Hành tăm được giá, nông dân Hà Tĩnh thu hoạch tới đâu bán hết tới đó
Thời điểm này, hành tăm ở các vùng sản xuất của Can Lộc (Hà Tĩnh) đã đạt độ 'già' và vào chính vụ thu hoạch. Giá thu mua tốt nên người dân rất tích cực bám đồng, thu hoạch tới đâu bán tới đó.
Can Lộc là địa phương có diện tích sản xuất hành tăm nhiều nhất tỉnh. Hiện nay, các vùng trồng đã vào cao điểm của vụ thu hoạch. Là một trong những hộ có diện tích trồng hành tăm khá lớn ở thôn Làng Lau (xã Vượng Lộc, Can Lộc), ông Nguyễn Văn Trường cho biết: “Thời điểm này, gia đình chúng tôi huy động hết nhân lực, 4 người đều ra đồng. Với 3 sào trồng hành lấy củ, năng suất đạt 4 tạ/sào, giá bán tại nhà ở thời điểm hiện tại là 50.000 đồng/kg, vụ hành năm nay, tôi thu về gần 60 triệu đồng”.
“Ở đây là đất pha cát, rất thích hợp cho cây hành tăm phát triển. Trồng hành chi phí không quá cao nhưng thu hoạch mất khá nhiều thời gian và kỳ công, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi “bới” được khoảng 50 kg hành củ, thu về hơn 2 triệu đồng” - bà Đặng Thị Hà (thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc) chia sẻ.
Được biết, trước đây, người dân thôn Làng Lau trồng lúa hoặc các loại rau màu khác hiệu quả kinh tế rất thấp. 5 năm trở lại đây, có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã tiến hành chuyển sang trồng cây hành tăm. Những năm qua, cây hành tăm đã thay đổi cuộc sống của người dân.
Cách thôn Làng Lau (xã Vượng Lộc) không xa, vụ thu hoạch hành tăm lấy củ cũng đang diễn ra ở một số cánh đồng khác ở huyện Can Lộc, như: thôn Cứu Quốc (xã Thuần Thiện), thôn Quyết Thắng, thôn Trung Thiên (xã Thiên Lộc)...
Từ sáng sớm, vợ chồng anh Phan Công Trung ở thôn Trung Thiên (xã Thiên Lộc) đã có mặt trên chân ruộng trồng hành tăm của gia đình.
Anh Trung cho biết: “Ở đây, tiểu thương thường gọi đến từng nhà đặt hàng từ buổi tối. 7 - 8h sáng hôm sau là họ đã đến lấy rồi. Vì vậy, vợ chồng tôi phải ra đồng sớm để làm cho kịp. Đến nay, gia đình đã thu hoạch được 2 sào; diện tích còn lại sẽ được hoàn thành trong vài ngày tới. Chúng tôi thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó".
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn Cứu Quốc, xã Thuần Thiện) có 4 sào hành tăm trồng trên đất ruộng. Gia đình bà đã gắn bó với loại cây trồng này từ rất nhiều năm. Bà Lan cho biết: “Ngoài thời gian đi cấy, dắm lúa, tôi tranh thủ thu hoạch hành tăm để bán. Từ đầu vụ đến nay, tôi thu hoạch được hơn 6 tạ hành củ, thu về từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài hành củ, có những thời điểm nhu cầu thị trường hành lá rất cao, giá dao động từ 15 - 17 nghìn/kg nên chúng tôi cũng dành diện tích để tỉa bán, tăng thêm thu nhập. So với năm ngoái thì năm nay hành tăm được mùa, được giá nên tôi thu hoạch sớm trước 2 tuần so với chính vụ”.
Ngoài trồng hành tăm, người dân địa phương này còn xen canh hành ống, kiệu… để có thêm thu nhập. So với năm ngoái, giá hành củ đầu vụ năm nay tăng gấp đôi, có thời điểm gần gấp 3. Theo đó, đầu mùa vụ, thương lái thu mua hành với giá 100.000 đồng/kg, sau đó, xuống dần 60.000 đồng/kg và nay đang ở mức 50.000 đồng/kg.
Theo bà con, giá dù thấp hơn so với đầu vụ thu hoạch song so với những năm trước thì đã cao hơn khoảng 20 - 25% ở thời điểm chính vụ thu hoạch. Giá hành tăm cao là do nhu cầu của người dân tăng. Ngoài nhu cầu cá nhân, sau tết, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể hoạt động sôi động trở lại nên nhu cầu hành chế biến cũng tăng. So với năm trước, năm nay, người trồng hành ở Can Lộc có đầu ra thuận lợi hơn. Hiện ở các xã Thiên Lộc, Vượng Lộc và Thuần Thiện có khoảng 6 - 8 tiểu thương thu mua.
Theo chị Nguyễn Thị Hà - một thương lái thu mua hành ở thôn Cứu Quốc (xã Thuần Thiện): “Tùy nhu cầu tiêu thụ, có ngày chúng tôi mua ít, có ngày mua nhiều. Tính trung bình mỗi ngày, tôi thu mua từ 4 - 5 tạ, ngày cao điểm khoảng 7 tạ. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được khoảng 30 tấn. Số hành này tôi chuyển đến chợ đầu mối ở Nghệ An và Đà Nẵng tiêu thụ”.
Hành tăm đang được thu mua với giá 45 - 50.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi giá trung bình những năm trước.
Được biết, toàn huyện Can Lộc có diện tích trồng hành khoảng 200 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Thiên Lộc (125 ha), Thuần Thiện (50 ha), Vượng Lộc (25 ha). Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây hành tăm mang lại, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng loại cây này, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Hành tăm đã trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập khá cho người dân, cao hơn nhiều lần so với lúa, lạc. Năm nay, hành bán được giá cao nên người dân lại càng thêm phấn khởi.
Thời gian qua, cây hành tăm đã góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân. Chúng tôi đang tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng hành tăm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; đưa cây hành tăm trở thành rau màu chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương