Hạnh phúc từ yêu thương và chia sẻ

ĐBP - Mỗi người cảm nhận hạnh phúc theo cách khác nhau nhưng chắc chắn rằng nó chỉ được đong đầy, bền lâu khi người ta biết yêu thương và chia sẻ. Trong đó, hạnh phúc gia đình là điều quan trọng, thiêng liêng mà mỗi người đều mong muốn vun đắp. Dưới mái nhà có hạnh phúc thì mới hình thành những con người hạnh phúc, xây dựng môi trường sống và làm việc hạnh phúc, góp phần làm cho xã hội hạnh phúc hơn.

Vợ chồng anh Lường Văn San và chị Quàng Thị Thu, bản Nà Nghè, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) chăm sóc vật nuôi.

Những tâm sự tỏ ra vô tư, bất cần nhưng chất chứa nhiều cảm xúc kìm nén của H.D.L (phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) trong buổi họp lớp làm chúng tôi vô cùng bất ngờ. Từ khi L. lập gia đình, bạn bè vẫn nói với nhau là “số nó sướng, không phải lo nghĩ gì” mà không biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Cô bạn kể: “Từ khi lấy nhau, tớ sốc vì tính cách của chồng. Bình thường anh rất yêu thương và chiều chuộng vợ, con. Nhưng khi xảy ra bất đồng, mâu thuẫn một chút là không nói năng gì, việc ai người ấy làm, ăn riêng, ngủ riêng, giặt đồ riêng, cũng không quan tâm gì đến con nữa. Thậm chí khi mới sinh em bé, đang ở cữ nhà ngoại, gần 2 tháng chồng không xuống gặp con, cũng không xuống chúc tết bố mẹ vợ và ăn tết cùng vợ con”. Cách cư xử này của chồng được L. lý giải do bố mẹ chồng không hạnh phúc. Từ khi con còn nhỏ, ông bà đã “chia nồi chia bát”, cãi nhau là không quan tâm đến con cái. Hơn nữa, ông bà vẫn sống gượng ép với nhau nhiều năm. Ðiều này sau khi L. về làm dâu một thời gian mới nhận ra. Cô bạn chia sẻ thêm: “Khi 2 đứa hòa thuận, tớ cũng thủ thỉ tâm sự với chồng. Anh nói muốn sống hạnh phúc không như bố mẹ nhưng có lẽ bởi tác động tâm lý sâu sắc nên khi giận nhau là chồng như vô thức hành động giống bố mẹ ngày trước. Xác định khó có thể thay đổi ngày một ngày hai nên tớ đành kiên trì thôi, cố gắng để gia đình hòa hợp, dễ chia sẻ với nhau. Tớ không muốn con mình sau cũng trở thành người như vậy”.

Không ít câu chuyện về mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là giữa bố mẹ làm ảnh hưởng, thậm chí tổn thương tâm lý con trẻ. Những “vết sẹo” ấy khó xóa bỏ nhưng có thể xoa dịu bằng một cuộc sống mới, một mái ấm riêng. Sự sẻ chia, cảm thông, hi sinh của H.D.L mong rằng sẽ làm thay đổi chồng mình, để cả 2 cùng nhau xây dựng tổ ấm thực sự hạnh phúc.

Có thể thấy, vật chất đủ đầy có thể làm cuộc sống hạnh phúc hơn chứ không đảm bảo chắc chắn có hạnh phúc. Biết yêu thương, trân trọng, đùm bọc lẫn nhau thì dù thiếu thốn, khó khăn vẫn tràn ngập niềm vui. Gia đình chị Quàng Thị Thu, dân tộc Khơ Mú (bản Nà Nghè, xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ) là một minh chứng. Xây dựng gia đình năm 2003, vợ chồng chị Thu tay trắng lập nghiệp, khai hoang, phát dọn mảnh nương bỏ hoang để dựng nhà tạm ở. Khi ấy chị mới 18 tuổi, còn chồng đã có 1 người con riêng 7 tuổi. Bao khó khăn từ phát triển kinh tế gia đình đến việc tập làm một người mẹ khi còn quá trẻ, anh chị đều cùng nhau vượt qua và làm tốt. Hơn nữa còn là hộ tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng. Giờ đây, vợ chồng chị Thu đã lên chức ông bà nội, có kinh tế vững vàng với 1ha trang trại nuôi cá, trồng cây ăn quả cùng 3.000m2 ruộng và mới mua thêm suất đất mặt đường liên huyện, dự định cho thuê kinh doanh. Ðể có được cuộc sống như ngày hôm nay, anh Lường Văn San, chồng chị Thu kể: “Lấy nhau về không có của cải, đất cát gì, 2 vợ chồng thường xuyên bảo nhau làm cách nào để có nhà ở, có tiền lo cho con cái. Thời gian đầu thì khai hoang làm nương, sau anh đi làm thuê, chị ở nhà chăn nuôi, trồng trọt. Mình làm xa, tháng về 1 lần, lúc ấy con thứ 2 còn nhỏ, cũng sợ vợ vất vả, tủi thân. Nhưng vợ thường xuyên tâm sự, chia sẻ, động viên, đi làm về có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe nên mình yên tâm, chăm chỉ làm việc kiếm tiền”.

Hỏi về chuyện giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị Thu tâm sự: “Là vợ chồng cần hiểu nhau mới tin tưởng và cùng vun đắp hạnh phúc, cũng như phát triển kinh tế được. Thực ra cũng không tránh được có những lúc cãi vã nhưng tôi hiểu và tin chồng mình, còn anh sẵn sàng nghe tôi đóng góp ý kiến nên khúc mắc nhanh được hòa giải”. Người ta thường nói “mấy đời bánh đúc có xương”, nhưng chị Thu không chỉ chăm lo tốt cho con riêng của chồng mà cả gia đình nhỏ của con chồng. Người con cả ấy giờ đã lập gia đình, có bé 2 tuổi và ở cùng bố mẹ. Hàng ngày người chồng đi làm (lái máy xúc, ủi công trình), vợ ở nhà cùng ra ruộng, vườn với mẹ, con nhỏ cũng ông, bà giúp trông nom. Người con thứ 2 của chị Thu đã vào cấp III. Cả gia đình sống những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc.

Hạnh phúc có thể rất giản đơn nhưng nó không có sẵn mà các thành viên trong gia đình phải cùng nhau vun đắp từ tình yêu, sự thấu hiểu, sẻ chia. Ðó cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) diễn ra hàng năm.

Bảo Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/185576/hanh-phuc-tu-yeu-thuong-va-chia-se