tổng đài 1900969680 của Ngôi nhà Bình yên tăng 114%; số lượt tham vấn tăng từ 883 lên 1.212 so với năm 2019 (tăng 137%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài tiếp nhận 1.193 cuộc gọi, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020; số ca tham vấn tăng 114%, số lượt tham vấn tăng 168% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Hành động vì một xã hội hạnh phúc

Nạn nhân của bạo hành tinh thần không bị sử dụng vũ lực để đánh đập, gây tổn thương cơ thể, nhưng phải đối diện với những hành hạ như chửi bới, chì chiết, bị xúc phạm hoặc xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của bản thân. Và bạo hành tinh thần đang diễn ra ở mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội.

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 và Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực giới, sáng nay (12-12), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tổ chức sự kiện truyền thông với chủ đề: “Nỗi đau “vô hình” - nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình”.

Với sự tham dự của các khách mời, tọa đàm “Bạo lực tinh thần - Nỗi đau vô hình không của riêng ai” đã mang tới cho khán giả nhiều thông tin quý, giúp mỗi người biết cách tự bảo vệ bản thân và gia đình - Ảnh internet

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ: Chương trình nhằm mang tới cho cộng đồng và xã hội cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề bạo lực gia đình, trong đó có việc nhận diện và ứng phó với bạolực tinh thần - hình thức bạo lực âm thầm hành hạ nạn nhân một cách vô hình, không để lại dấu vết nhận biết như bạo hành thể chất, thậm chí chính người bạo hành còn không nhận ra. Tuy nhiên, nó để lại hậu quả rất nặng nề cho nạn nhân. Vì vậy, chúng ta hãy cùng lên tiếng để thúc đẩy hành động chấm dứt bạo lực tinh thần với phụ nữ và trẻ em, hướng tới một xã hội hạnh phúc.

Với sự tham dự của Phó đại sứ Israel tại Việt Nam Shirel Levi; bà Vũ Phương Ly, cán bộ Chương trình cao cấp, UNWOMEN tại Việt Nam; bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Chủ tịch sáng lập, Viện phó Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT và bà Lê Thị Ngọc Bích, chuyên gia tham vấn Ngôi nhà Bình yên, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, tọa đàm “Bạo lực tinh thần - Nỗi đau vô hình không của riêng ai” đã mang tới cho khán giả nhiều thông tin quý. Cụ thể là về: thực trạng bạo lực tinh thần tại Việt Nam, nhận diện hành vi bạo lực tinh thần, tác động của bạo lực tinh thần đối với sức khỏe và sự phát triển của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19; đồng thời đề cập một số phương pháp, cách thức để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tinh thần.

Bà Vũ Phương Ly, cán bộ Chương trình cao cấp, UNWOMEN tại Việt Nam cho biết: Hiện nay xuất hiện bất bình đẳng giới mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vì xu hướng phụ nữ mất việc làm nhiều hơn nam giới; ở nhà nhiều hơn, bị bệnh, áp lực kinh tế nên dễ dẫn tới va chạm, xung đột. Qua đó, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận Ngôi nhà Bình yên cũng ngày một nhiều hơn. Từ đó đặt ra yêu cầu càng phải có nhiều dịch vụ thiết yếu và tăng cường chất lượng để trợ giúp; song song đó tích cực truyền thông về những thông điệp chấm dứt bạo lực giới trong mọi hoàn cảnh để bảo vệ bản thân và gia đình.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Chủ tịch sáng lập, Viện phó Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dường như yếu thế hơn về sức khỏe cả thể chất và tinh thần và trong bối cảnh dịch Covid-19 lại càng gây ra nhiều nguy cơ xấu. Tỷ lệ bạo lực tăng và mức độ cũng tăng lên, nguy cơ rối loạn nội tiết trong cơ thể và áp lực tinh thần sẽ làm suy giảm thể chất và tâm lý, từ đó dễ dẫn đến bệnh lý, tổn thương tăng nặng. Điều đó cảnh báo, chúng ta càng phải sớm chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới và bạo lực tinh thần nếu không muốn chất lượng sức khỏe cộng đồng bị giảm sút.

Bác sĩ Nguyễn Thu Giang cho rằng, vắc xin tinh thần vẫn là quan trọng nhất, bởi chỉ khi phụ nữ có sức đề kháng, có hiểu biết, có kiến thức để nhận biết, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần thì mới có thể chống lại bạo lực tinh thần. Và quan trọng là phụ nữ phải biết cách “tô màu bức tranh tinh thần sẽ mang lại kháng thể cho mình”, chọn lựa thông tin, hạn chế tối đa mặt xấu, nuôi dưỡng tinh thần tốt, duy trì mối quan hệ bên ngoài, biết tìm đến địa chỉ tin cậy để trợ giúp ngăn chặn và phòng ngừa tình huống xấu cho bản thân.

Qua chương trình, nhiều thông điệp đã được truyền đi nhằm lan tỏa hành động cụ thể, thiết thực chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, “hãy lên tiếng để bảo vệ bản thân và gia đình”, từ đó góp phần “Tô cam Việt Nam: Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ ngay bây giờ”.

Chừng nào bạo lực tinh thần còn hiện diện thì cuộc sống gia đình sẽ còn phải chịu đựng những bất hạnh mà ở đó dễ dẫn tới tổn thương, tiêu cực. Thế nên, hơn ai hết mỗi người hãy tự nhìn nhận rõ và thấu hiểu để cùng sẻ chia, đồng cảm, gắn kết, vun đắp hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Mỗi gia đình bình an sẽ góp một bông hoa tươi thắm điểm tô cho vườn hoa tình người thêm hương sắc, góp phần tạo dựng xã hội hạnh phúc, phồn vinh.

Thúy Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128940/hanh-phuc-tron-ven-khi-khong-con-noi-dau-vo-hinh