Hành trang hữu ích cho hoạt động của đại biểu dân cử
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, Hội nghị Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023 do Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức đã hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra. Các chuyên đề được lựa chọn cung cấp cho đại biểu nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết, góp phần nâng cao năng lực của đại biểu, chất lượng hoạt động của HĐND, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới.
Cung cấp kỹ năng quyết định chủ trương đầu tư công
Với chuyên đề “HĐND với đầu tư xây dựng cơ bản”, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính - tiền tệ Quốc gia, Nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh: quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước đang là vấn đề "nóng", trong đó các địa phương quản lý khoảng 50% vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Báo cáo viên đã phân tích thấu đáo các vấn đề chung nhất về đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước; thẩm quyền của HĐND trong lĩnh vực đầu tư công, cung cấp cho các đại biểu những kỹ năng quyết định chủ trương đầu tư công, kế hoạch đầu tư công và giám sát đầu tư công của HĐND.
Trong kỹ năng tổ chức giám sát đầu tư công, Báo cáo viên lưu ý đại biểu cần: chọn trúng vấn đề, đối tượng, phạm vi giám sát; phối hợp chặt với các cơ quan hữu quan trong xây dựng chương trình, triển khai kế hoạch giám sát; chuẩn bị tốt số liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung giám sát; phân công cụ thể, hợp lý đối với từng thành viên đoàn giám sát; đa dạng hóa các hoạt động giám sát: khảo sát thực tiễn, sử dụng chuyên gia tư vấn, lấy ý kiến nhân dân, đối tượng thực hiện; yêu cầu cơ quan thanh tra, kiểm toán làm rõ hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra; có cơ chế xử lý hậu giám sát, chế tài mạnh ngăn chặn, xử lý sai phạm…
Một trong những chuyên đề mang tính thời sự được các đại biểu quan tâm và đánh giá cao đó chính là "Chuyển đổi số" do Viện Trưởng viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng trình bày. Báo cáo viên đã khái quát, giới thiệu khung khổ chuyển đổi số tổng thể; khung khổ chính sách và pháp lý cho chuyển đổi số… Báo cáo viên nhấn mạnh dữ liệu số đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được coi như nhân tố sản xuất mới (bên cạnh lao động, đất đai, vốn - là những nhân tố sản xuất chính cần có cho mọi hoạt động kinh tế). Đối với nền kinh tế số, dữ liệu được coi như "mỏ dầu mới", là "trái tim" của chuyển đổi số. Với vai trò như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia…
Góp gần đưa nghị quyết vào cuộc sống
Là một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, đời sống của một bộ phận bà con dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, Tuyên Quang coi các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) là “điểm tựa” để vươn lên và rút ngắn “khoảng cách” trình độ phát triển với các địa phương khác trong cả nước.
Chuyên đề “HĐND tỉnh với Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình MTQG giảm nghèo; Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025” do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan trình bày đã giải thích rõ các nguyên tắc, giải pháp chủ yếu thực hiện các Chương trình MTQG. Trong đó, nhấn mạnh: đầu tư cần phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số...
Chuyên đề “HĐND với việc quyết định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ văn hóa” do PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên viện Trưởng Viện Văn hóa và Phát triển trình bày đã giúp các đại biểu nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những định hướng lớn về phát triển văn hóa. Đồng thời, làm rõ nội hàm vai trò của HĐND với việc quyết định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ văn hóa.
Báo cáo viên lưu ý: việc quyết định và giám sát này phải được đặt ngang hàng với các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy, trong chương trình nghị sự của HĐND các cấp cần bố trí thời gian, nguồn lực cho quá trình giám sát này khoa học, hợp lý. Qúa trình quyết định và giám sát cần chú ý tới đặc điểm và hoàn cảnh của từng vùng, địa phương, đặc điểm tâm lý và truyền thống văn hóa của các tộc người...
Khép lại Hội nghị tập huấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân đề nghị: các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, không ngừng trau dồi, tự trang bị và rèn luyện cho mình thêm nhiều kỹ năng trong hoạt động. HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp; sâu sát, bản lĩnh hơn trong hoạt động thẩm tra, giám sát, nhất là đối với những nội dung mới, nội dung khó; đa dạng hơn các hình thức TXCT và chú trọng đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân….