Hành trình 25 năm của những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên
Ngày 27-4, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã tổ chức buổi gặp gỡ đặc biệt của hàng chục gia đình có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với các y, bác sĩ tại bệnh viện. Đây là lễ kỷ niệm 25 năm ngày 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam chào đời (30.4.1998 - 30.4.2023).
Tại buổi gặp gỡ, em Lưu Tuyết Trân (25 tuổi, ngụ Tiền Giang) cùng mẹ luôn nở nụ cười rạng rỡ khi được hội ngộ những "em bé ống nghiệm" có chung hoàn cảnh như mình. Trân là 1 trong 3 em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm cùng với Mai Quốc Bảo và Phạm Tường Lan Thy.
Trân cho biết từ 5 giờ sáng em và mẹ đã thuê xe từ Tiền Giang đến TP HCM để kịp dự lễ. "Em luôn cảm thấy tự hào vì bản thân được xem là một trong những chứng nhân lịch sử khi được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm", Trân nói và mong rằng những cặp vợ chồng hiếm muộn luôn giữ vững niềm tin vào các y bác sĩ, rồi hạnh phúc sẽ đến.
Là người đặt nền móng cho phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ quá trình làm nghề, tiếp xúc với nhiều phụ nữ hiếm muộn do tắc vòi trứng không thể mang thai tự nhiên rất đau khổ. Do đó, bà và đồng nghiệp luôn mong mỏi sẽ giải quyết tình trạng đau khổ đó. "Khi biết thế giới có thụ tinh ống nghiệm, chúng tôi cố gắng lắm để thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, phòng thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ" - bác sĩ Phượng nhớ lại.
Thời điểm chào đón 3 bé chào đời là niềm vui không chỉ của gia đình mà cả y, bác sĩ. "Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Lưu Tấn Trực, cha của Lưu Tuyết Trân, chắp tay xá khi con vừa chào đời và nói gần 50 tuổi đầu mới có đứa con thế này. Bao nhiêu năm qua đi, hình ảnh đó tôi đều không quên" - bác sĩ Phượng nói.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, cho biết 25 năm trước, với vai trò là một bác sĩ trẻ, ông đã rất tự hào khi là một trong những bác sĩ vinh dự được chào đón những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. "Cảm xúc ngày hôm nay khi gặp lại những đứa trẻ ấy tôi vẫn rất bồi hồi và xúc động" - bác sĩ Hải nói.
Theo bác sĩ Hải, Bệnh viện Từ Dũ đang ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới.
Bác sĩ Hải cho biết thêm từ khi thành lập Khoa Hiếm muộn đến nay, Bệnh viện Từ Dũ đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời. Số lượt khám hiếm muộn mỗi năm dao động trong khoảng 55.000-60.000 lượt. Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ. Tỉ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.