Hành trình 15 năm vốn nước sạch (bài cuối)
Nhiều người dân ở nông thôn có nhu cầu vay vốn để cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch, vệ sinh trong gia đình. Ảnh: LÊ HẢO
Bài cuối: Nâng mức vay, mở rộng diện thụ hưởng
Ðó là mong muốn của người dân cũng như chính quyền địa phương đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) trong thời gian tới.
Bởi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về cấp NS-VSMTNT kết thúc vào năm 2020. Nếu chiến lược này không tiếp tục triển khai, những người dân chưa được thụ hưởng chính sách tín dụng NS-VSMTNT sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ở nông thôn, cần vốn nước sạch
NS-VSMTNT là chương trình tín dụng chính sách dành cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Tại Phú Yên, khi hơn 70% người dân sống ở khu vực nông thôn thì nhu cầu vay vốn rất lớn.
Vào ngày giao dịch xã mới đây, chị Võ Thị Kim Thi ở thôn Đồng Lãnh (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa), được nhận vốn NS-VSMTNT. Chị Thi cho biết: “Trước đây, tôi cũng đã vay vốn NHCSXH làm công trình nước sạch, vệ sinh nhưng khi đó, kinh tế khó khăn, chúng tôi dùng nguồn vốn vay để xây dựng công trình đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của gia đình. Đến nay, sau một thời gian dài sử dụng, các công trình này đã xuống cấp. Đầu năm 2020, gia đình tôi trả hết nợ và đăng ký vay lại để sửa chữa, nâng cấp các công trình khang trang hơn”. Theo chị Thi, càng ngày giá cả nguyên vật liệu, nhân công càng cao. Với mức vay 10 triệu đồng/công trình như hiện nay, nếu sửa chữa thì còn đủ chứ muốn xây mới thì các gia đình phải phụ thêm tiền mới làm được.
Tại thôn Liên Trì 2 (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), nhiều hộ dân cũng đăng ký vay vốn NS-VSMTNT để làm mới hoặc sửa chữa lại công trình nước sạch, vệ sinh của gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Liên Trì 2, hiện nay, không chỉ các gia đình ở thành thị mà nhiều hộ dân ở nông thôn cũng rất chú trọng đến việc xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh khép kín trong khuôn viên nhà, vừa tiện lợi, vừa đảm bảo mỹ quan. Vì vậy, hầu hết người dân đều có nhu cầu vay vốn của NHCSXH để khoan giếng, làm bể lọc, nhà vệ sinh nhằm đảm bảo chất lượng sống của gia đình. “Vì vậy, khi các chị em trong tổ đăng ký vay vốn NS-VSMTNT từ NHCSXH, tôi đều tiếp nhận, tổ chức bình xét công khai trình UBND xã phê duyệt đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ”, bà Thủy nói.
Xã lên phường, hết thuộc đối tượng vay
Ngày 28/5 vừa qua, dù không phải là ngày diễn ra phiên giao dịch xã Hòa Hiệp Bắc nhưng sau khi tổng hợp nhu cầu vay của người dân, Phòng giao dịch Ngân hàng NHCSXH Đông Hòa vẫn tổ chức đợt giải ngân vốn NS-VSMTNT cuối cùng. Bởi chỉ cần qua ngày 1/6/2020, khi Đông Hòa chính thức trở thành thị xã, Hòa Hiệp Bắc trở thành phường thì người dân nơi đây thuộc khu vực thành thị, không còn là đối tượng được vay vốn chương trình NS-VSMTNT.
Gia đình chị Nguyễn Thị So Ny ở khu phố Mỹ Hòa (phường Hòa Hiệp Bắc), là một trong những hộ được nhận vốn NS-VSMTNT đợt cuối cùng này, với số tiền vay 20 triệu đồng. “Vợ chồng tôi đang xây nhà. Vì làm hồ sơ vay quá cận ngày giao dịch xã nên tôi không biết có được xét duyệt vay vốn hay không. May sao, cuối cùng cũng được nhận vốn kịp thời. Từ nguồn vốn này, chúng tôi dùng để khoan giếng, hoàn thiện nhà tắm, nhà vệ sinh của gia đình”, chị Ny chia sẻ.
Theo bà Ngô Thị Nu, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hiệp Bắc, xã lên phường nhưng đời sống người dân còn khó khăn. Nhiều hộ vẫn sử dụng các công trình nước sạch, vệ sinh đã hư hỏng, xuống cấp. Hiện nay, trên địa bàn phường vẫn có rất nhiều hộ muốn được vay vốn chính sách để sửa chữa, nâng cấp và xây mới các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhất là những gia đình mới tách hộ, đang xây nhà riêng. Thế nhưng bây giờ, người dân của phường không còn thuộc đối tượng được vay vốn chương trình tín dụng NS-VSMTNT nữa. “Nguyện vọng của người dân cũng như địa phương là Nhà nước mở rộng đối tượng vay vốn NS-VSMTNT, chỉ cần có nhu cầu, sử dụng vốn đúng mục đích là được vay, chứ không kể là ở khu vực nông thôn hay thành thị”, bà Nu nói.
Được biết, trong 5 tháng đầu năm nay, Phòng giao dịch NHCSXH Đông Hòa đã giải ngân gần 12 tỉ đồng vốn chương trình NS-VSMTNT. Trong đó, hơn một nửa số vốn này được tập trung cho vay tại 3 xã lên phường là Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và Hòa Xuân Tây. “Đây là nỗ lực của đơn vị nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu vốn NS-VSMTNT của người dân ở các địa phương trước khi họ không còn thuộc đối tượng được vay ưu đãi chương trình này nữa”, anh Lê Thanh Tuyền, Tổ trưởng Tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH Đông Hòa cho biết.
Mong tiếp tục triển khai chương trình
Theo Quyết định 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về cấp NS-VSMTNT kết thúc vào năm 2020. Tại Phú Yên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đặt mục tiêu tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ 60-90%. Tỉ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà vệ sinh hợp chuẩn đạt 100%. Tỉ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn toàn tỉnh có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt 100%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia mới chỉ đạt 46%. Tỉ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 80,66%. Tỉ lệ hộ gia đình ở nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 90,79%.
“Không riêng ở khu vực nông thôn, hiện một số người dân sống trên địa bàn thị trấn thuộc huyện, phường thuộc thị xã, thành phố gặp khó khăn về kinh tế chưa có nước sạch, chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, chưa đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, các trường hợp này không thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng, nâng cấp, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh. Do đó, nếu chương trình không được tiếp tục triển khai thực hiện, người dân chưa được thụ hưởng chính sách tín dụng NS-VSMTNT sẽ gặp khó khăn”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.
Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên, nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và môi trường, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai chương trình NS-VSMTNT cho các giai đoạn tiếp theo sau năm 2020; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét, tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng để tiếp tục thực hiện Quyết định 62/2004/QĐ-TTg có hiệu quả. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng được vay vốn chương trình NS-VSMTNT là các hộ đang sinh sống trên địa bàn thị trấn thuộc huyện, phường thuộc thành phố, thị xã chưa có công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn; là doanh nghiệp xây dựng cải tạo các công trình nước sạch và xử lý môi trường tập trung, các trạm cấp nước sạch cho người dân... Ngoài ra, với tình hình giá cả nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao, chi phí xây dựng công trình ở từng vùng miền là khác nhau, với mức vay hiện nay sẽ không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, nên đề nghị nâng mức cho vay tối đa lên 20 triệu đồng/công trình.
Nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và môi trường, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai chương trình NS-VSMTNT cho các giai đoạn tiếp theo sau năm 2020.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/241606/hanh-trinh-15-nam-von-nuoc-sach-bai-cuoi.html