Hạnh phúc từ niềm tin...
Ngày 11-11 vừa qua, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (xã Hương Cần, H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation công bố nằm trong tốp 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Thành tích nổi bật của cô giáo người Mường này là đã giúp cho những học sinh vùng dân tộc thiểu số yêu thích hơn môn học tiếng Anh và thỏa thích kết nối, đi 'du lịch' với bạn bè rất nhiều quốc gia trên thế giới qua internet.
Những tiết dạy sinh động của cô Phượng xuất phát từ tình yêu học trò, niềm đam mê với nghề dạy học mà cô đã chọn. Bởi qua thực tế giảng dạy cô nhận ra rằng, học trò miền núi còn chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, khá rụt rè trong giao tiếp. Vì vậy, cô đã mày mò, vào các diễn đàn ngoài nước để giao lưu và tìm cách gắn kết nhằm tạo ra những tiết học hấp dẫn, thu hút học trò. Từ chỗ nhút nhát, học trò của cô đã dần tự tin giới thiệu với bạn bè khắp nơi về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam nói chung, vùng quê Phú Thọ nói riêng. Chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh cũng từ đó mà nâng lên rõ rệt…
Những giáo viên như cô Phượng không phải là hiếm. Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa đã và đang vượt qua rất nhiều khó khăn để bám lớp, bám trường, đem con chữ gieo mầm tương lai. Có thầy cô đã hy sinh hạnh phúc riêng, tận tâm, tận lực vì học trò. Nhiều người ý định ban đầu chỉ thực hiện cho xong nhiệm vụ ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” 1-2 năm rồi quay về thành phố, vậy mà yêu thương từ khi nào, không nỡ ra đi. Tình yêu học trò rồi cái duyên, cái nợ với từng vùng đất, con người đã níu chân họ lại, yêu rồi gắn bó lâu dài.
Nhiều thầy cô vì đàn em thân yêu luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất để học sinh tiếp nhận bài giảng dễ dàng. Đặc biệt là với những môn học được xem là khô cứng như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…, giáo viên đã dày công nghiên cứu để với chỉ 45 phút học trên lớp, học sinh có thể lĩnh hội được thật nhiều điều thú vị mà không cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt. Nhờ sự sáng tạo của giáo viên, học sinh có cơ hội được mở mang tầm nhìn chứ không đơn thuần là tiếp cận những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa. Vì thế, mỗi ngày đến trường đối với học trò thực sự là mỗi ngày vui với bao điều lý thú đang chờ đợi.
Với đa số nhà giáo, tình yêu với nghề dạy học đôi khi xuất phát từ những điều rất đơn giản, hoàn toàn không phải là lương bổng cao hay chế độ đãi ngộ đặc biệt. Đó có thể là niềm vui từ công việc hay trong mỗi ánh mắt và nụ cười của học sinh. Nhỏ bé nhưng niềm hạnh phúc ấy đủ tạo động lực và niềm tin để họ tiếp tục sống, đam mê và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202011/hanh-phuc-tu-niem-tin-3031444/