Hạnh phúc và tự hào
Đó là cảm nhận chung của nhiều cán bộ và người dân trong tỉnh về những thành tựu mà Phú Yên đạt được sau 35 năm tái lập. Mọi người cho rằng, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế hay chính trị, mà trên các mặt đời sống văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội… đều có những bước phát triển vượt bậc.
THƯỢNG TÁ TRẦN NGỌC THÀNH, PHÓ CHỦ NHIỆM CHÍNH TRỊ BỘ CHQS TỈNH: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với QP-AN
Sau 35 năm tái lập, xây dựng tỉnh Phú Yên, tôi nhận thấy rằng những thành tựu đạt được là vô cùng to lớn, toàn diện. Những thành tựu đó là kết tinh công sức, trí tuệ, quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh; sự sáng tạo trong nhận thức, tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xây dựng Đảng, QP-AN… theo đường lối đổi mới của Đảng.
Các sở, ngành, địa phương đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với QP-AN; tích cực triển khai các nghị quyết, đề án, chương trình hành động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh.
Trong đó, phát triển KT-XH đã làm cho diện mạo của tỉnh có sự thay đổi, phát triển vượt bậc, góp phần vào củng cố, tăng cường QP-AN. Ngược lại, nhờ thường xuyên củng cố và giữ vững QP-AN đã tạo điều kiện thuận lợi cho KT-XH phát triển.
Những kết quả của việc kết hợp giữa phát triển KT-XH với QP-AN ở tỉnh ta trong thời gian qua là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có lúc, có địa phương chưa thấy hết được tính toàn diện và mối liên hệ các mặt giữa phát triển KT-XH với QP-AN.
Sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với QP-AN chưa thật sự đi vào chiều sâu, còn bộc lộ sự bất cập về cơ chế vận hành, nội dung, phương thức kết hợp ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về QP-AN có lúc chưa thật chủ động…
Điều đáng mừng là hiện nay, tình trạng nhận thức thiên lệch, phiến diện của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng, đó là chỉ tập trung phát triển kinh tế mà coi nhẹ lĩnh vực QPAN, văn hóa, xã hội; hoặc cho rằng, QP-AN là công việc, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách… từng bước được khắc phục.
Từ chuyển biến căn bản về nhận thức, việc tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các địa phương cũng ngày càng hiệu quả trong từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường QPAN, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc, tạo nên thế trận liên hoàn, toàn diện, rộng khắp, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BÀ PHAN THỊ LIÊN, CÁN BỘ HƯU TRÍ XÃ HÒA PHONG, HUYỆN TÂY HÒA: Tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay, khởi sắc của quê hương
Với tôi cũng như nhiều người dân Phú Yên, những ngày đầu tái lập tỉnh có lẽ là những ký ức không thể nào quên. Từ những năm đầu giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn; từ một tỉnh có điểm xuất phát kinh tế thấp, nhưng bằng những quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân trong tỉnh, Phú Yên đã chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ.
Người dân rất vui mừng trước những thành tựu mà tỉnh nhà đạt được trong chặng đường sau 35 năm tái lập tỉnh. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng nông thôn ở Phú Yên nói chung và huyện Tây Hòa nói riêng ngày càng đổi mới, khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hệ thống đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, kể cả miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến nay, huyện Tây Hòa có 7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó Hòa Đồng là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới thông minh. Đây là điều khiến tôi cũng như nhiều người dân Tây Hòa cảm thấy rất đỗi tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay, khởi sắc từng ngày của quê hương.
Từ những thành tựu, thay đổi của Phú Yên trong 35 năm qua, tôi tin tưởng và kỳ vọng trong thời gian tới, với thời cơ, vận hội và cả những thách thức mới của một vùng đất còn nhiều tiềm năng cần được đánh thức, khai phá; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng để đạt được nhiều thành quả to lớn hơn nữa. Quê hương đất Phú, trời Yên ngày càng giàu có và yên bình như nguyện ước của cha ông ta khi đặt tên cho vùng đất này.
ÔNG ĐINH VĂN HÒA, CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN CÔNG TY TNHH MINH TOÀN (KCN ĐÔNG BẮC SÔNG CẦU): Nhiều chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển
Sau 35 năm tỉnh Phú Yên tái lập, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện miền núi đều có bước phát triển về mọi mặt. Giao thông thuận lợi; kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng nhanh và bền vững; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; an sinh xã hội được đảm bảo; QP-AN được tăng cường, giữ vững ổn định.
Từ một thị xã nhỏ bé, Tuy Hòa đã trở thành một thành phố trẻ khang trang được nhiều người trong nước và nước ngoài biết đến, khách tham quan, du lịch ngày càng nhiều. TP Tuy Hòa sắp trở thành đô thị loại I.
Đặc biệt, từ một tỉnh thuần nông, với 80% số dân tập trung ở nông thôn, tỉ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu nền kinh tế, Phú Yên đã nỗ lực phát triển KT-XH theo hướng CNH-HĐH, tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng công nghiệp, lấy công nghiệp làm hướng đột phá trong phát triển kinh tế, tạo bước đột phá để phát triển nhanh và bền vững.
Cùng với xây dựng hoàn chỉnh và từng bước mở rộng 3 KCN tập trung là Hòa Hiệp (TX Ðông Hòa), An Phú (TP Tuy Hòa) và Ðông Bắc Sông Cầu, còn có nhiều cụm, điểm công nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động hiệu quả. Các làng nghề truyền thống đang được khôi phục và tạo điều kiện để phát triển...
Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn dịch COVID-19, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ liên quan đến an sinh xã hội, lao động việc làm góp phần ổn định tâm lý, giữ chân người lao động tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp trong nhiều thời điểm khó khăn.
BÀ PHẠM THỊ HẠ, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG PHỤ TRÁCH PHÒNG QUẢN LÝ VĂN HÓA, SỞ VHTT&DL: Tiếp tục quan tâm đến các hoạt động văn hóa
Tôi rất phấn khởi vì sau 35 năm tái lập, Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH, khẳng định và nâng dần vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, hoạt động văn hóa được quan tâm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thụ hưởng của người dân và đạt nhiều thành tích.
Các lĩnh vực, loại hình và sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đã và đang phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được chú trọng.
Đến nay, toàn tỉnh có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia, 96 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 6 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mong muốn trong thời gian đến, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đến các hoạt động văn hóa; đời sống văn hóa tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên. Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, điểm đến, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo dấu ấn tốt đẹp đối với người dân và du khách khi đến Phú Yên.
35 năm cũng là dịp thúc đẩy và tăng cường hiệu quả truyền thông, quảng bá hình ảnh của Phú Yên đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
Từ những thành tựu, thay đổi của Phú Yên trong 35 năm qua, tôi tin tưởng và kỳ vọng trong thời gian tới, quê hương đất Phú, trời Yên ngày càng giàu có và yên bình như nguyện ước của cha ông ta khi đặt tên cho vùng đất này.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/318003/hanh-phuc-va-tu-hao.html