Hành trình 7 năm của thầy giáo rọi đèn đưa 'con chữ' đến buôn làng
GDVN- Chỉ có con đường học tập mới giúp học sinh nghèo có thể thoát nghèo. Mình có tri thức, học sinh ham học, tại sao phải đổ lỗi cho hoàn cảnh, quyết tâm là làm được.
"Mình có sức trẻ, tại sao không làm?"
Đó là chia sẻ của thầy giáo trẻ Nguyễn Hồng Duy, người không chịu khuất phục hoàn cảnh khó khăn, vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học vùng sâu, vùng xa khi thầy kể cho tôi nghe câu chuyện 7 năm đi vận động đưa học sinh tới trường của mình.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm, không chọn chốn thành thị, đồng bằng làm nơi công tác dạy học, Hồng Duy chọn vùng sâu cao nguyên Lâm Đồng, nơi đầy nắng và gió để bắt đầu rồi gắn bó dài lâu để rồi các trò thân thương gọi anh là thầy Duy.
Thầy giáo trẻ Hồng Duy sinh năm 1991, hiện đang công tác tại Trường Trung học Phổ Thông Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Thầy Duy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bố mất sớm, 3 mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, tương lai tưởng chừng khép lại khi mẹ thầy Duy bị mắc chứng bệnh Parkinson.
“Đã rất nhiều lần mình muốn bỏ học để đi làm vì nhà không có tiền. Dù nghèo thật nhưng mình vẫn đau đáu ước muốn được đi học. Mình làm thêm đủ nghề, có việc là mình làm, cộng thêm sự giúp đỡ của họ hàng mình đã đủ chi phí đi học hết đại học”, thầy giáo trẻ kể.
Nghĩ lại chặng đường để trở thành sinh viên năm cuối và tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán, Trường Đại học Đà Lạt, ngoài nỗ lực hết mình của bản thân, thầy Duy thầm cảm ơn và mắc nợ cuộc đời này hai chữ "ân tình".
Chắc có lẽ, vì trải qua hoàn cảnh khó khăn như thế nên thầy Duy càng thấm thía hơn sự cần thiết của việc học, “học để thoát nghèo” lại càng quan trọng hơn.
Huyện Đam Rông nơi thầy Duy công tác là một huyện vùng núi nằm ở phía Tây Bắc, tỉnh Lâm Đồng.
Đam Rông là một huyện nghèo nằm trong 62 huyện khó khăn của cả nước. Xã Đạ Tông nơi ngôi trường thầy Duy dạy học, thuộc xã khó khăn nhất của huyện khó khăn nhất.
“Khi nói lên vùng cao để dạy học, hầu hết ai cũng phản đối. Trong mắt nhiều người, mình nghèo, mình vất vả thì đương nhiên phải chọn con đường dễ đi hơn một chút, vì vốn dĩ hoàn cảnh của mình đã rất khó khăn rồi.
Thế nhưng, chỉ cần bắt gặp một học sinh nghèo ham học nhưng điều kiện hoàn cảnh không cho phép thì mình lại nhìn thấy hình ảnh bản thân ở đó.
Cảm xúc lúc ấy khó nói thành lời lắm. Thật sự rất khó khăn để quyết định rời xa quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi họ hàng sum vầy để đưa mẹ đi cùng mình đến nơi đất khách, quê người lập nghiệp.
Mình còn trẻ, mình còn sức khỏe, để cống hiến, để “trả nợ đời”, tại sao mình không đi?
Cao nguyên này là nơi chứng kiến những vất vả của mình trong 7 năm qua, vừa chăm mẹ, vừa nuôi em ăn học và vừa làm thầy giáo bám bản. Dù vất vả nhưng mình thực sự cảm thấy hạnh phúc vì con đường mình chọn”, thầy Duy tâm sự.
Thầy giáo trẻ gõ cửa từng nhà 7 năm trên cao nguyên
Dân số ở xã Đạ Tông chủ yếu là người Cil và Mnông, trình độ dân trí thấp, kinh tế đặc biệt khó khăn. Học sinh đến trường Trung học phổ thông nơi thầy Duy dạy học là con em đồng bào nhiều dân tộc.
Thổi hồn vào đá gây quỹ xây trường học cho trẻ vùng cao
Học sinh nơi đây thiệt thòi về mọi mặt, gia đình kinh tế khó khăn, đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà lại đông anh em.
Chính vì thế, việc lựa chọn giữa đi học hay đi làm kinh tế là băn khoăn của các em khi tuổi đời chỉ mới là các cô, cậu học trò.
Nếu là các cấp học Tiểu học, Trung học cơ sở thì dù gia đình khó khăn đến đâu, đồng bào dân tộc vẫn cố gắng hết sức để con em mình được đến trường. Vì những cấp học đó họ hiểu cần thiết để biết chữ, biết số.
Thế nhưng đối với cấp Trung học phổ thông việc vận động học sinh tới trường là công việc không chỉ làm đầu năm, giữa năm hay một thời gian cố định.
Các thầy cô bám bản phải luôn đưa sự quan trọng của học tập vào trong bài giảng hằng ngày. Vận động học sinh tới trường là công việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi khi các thầy, cô có thể.
“Học sinh đến tuổi đi học trường Trung học phổ thông đồng nghĩa với các bạn ấy có sức khỏe, có thể làm lao động chính cho một gia đình ở nơi này. Thế nên suy nghĩ “học chẳng để làm gì” luôn là lý do để bà con từ chối việc cho con em mình đến trường.
Cũng có những gia đình mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn vẫn tạo điều kiện cho con em mình đi học, nhưng các em lại ham chơi, đua đòi dẫn đến bỏ học lêu lổng, sa đà vào tệ nạn. Cứ thể một vòng luẩn quẩn nghèo lại thành nghèo”, thầy Duy trăn trở trong từng câu nói.
Thầy giáo trẻ quan niệm: “Nếu nghèo mà không học thì cứ nghèo mãi. Nếu học mà không đến nơi, đến chốn thì cũng không nên học làm gì. Thế nên đã dạy học sinh mình phải thật tâm, học sinh nghèo thầy phải vừa chân thành, vừa chân tình”.
Bởi “chữ tình” ngấm vào trong từng công việc mà thầy Duy làm thế nên dù khó khăn đến mấy thầy vẫn quyết tâm bám bản, bám buôn làng, bám đồng bào dân mình để đưa tri thức thay đổi cuộc sống nơi đây.
Cao nguyên đất đỏ, cứ mỗi độ mưa xuống con đường đến trường bỗng biến thành “con sông đầy bùn” sền sệt và đặc quánh lại, bám đầy vào bánh xe không thể đi nổi, có hôm, chân lún sâu xuống không nhấc nổi để đi bước tiếp theo.
Nghĩ đến con đường đến trường khi mưa xuống, thầy Duy cười nhẹ nhàng rồi nói: “Mình quen rồi, trên này còn hay mưa bất chợt. Sáng đi đường sạch đep, chiều về đường trơn trượt đầy bùn. Đến lớp đi qua chặng đường ấy như đi đánh trận vậy đó”.
Cách thầy giáo trẻ đón nhận những khó khăn đơn giản khiến người khác nể phục.
Vất vả là thế nhưng nào có xá gì so với những lần gõ cửa từng nhà, vận động con em đồng bào tới trường.
Vì quan điểm “đi học không để làm gì, chỉ có đi làm mới có cái ăn”, thế nên kể cả thầy cô giáo có vào đến tận nhà thì nhiều gia đình cũng không thèm bận tâm, bởi vì họ không có nhu cầu cho con em đi học.
Nhớ lại chặng đường 7 năm làm vận động thầy Duy kể: “Trượt ngã, trầy chân, trầy tay của thầy cô giáo khi đi vận động là chuyện bình thường. Đường đi ngoằn ngoèo, khi lên cao, lúc xuống dốc nhiều khi người với bùn nhào lại làm một.
Tiếp xúc với đồng bào dân tộc cần phải có sự chân tình. Khi họ hiểu ra việc mình làm là hướng con em họ đến tương lai tốt đẹp hơn thì người dân quý tình, quý người lắm.
Bây giờ mỗi lần mình vào buôn làng, củ sắn, củ khoai phụ huynh cho anh nhận hết. Họ nghèo tiền bạc, nhưng giàu tình cảm, họ gói gọn tâm tình mà trao cho mình trong những thứ bình dị đó chứng tỏ phụ huynh xem anh là người một nhà”.
Là xã nghèo của một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, câu chuyện ở Đạ Tông quan tâm không phải là giáo dục mà là miếng ăn hàng ngày.
Không ít lần trong câu chuyện nói với tôi, thầy Duy nhắc đi nhắc lại, “vì cái nghèo mà không được đến trường”, “vì cái nghèo mà phải đi làm sớm bỏ dở tương lai”. Cái đói, cái nghèo ở đây trở thành nỗi ám ảnh.
Thế nên thực hiện vận động học sinh đi học đã là một việc làm vất vả, thầy cô làm công tác vận động những địa phương như Đạ Tông lại là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Câu chuyện cậu học trò và bộ quần áo mới
Bảy năm không quá dài cũng không quá ngắn để nếm trải những cay đắng, ngọt bùi làm công tác giảng dạy vùng sâu của thầy Duy.
Ở vùng cao nguyên đầy nắng gió này, câu chuyện về sự khốn khó thì chẳng còn gì xa lạ, ấy thế mà câu chuyện của chúng tôi chùng xuống cũng chỉ vì hai chữ nghèo nàn.
Yang là một cậu học sinh trong lớp thầy Duy chủ nhiệm. Cũng như đa số các bạn học sinh, Yang là người Cil, là cậu học trò có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Điều kiện gia đình không cho phép nhưng với đức tính ham học, dù đường từ nhà em đến trường rất xa, trời mưa xuống lầy bùn hay nắng như thiêu như đốt bởi đặc tính cao nguyên nơi đây vốn thế, Yang vẫn chưa từng nghỉ một buổi học nào.
Có một điều duy nhất thầy Duy để ý, Yang luôn mặc sai đồng phục nhà trường quy định, không quần âu, không áo trắng. Sau nhiều lần nhắc nhở, nhưng em vẫn tái phạm liên tục.
Với sự yêu thương, gần gũi học sinh của thầy Duy, thầy hiểu tính cách của Yang không phải là học sinh như thế, em không phải học sinh cá biệt. Để biết được nguyên nhân tường tận, thầy Duy tìm đến nhà của Yang.
Nằm gần cuối bản, chắc cũng không được gọi là nhà bởi ngôi nhà của Yang mái không ra mái, thân không ra thân, xuống cấp, xiêu vẹo.
“Lúc đầu thấy mình, Yang chạy trốn, chạy rất nhanh như hoảng sợ. Trong lúc đợi Yang về mình có tìm hiểu hoàn cảnh nhà Yang.
Nhà em chắc là gia đình nghèo nhất trong những gia đình nghèo mà mình được biết. Không phải em cố tình không mặc đồng phục mà vì không có đồng phục mặc đi học. Bộ quần áo duy nhất em mặc tới trường không may rách nát sau một lần đi học trượt ngã.
Yang nghỉ học không phải vì em xấu hổ mặc quần áo xấu xí đến trường mà vì em thương thầy, thương lớp.
Em sợ bản thân mình làm ảnh hưởng đến mọi người. Em sợ vì mình không mặc đúng quần áo quy định, nên lớp thầy luôn đứng cuối trường về ý thức học sinh”, nhắc lại câu chuyện buồn khiến thầy giáo trẻ thở dài khe khẽ.
Hôm đó, đợi mãi đến chiều muộn vẫn không thấy Yang về, thầy Duy đang định trở về nhà thì một em học sinh phát hiện Yang trốn trên cây điều.
Thầy Duy kể: “Lúc được mình hỏi sao em ấy lại chạy trốn, em ấy chỉ cười, câu trả lời làm mình nhớ mãi: “Em buồn vì đã không đi học được còn bắt thầy giáo phải đến tận nhà”.
Trong 7 năm bám bản dạy học, bao nhiêu cố gắng, vất vả, mình đã được đền đáp đầy đủ khi nghe câu nói đấy từ chính học trò của mình”.
Nghe đến đây, tôi thấy giọng anh nghẹn lại, chắc hẳn hạnh phúc của người làm thầy, đặc biệt những thầy cô giáo bám bản “gieo chữ” chỉ đơn giản, mộc mạc như thế là đủ.
Thầy Duy là người tặng Yang một bộ quần âu, áo trắng khi đón em trở lại trường đi học. “Tặng học sinh một bộ quần áo là điều anh có thể làm. Quan trọng hơn, đó là mở đầu cho tương lai của cậu trò nhỏ. Điều đó làm anh thấy mình trở thành người có ích hơn cho xã hội”, thầy Duy tâm sự.
Hiện nay thầy Duy đang mở các lớp dạy thêm hoàn toàn miễn phí tại trường cho các em vào buổi tối và dự định sẽ còn mở thêm các lớp nữa ở các xã nghèo lân cận.
Kết thúc câu chuyện dài, thầy Duy có nói với tôi: “Chỉ có con đường học tập mới giúp học sinh nghèo có thể thoát nghèo. Mình có tri thức, học sinh ham học, tại sao phải đổ lỗi cho hoàn cảnh, thầy trò đều nghèo nhưng quyết tâm là làm được”.
Giáo dục miền núi còn rất nhiều khó khăn, vất vả, mong rằng những ánh đèn của thầy Duy cũng như các thầy cô bám bản mọi miền tổ quốc sẽ rọi sáng con đường tương lai cho con em đồng bào, để dẫn lối đưa tri thức thay đổi cuộc sống vùng sâu, vùng xa.