Hạnh phúc trong từng nhịp bước của chính mình

Matthieu Ricard là một tu sĩ Phật giáo, tác giả của những cuốn sách best-seller về lòng vị tha, bảo vệ động vật, hạnh phúc và trí tuệ trên khắp thế giới.

Thầy cũng là phiên dịch viên tiếng Pháp của Đức Dalai Lama và có bằng tiến sĩ về di truyền tế bào. Vào đầu những năm 2000, các nhà nghiên cứu Đại học Wisconsin đã phát hiện ra rằng bộ não của thầy Ricard phát ra sóng gamma (một loại sóng não có liên quan đến việc học tập, nghiên cứu, tập trung và trí nhớ) ở mức độ đáng kể rõ ràng đến mức các phương tiện truyền thông gọi thầy là “người hạnh phúc nhất thế giới”. Dưới đây là những chia sẻ của thầy về những điều mà thầy thường xuyên áp dụng và suy niệm trong cuộc sống.

*

Trong một hội nghị ở Ấn Độ, có người hỏi tôi rằng: “Bạn có thể nói về ba bí mật của hạnh phúc không?”. Tôi đã trả lời: “Bí mật đầu tiên là không có bí mật nào cả. Thứ hai là không chỉ có ba bí mật. Và thứ ba là bạn phải dành trọn cuộc đời để thể nghiệm, nhưng đó thực sự là điều xứng đáng nhất mà bạn đã làm cho cuộc sống của mình”. Tôi rất vui khi cảm thấy bản thân đã và đang đi đúng hướng, cũng như hạnh phúc trong từng nhịp bước của chính mình. Cho đến bây giờ, tôi không còn có thể tưởng tượng được cảm giác ghét bỏ hay muốn ai đó phải đau khổ nữa.

Sức mạnh của lòng trắc ẩn

Tôi nhớ mình đã rời khỏi khóa tu trong vòng một năm để chăm sóc cho bố tôi và đồng thời phiên dịch cho Đức Dalai Lama ở Brussels. Khi tôi thưa với ngài những dự định của tôi và xin lời khuyên từ ngài, ngài đã nhấn mạnh với tôi rằng: “Ban đầu, hãy thiền quán về tâm từ; lúc giữa, hãy thiền quán về tâm từ; cuối cùng, hãy thiền quán về tâm từ”. Và tôi cũng đã thực hiện đúng như lời ngài dạy.

Tâm từ hay tình yêu thương là một đức tính phổ quát. Bởi đức tính này khác với những phán xét về đạo đức. Tình yêu thương sẽ không ngăn cản bạn đến bên cạnh một người có vấn đề về thần kinh, hay một người được xem là độc ác. Trái lại, tình yêu thương có thể chữa lành mọi khổ đau cho dù ở bất kỳ nơi đâu, đối tượng nào và bất kỳ hình thức nào. Vậy thì đối tượng của lòng trắc ẩn và tình yêu thương ở đây là gì?

Đó chính là sự thù hận và những hành động được sai khiến dưới quyền lực của nó. Ví dụ, nếu một ai đó cầm một cây gậy đánh bạn, thì bạn sẽ không phải tức giận với cây gậy, mà là tức giận với người cầm cây gậy đó. Những người mà chúng ta đang nói đến giống như những cây gậy và đang bị sự vô minh và thù hận cầm chắc trong tay. Chúng ta có thể đánh giá một người tại một thời điểm cụ thể nào đó, nhưng khi đem tình yêu thương và lòng trắc ẩn ra đối đãi, chúng ta luôn mong muốn rằng những điều đau khổ và nguyên nhân gây ra chúng sẽ có thể được khắc phục và loại bỏ hoàn toàn.

Nhưng làm thế nào để một người có thể bắt đầu thực hành quán chiếu và áp dụng lòng từ trong cuộc sống của chính mình? Đó chính là khi bạn đang ở trong một khoảnh khắc mà tâm trí của bạn tràn đầy tình yêu thương vô điều kiện, giả sử đối với một đứa trẻ chẳng hạn, điều này lấp đầy tâm trí của bạn trong 30 giây hay có thể là một phút. Tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm điều đó.

Sự khác biệt duy nhất là chúng ta phải cố gắng trau giồi đức tính này nhiều hơn nữa theo bất cứ cách nào có thể. Hãy kéo dài cảm giác này trong tâm lâu hơn một chút, cố gắng yên lặng quan sát và an trú trong đó khoảng 10 hoặc 20 phút. Nếu cảm giác này biến mất, hãy cố gắng mang nó trở lại, cung cấp cho nó “sự sống” và để nó hiện diện thường xuyên trong tâm bạn. Đó chính xác là nội dung của thiền định. Nếu bạn thực hành điều này trong 20 phút mỗi ngày, hay thậm chí trong vòng 3 tuần, bạn cũng có thể thấy được sự thay đổi rõ rệt.

Hạnh phúc từ những thăng trầm

Có một khoảng thời gian mọi người đã gọi tôi là người hạnh phúc nhất, nhưng đó chỉ là một trò đùa. Thật ra, chúng ta không thể biết được mức độ chính xác của hạnh phúc thông qua khoa học thần kinh. Đó chỉ là một tiêu đề để các nhà báo sử dụng, nhưng bản thân tôi cũng không thể bác bỏ nó. Có lẽ trên ngôi mộ của tôi sau này, người ta sẽ khắc dòng chữ: “Người hạnh phúc nhất thế giới đã nằm lại nơi đây!”. Nhưng dù sao đi nữa, thì tôi cũng đã tận hưởng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của mình; dĩ nhiên, cũng có những lúc cực kỳ buồn bã, đặc biệt là khi bản thân phải chứng kiến những hoàn cảnh éo le và đau khổ từ thế giới quanh mình.

Tuy nhiên, những điều đó cũng sẽ khơi dậy lòng trắc ẩn của bạn, từ đó, khiến bạn quyết định sống một cuộc đời mạnh mẽ hơn, lành mạnh hơn và ý nghĩa hơn. Đó cũng là những gì mà tôi gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc không có nghĩa là bạn luôn phải nhảy cẫng lên vì vui vẻ và thích thú, mà hạnh phúc chính là căn bản đời sống của bạn. Trải qua bao nhiêu buồn vui, thăng trầm, bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc vì những nhìn nhận sâu sắc về tất cả mọi thứ. Chúng ta thậm chí còn có thể nhận thức một cách sâu sắc hơn những điều xấu xa của cuộc đời hay nỗi khổ niềm đau của người khác, nhưng chúng ta vẫn giữ một ý thức về hạnh phúc theo một cách nào đó. Đây chính là điều tuyệt vời mà thiền tập mang lại.

Chúng ta có thể cảm thấy buồn nếu chúng ta chứng kiến những sự đau khổ, nhưng buồn không mâu thuẫn với trạng thái Niết-bàn. Nỗi buồn nên đi kèm với lòng từ bi và quyết tâm khắc phục nguyên nhân của đau khổ. Đau khổ khác với tuyệt vọng. Tuyệt vọng giống như bạn đang ở dưới đáy hố, không có một lối thoát nào cho bạn. Đó lại là chủ nghĩa định mệnh. Nhưng đau khổ đến từ nguyên nhân và điều kiện. Đó lại là vô thường, vì vậy nên có thể thay đổi và chuyển hóa được.

Cảm xúc cũng giống như bất cứ bối cảnh tinh thần nào của chúng ta, chúng có thể thay đổi. Chúng ta có thể nắm rõ quá trình thay đổi của cảm xúc và phát hiện nó ngay lúc nó khởi lên. Cũng giống như khi bạn phát giác ra một kẻ móc túi trong phòng, bạn sẽ hô lên: “Aha, mọi người hãy cẩn thận!”.

Một lần ở New York, khi tôi đang tham dự một lễ ra mắt cuốn sách của mình, một nữ nhà báo rất tử tế đã hỏi tôi: “Điều gì thực sự khiến thầy khó chịu khi thầy đặt chân đến New York?”. Tôi trả lời: “Tại sao cô nghĩ rằng có điều gì đó khiến tôi khó chịu?”. Thật ra, không quan trọng là có chuyện gì đó khiến bạn lo lắng và khó chịu hay không, mà cách bạn nhìn nhận và xử lý vấn đề để ra kết quả mới là điều đáng quan tâm.

Diễn viên Paul Ekman đã từng yêu cầu tôi kể lại tình trạng lúc tôi thực sự tức giận. Và kết quả là tôi đã phải quay trở về 20 năm trước. Lúc đó, lần đầu tiên tôi có một chiếc máy tính xách tay mới. Ở Bhutan, vị thầy đó đã không hề biết nó là cái gì và thầy ấy đã dẫm lên nó trong khi đang bê một bát đựng đầy bột lúa mạch nướng và còn đổ một ít lên đó. Ngay lập tức, tôi nổi điên lên và nhìn chằm chằm vào thầy ấy. Thầy cũng nhìn tôi và cười: “Ha-ha, thầy đang tức giận kìa!”. Vậy đó, tôi lúc nào cũng tức tối về những điều cần được khắc phục. Vì thế, có thể nói rằng sự tức giận có thể liên quan đến tình thương, nhưng đồng thời nó cũng có thể xuất phát từ ác ý.

Sau hơn 2.500 năm kiểm nghiệm bằng các phương pháp tu tập, chuyển hóa của Phật giáo, và 40 năm nghiên cứu thông qua các khoa thần kinh hiện đại, mọi bằng chứng đều cho thấy rằng chúng ta có thể thay đổi bản thân mình. Không phải ngay khi được sinh ra, bạn đã biết tạo nên những cột mốc nhất định của đời mình. Tất cả đều là do thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Vậy tại sao những phẩm chất căn bản của con người đã được xác định lại là bất di bất dịch ngay từ khi mới chào đời? Có lẽ đó hoàn toàn là ngoại lệ đối với tất cả các kỹ năng mà chúng ta có được.

Và đó cũng là lý do tại sao tôi rất thích quan điểm của Richard Davidson, một giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Wisconsin. Ông cho rằng hạnh phúc là một kỹ năng, vì vậy, nếu được rèn luyện và trau giồi, nó sẽ trở nên sâu sắc hơn và hiện diện nhiều hơn trong tâm trí của bạn. Chúng ta phải chạy theo tâm trí mình từ sáng đến tối, nhưng lại dành quá ít thời gian để cải thiện và chuyển hóa cách mà chúng ta phản ứng với các điều kiện bên ngoài, tốt hay xấu, thành hạnh phúc và khổ đau. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi vì đó là điều quyết định trải nghiệm và cảm nhận hàng ngày của chúng ta về thế giới.

Tâm Tuệ tổng hợp/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hanh-phuc-trong-tung-nhip-buoc-cua-chinh-minh-post72702.html