Hành trình chinh phục giải thưởng quốc tế của hai nam sinh trường chuyên
Dự án của hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đã xuất sắc giành giải Nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024.
Kỳ 1: Chung trường, chung đam mê
Dù không cùng lớp nhưng Quốc Bảo và Tuấn Hy đều có chung đam mê nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thực hành y khoa
Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Lê Quốc Bảo và Lê Tuấn Hy (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Quận 5, TPHCM) đều chọn lối đi của riêng mình. Quốc Bảo hiện đang theo học tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) còn Tuấn Hy đã đi du học ở Mỹ.
Nhớ lại cơ duyên với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Tuấn Hy cho biết, hai nam sinh này gặp nhau tại một lớp học nâng cao về AI. Sau đó, vì cùng chung đam mê nên cả hai thường xuyên trao đổi, tìm tòi, học hỏi, thu nạp kiến thức-kỹ năng có liên quan đến tin học. Đến khi chuẩn bị vào lớp 12, Quốc Bảo đã cùng Tuấn Hy thực hiện dự án Dự án “Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa”.
“Đây là dự án nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ y bác sĩ và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh đưa ra kết quả chẩn đoán từ hình chụp chiếu cắt lớp bằng việc tái tạo những hình ảnh 2D chuyển sang 3D mô phỏng, qua đó dễ dàng phục vụ cho thực hành y khoa”, Tuấn Hy cho hay.
Còn theo chia sẻ của Quốc Bảo: “Lúc đầu hai nam sinh định làm đề tài về robot. Tuy nhiên, trong trường đã có bạn nghiên cứu về robot và đã đoạt giải tại cuộc thi khoa học quốc tế 2023, đó cả hai trao đổi với nhau rất nhiều lần rồi thống nhất chọn đề tài “Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa”.
Thời điểm đó, một phòng tin học trên lầu 5 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được xem là “đại bản doanh” để hai em nghiên cứu dự án.
Quốc Bảo cho biết: “Ngay từ đầu, em cùng Tuấn Hy và thầy giáo hướng dẫn Đỗ Quốc Anh Triết thống nhất với nhau: Khoa học phải gắn liền với cuộc sống, do đó khi đã làm xong sản phẩm, chúng em muốn có tiếng nói của người sử dụng là nó có thực sự hữu ích không? Vì vậy em và Tuấn Hy đã chia nhau đến các bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Quận 1 và Viện Tim TPHCM để xin được làm việc với các bác sĩ. Và cứ mỗi lần như vậy, khi trở về chúng tôi lại bắt tay vào chỉnh sửa, cải tiến sản phẩm theo góp ý của các bác sĩ”.
Hành trình đến với cuộc thi quốc tế
Theo chia sẻ của Tuấn Hy, mỗi tuần hai nam sinh sẽ liệt kê hàng loạt những việc cần làm, những mục tiêu cần phải chinh phục. Sau đó, cả hai sẽ xung phong nhận việc, ai có thế mạnh nào thì nhận nhiệm vụ nghiêng về thế mạnh đó chứ không ai phân việc cho ai cả.
Cái khó nhất của là vừa nghiên cứu vừa phải đảm bảo thời gian học tập, hoàn thành các bài kiểm tra trên lớp. Thế nên 2 nam sinh đã tự đặt ra nguyên tắc nỗ lực nghiên cứu hết sức trong hai tuần, sau đó lại tập trung cao độ cho việc học tập trên lớp.
Nhắc đến yếu tố quan trọng nhất khi học sinh nghiên cứu khoa học Quốc Bảo cho biết: "Yếu tố quan trọng nhất khi học sinh nghiên cứu khoa học là sự kiên trì và kỹ năng đọc tài liệu, nhất là tài liệu của nước ngoài. Đề tài của em thiên về thuật toán nên có những tài liệu đọc 1 lần, 2 lần, 3 lần vẫn chưa hiểu. Đến lần thứ 4, thứ 5 thì hiểu được đôi chút nhưng đọc đến lần thứ 6, thứ 7 thì hiểu rõ. Thế nên, có những tài liệu tôi và Tuấn Hy thuộc luôn vì đọc quá nhiều lần".
Cũng theo Quốc Bảo, khoảng thời gian nghiên cứu hai nam sinh đã được rèn luyện rất nhiều kỹ năng quan trọng như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình. "Tôi cho rằng đây là khoảng thời gian trải nghiệm quý báu mà tôi sẽ không bao giờ quên. Thầy Triết đã cho chúng tôi được gặp gỡ các anh chị là cựu học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong để cùng trao đổi và học hỏi. Tôi đã được rèn về tinh thần trách nhiệm, về sự tự tin, về tính khiêm tốn,...”, Quốc Bảo nói.
Thầy giáo Đỗ Quốc Anh Triết, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho hay: “Quốc Bảo và Tuấn Hy là hai học sinh rất đặc biệt, nhất là khả năng nghiên cứu và tự học. Các em chủ động trong mọi việc nên phát triển rất nhanh đề tài của mình. Tôi chỉ đóng vai trò định hướng và truyền cảm hứng. Bảo và Hy tự đề xuất kế hoạch nghiên cứu, tự tìm dữ liệu... Tôi chỉ duyệt kế hoạch đó, nêu ra những điểm cần khắc phục hoặc giới thiệu thêm tài liệu cần đọc; gợi ý thêm người cần gặp để trao đổi kinh nghiệm hoặc giảng hòa khi hai em chưa đồng quan điểm với nhau”.
Tháng 3/2024, Dự án “Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa” đã đoạt giải nhất tại Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Bộ GD&ĐT cũng đã chọn dự án này cùng với các dự án của học sinh các tỉnh, thành khác để tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 (ISEF) tại Mỹ.
Được biết, hành trình đến với Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 của hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng khá gian nan, bởi gần đến ngày thi mà Quốc Bảo chưa được cấp visa. Bảo phỏng vấn lần 1 và bị Tổng lãnh sự quán Mỹ từ chối cấp visa. Em đăng ký phỏng vấn lần 2 nhưng lịch hẹn phỏng vấn lần 2 lại diễn ra sau ngày thi khoa học kỹ thuật quốc tế đến 2 tuần.
Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã có công văn gởi các đơn vị liên quan để em Bảo được cấp visa, kịp thời tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế. Sau đó ngày 8/5/2024, Quốc Bảo được gọi phỏng vấn lần 2 và được cấp visa đi Mỹ dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ diễn ra từ ngày 11-17/5/2024.
Kỳ 2: Truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho nhiều bạn trẻ