Hạnh phúc từ những điều bình dị

Không qua tìm hiểu, cũng chẳng có tình cảm với nhau trước ngày cưới, nhưng mối lương duyên do 'cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy' của anh Điểu Té và chị Ngô Thanh Nguyệt thật mặn mà, nồng ấm. Qua hơn 12 năm chung sống, họ luôn dành cho nhau tình cảm, sự quan tâm đặc biệt, trở thành cặp vợ chồng tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.

Gặp vợ chồng anh Điểu Té (34 tuổi)và chị Ngô Thanh Nguyệt (28 tuổi) trong căn nhà xây kiên cố, thoáng mát ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, chúng tôi được nghe anh chị kể về mối lương duyên của 2 vợ chồng đầy thi vị. Năm 2010, lúc đó anh Điểu Té tròn 22 tuổi, cái tuổi mà theo truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng là thời điểm “chín muồi” để “dựng vợ, gả chồng”. Trong một lần đến nhà bà con ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng chơi, cha anh được mọi người giới thiệu trong xóm có người con gái cập kê tuổi lấy chồng. Rồi chỉ sau 2 lần gặp mặt, cha mẹ 2 bên thấy “môn đăng hộ đối” nên quyết định cho anh Điểu Té và chị Thanh Nguyệt về chung một nhà. Chưa đầy 1 tuần sau, đám cưới mang đậm truyền thống văn hóa của đồng bào S’tiêng được tổ chức. Anh Điểu Té cho biết, ngày ấy anh chị chẳng biết tình yêu là gì. Về chung sống với nhau, những ngày đầu cả 2 còn e thẹn, ngại ngùng. Nhưng rồi tình cảm đôi lứa cứ thế lớn dần lên theo thời gian.

Gia đình anh Điểu Té luôn hạnh phúc bên nhau

Gia đình anh Điểu Té luôn hạnh phúc bên nhau

Mặc dù cả 2 mới học hết cấp 1 nhưng anh chị đã sớm ý thức được việc phát triển kinh tế gia đình. Vì sợ tuổi còn trẻ, sinh con sớm sẽ ảnh hưởng sức khỏe, phần do cuộc sống khó khăn nên 4 năm sau ngày cưới, vợ chồng anh Điểu Té mới sinh con đầu lòng và gần 2 năm sau đón thêm con thứ hai. “Ở với cha mẹ được 3 tháng, vợ chồng tôi ra ở riêng. Lúc ra ở riêng, chúng tôi được cha mẹ cất cho căn nhà nhỏ trên mảnh đất của gia đình để ở, rồi cho thêm đất sản xuất. Từ đó, gia đình tôi chính thức có cuộc sống riêng. Vợ chồng bảo ban nhau vượt qua mọi khó khăn, nuôi con ăn học”.

Năm 2016, anh Điểu Té làm đơn đề nghị và qua bình xét của Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, thấy hội đủ các tiêu chí, gia đình anh được chọn vào ở trong 1 căn nhà xây kiên cố thuộc khu bảo tồn để sinh sống và gìn giữ, phát huy ngành nghề truyền thống của đồng bào phục vụ khách tham quan.

Vợ chồng anh Điểu Té là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở sóc Bom Bo. Ngoài ra, anh chị còn tích cực tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề cho du khách trong, ngoài nước đến tham quan và các hoạt động do Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tổ chức.

Ông PHẠM ANH TUẤN,
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng, Phó ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Sau hàng chục năm siêng năng, chí thú làm ăn, đến nay gia đình anh đã có hơn 1,8 ha vườn trồng các loại cây như: cao su, điều, cà phê, tiêu, đọt mây, lá nhíp. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất bên căn nhà, anh chị còn xây chuồng nuôi heo bán con giống, nuôi gà thả vườn, làm rượu cần, rồi tham gia làng nghề ẩm thực phục vụ du khách khi đến tham quan khu bảo tồn. Từ trồng trọt, chăn nuôi, tham gia làng nghề ẩm thực, mỗi năm anh chị thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng. “Giờ dịch Covid-19 nên khó, chứ bình thường khu bảo tồn rất nhiều khách đến tham quan. Lúc không dịch bệnh, cứ có lễ, tết hay thứ bảy, chủ nhật, có khi cả ngày thường, vợ chồng tôi bận bịu nấu nướng phục vụ du khách…” - anh Điểu Té chia sẻ niềm vui cuộc sống mới trong khu bảo tồn.

Hơn 12 năm qua, cũng như bao cặp vợ chồng khác, vợ chồng anh Điểu Té không tránh khỏi những lúc bất hòa, nhưng với suy nghĩ “cơm sôi nhỏ lửa” nên chưa khi nào xảy ra giận hờn, bất đồng lớn tiếng. Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình anh Điểu Té còn là điển hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về nuôi dạy con và tích cực tham gia hoạt động xã hội. Hai con của anh chị đều chăm ngoan, khỏe mạnh. Anh Điểu Té chia sẻ: “Hạnh phúc gia đình đến từ những điều bình dị. Đó là sự quan tâm từ miếng ăn, giấc ngủ; lúc ốm đau và từ những công việc hằng ngày như nuôi dạy con, làm vườn, chăm lo cha mẹ 2 bên. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đó là cách “giữ lửa” hạnh phúc gia đình”.

Bùi Liêm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/131403/hanh-phuc-tu-nhung-dieu-binh-di