Hạnh phúc từ mỗi chuyến thiện nguyện

'Nhìn những đứa trẻ mồ hôi bết bát, ướt nhèm với mái tóc cháy nắng, lởm chởm mà thấy nhói lòng. Có lẽ với chúng, việc được cắt tóc là một cái gì đó quá xa xỉ. Ý nghĩ ấy thôi thúc chúng tôi mỗi khi có dịp đến với những mảnh đất này, mang thêm một bộ đồ nghề để cắt tóc cho trẻ…', đó là tâm sự của anh Nguyễn Xuân Ba, một trong những người thiện nguyện.

Làm đẹp cho những mái đầu con trẻ

Với thế hệ 8X dưới xuôi trở về trước, chắc hẳn không ai không biết đến những tiếng rao “Ai hớt tóc đi, Ai cắt tóc đi…” vọng vào từ đầu thôn, đầu ngõ mỗi ngày. Tuy nhiên, đến nay hình ảnh những người thợ cắt tóc dạo hầu như không còn, thay vào đó là các tiệm cắt tóc, cửa hàng làm đẹp mọc lên như nấm sau mưa. Ấy là ở dưới xuôi, ở vùng kinh tế phát triển. Còn đâu đó, cheo leo trên những đỉnh núi, sườn đồi, cắt tóc vẫn còn như một cái gì đó xa vời vợi.

Là một phóng viên, tôi có nhiều cơ hội theo chân những người làm thiện nguyện vùng cao. Và trong những chuyến thiện nguyện ấy không ít lần được chứng kiến những tình nguyện viên mang đồ nghề để hớt tóc, làm đẹp cho những đứa trẻ vùng cao.

“Nhìn những mái tóc hoe vàng do nắng cháy, bết bát mồ hôi mà nhói lòng. Những hình ảnh nhỏ nhoi ấy đập vào mắt tôi, cứa vào tâm can và tôi nghĩ đến việc cắt tóc cho chúng mỗi khi có cơ hội làm thiện nguyện nơi đây” - anh Nguyễn Xuân Ba, trong câu chuyện thiện nguyện ở Nong Lay (Thuận Châu - Sơn La) thổ lộ với chúng tôi.

Trong chuyến tác nghiệp cùng đoàn ở xã nghèo Nong Lay, gặp hàng chục đứa trẻ với mái tóc bờm xờm, lởm chởm. Khi được hỏi, con có muốn cắt tóc không, chúng khá ngạc nhiên bởi có lẽ cắt tóc là một điều gì đó xa vời.

Soi mình vào chiếc gương phía trước, cậu bé Thào Sẻo Ma như không tin vào người trong gương chính là mình của cách đây ít phút. Cậu tủm tỉm cười cho biết, lần đầu tiên cháu được cắt tóc đẹp thế này. Hồi trước toàn bố cắt cho thôi, đến lớp các bạn toàn chê à.

Với cô bé Vừ Thị Mí lần đầu tiên được “làm đẹp” chỉ biết cười rồi gục đầu vào lòng mẹ, ai hỏi cũng không nói. Chị Mừng, mẹ cô bé cho biết, thường ngày cháu rất hoạt bát, nhưng khi được cắt tóc đẹp thế này chắc xấu hổ đấy. Rồi vừa nhìn con, chị Mừng nựng yêu như nói với lòng mình “Rồi về bố lại không nhận ra Mí của bố rồi”. Qua ánh mắt, chúng tôi đọc được niềm vui trong lòng hai mẹ con chị.

Ở bàn cắt tóc bên cạnh, phải mất một quãng thời gian các tình nguyện viên mới thuyết phục được “cụ” Tân cắt đi bộ tóc rối bù của mình. “Từ trước đến nay toàn nhờ bà con cắt cho chứ có cắt bao giờ đâu. Ngại lắm”. Sau chừng mười phút, từ một ... ông cụ, hiện nguyên hình là chàng trai ngoài 40. Vừa cười, anh Tân vừa chia sẻ, đã ba năm nay chưa cắt tóc, cạo râu “Những lần trước tóc dài quá thì bà ấy cắt cho, nhưng không đẹp như thế này đâu. Cả cắt râu nữa”.

Mang ảnh lên non

Không chỉ được cắt tóc, người dân còn được chụp, in và tặng ảnh ngay sau đó. Ngoài công việc thường nhật ở công ty, anh Tạ Hải Giang còn có niềm đam mê nhiếp ảnh. Cũng bởi niềm đam mê này mà mỗi dịp thiện nguyện trước đây anh chỉ muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những cảnh vật mình đã đến. Có lần người dân nhờ chụp ảnh nhưng khi về rửa và gửi lại tặng họ mất rất nhiều thời gian.

Sau chuyến công tác đó, anh Giang về sắm thêm chiếc máy in ảnh cầm tay và mỗi chuyến thiện nguyện, anh thường chụp và in tặng những người dân ngay sau vài phút.

Trao lại tấm ảnh cho anh Tân sau khi đã cắt tóc, anh Giang đùa “Mới đầu ai cũng nghĩ bác phải ngoài 60 rồi chứ ai ngờ còn trẻ thế này”. Không dấu được nỗi xúc động, anh Tân nói: “cảm ơn các bác nhiều lắm, đã được cắt tóc không mất tiền rồi còn được chụp ảnh cũng không mất tiền nữa. Thế này về chắc bà nhà tôi nhận không ra nữa thôi”.

Cũng theo chia sẻ của anh Tân, đây là lần đầu tiên anh được “làm đẹp” kể từ sau hồi lấy vợ cách nay đã mấy chục năm. “Hồi lấy vợ cũng được cắt tóc, nhưng lâu rồi chẳng nhớ nữa. Còn chụp ảnh thì đây là lần đầu. Biết thế này, tôi rủ cả bà nhà tôi đi nữa” - anh chia sẻ.

Nhớ lại kỷ niệm của những lần làm thiện nguyện trước, anh Giang chia sẻ, cách đây vài năm, anh lên xã Púng Bánh (Sốp Cộp - Sơn La) khi đang lúi húi chụp ảnh tặng bà con thì có một cặp vợ chồng trẻ đứng từ xa nhìn. “Thấy lạ, tôi mời vào chụp thì cặp vợ chồng nhất quyết không. Phải dò hỏi những người dân ở đây mới biết anh chồng đã trải qua một đời vợ trước, cô vợ thứ hai này mới cưới nhau được gần một năm. Họ nghèo đến nỗi khi cưới không có chỗ ở và họ hàng, bạn bè phải dựng tạm cho một căn nhà cuối bản. Ước muốn của cặp vợ chồng là có được một bức ảnh chụp chung. Chỉ có vậy thôi nhưng họ không dám thổ lộ” - anh Giang kể.

Giang đã nhờ người dân chở vào tận nhà và chụp tặng hai vợ chồng trẻ những bức ảnh tại chính căn nhà hạnh phúc của mình. “Mệt nhưng vui lây theo niềm vui của cặp vợ chồng ấy” - anh Giang cho biết thêm.

Ôm bức ảnh chân dung trên tay, cụ bà Vừ Má Thùng nghẹn ngào “Lần đầu tiên được chụp ảnh đấy, các cán bộ chụp cho đấy. 68 tuổi rồi mới thấy mình trong ảnh”. Rồi cụ thở dài như nói với chính bản thân mình “Giá ông nhà tôi còn sống thì nhờ cán bộ chụp cho cả hai một ảnh”.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, loáng một chút bóng chiều đã sụp xuống phía bên kia sườn đồi. Những gương mặt rạng ngời, những mái đầu gọn gàng, trên tay họ vẫn khư khư những tấm ảnh mà có lẽ có những người lần đầu tiên được ngắm chính bản thân mình. Những tình nguyện viên khép lại một ngày chia sẻ với người dân nơi đây để quay trở về với cuộc sống hiện thực hàng ngày.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hanh-phuc-tu-moi-chuyen-thien-nguyen--n170790.html