Tôi là điều dưỡng Trần Ngọc Sang thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, bên phải tôi là tài xế Võ Lâm Khôi Nguyên. Khi dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, ngoài công việc cấp cứu thông thường, chúng tôi còn hỗ trợ đưa các ca dương tính đến nơi cách ly, điều trị.
Hôm nay, sau 2 chuyến chở F0, 17h, tôi phụ trách chuyến cấp cứu đón 6 ca dương tính từ trung tâm thành phố đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Tôi cùng các đồng nghiệp chuẩn bị đồ bảo hộ, dụng cụ trước khi đi.
Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi thường ăn nhẹ, uống nước, quan trọng nhất là phải vệ sinh cá nhân vì nhiều giờ liền ở trong bộ đồ bảo hộ. Hành trình tới Cần Giờ sẽ kéo dài hơn 5 giờ.
Tôi sẽ đi cùng tài xế Khôi Nguyên trong chuyến này, cả hai đều chuẩn bị thật kỹ đồ bảo hộ. Vì là xe chuyển ca bệnh nên chúng tôi cần hạn chế người ngồi bên trong, chỉ có một nhân viên y tế và một tài xế.
17h30, tôi và anh Nguyên xuất phát đến địa điểm phong tỏa tại quận Gò Vấp. Chúng tôi gọi cho nhân viên y tế phường trước để hỗ trợ hai bệnh nhân chuẩn bị hành lý, giấy tờ đi điều trị.
Khoảng 15 phút sau, chúng tôi có mặt tại địa điểm đón. Bệnh nhân được lực lượng y tế địa phương hỗ trợ ra xe. Hai bệnh nhân là mẹ con, có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào buổi sáng cùng ngày.
Tôi hướng dẫn bệnh nhân để hành lý ra phía sau xe, không nói chuyện, động chạm vào các bề mặt trên xe.
Anh Nguyên nhận giấy tờ, xác nhận thủ tục chuyển cho 2 bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của lực lượng y tế phường, quận, chúng tôi nhanh chóng đón 2 bệnh nhân chỉ trong vài phút.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến địa điểm thứ hai tại đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh.
Điểm đón là Trường tiểu học Bình Hòa, một nơi cách ly tập trung của quận Bình Thạnh. Tại đây, chúng tôi sẽ đón 4 người có kết quả dương tính nCoV đi điều trị.
Theo quy định, các bệnh nhân khi được xe cấp cứu đến chuyển đi phải mặc bảo hộ 100%. Nhiều người mặc đồ bảo hộ sai quy chuẩn hoặc chuẩn bị chưa đủ giấy tờ nên chúng tôi phải chờ khá lâu.
Tại đây có một gia đình 5 thành viên dắt díu nhau chuẩn bị đồ đi Cần Giờ điều trị Covid-19. Do xe đã khá đông nên chỉ một người được lên xe. Những thành viên còn lại phải chờ chuyến xe sau.
Tôi kiểm tra lại số lượng và các giấy tờ cần thiết. Sau địa điểm này, chúng tôi sẽ xuất phát thẳng đến Cần Giờ.
Trên đường đi, tôi gọi về Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhờ điều phối phà tại Bình Khánh (huyện Nhà Bè) để chờ xe cấp cứu đến sẽ qua Cần Giờ ngay. Với những chuyến xe chở F0, chúng tôi không thể chậm trễ.
Cả 6 bệnh nhân này đều khá khỏe mạnh, tỉnh táo. Tuy nhiên, gương mặt ai cũng toát lên vẻ căng thẳng khi ngồi phía sau xe cấp cứu.
Đến bến Bình Khánh, chúng tôi được bố trí riêng lên một chiếc phà. Rất nhanh chóng 15 phút sau, chúng tôi đến được bến phà phía Cần Giờ.
Tôi và anh Nguyên thay phiên nhau quan sát những bệnh nhân ngồi phía sau xem họ có có gặp vấn đề gì về sức khỏe và cần sự trợ giúp nào không.
Gần 21h, mất hơn 3 giờ để chúng tôi đến được Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Bệnh viện có quy mô hơn 300 giường bệnh, đang là một trong số ít những nơi chuyên điều trị Covid-19 của TP.HCM.
Tài xế Nguyên gặp nhân viên y tế, đưa giấy tờ để làm thủ tục bàn giao những người ca F0 vào bệnh viện.
Bệnh nhân xếp hàng giãn cách, được phun khử khuẩn toàn thân và hành lý trước khi bước vào khu cách ly. Tôi yên tâm khi nhìn các bệnh nhân đến nơi điều trị an toàn mà không gặp sự cố nào về sức khỏe.
Chúng tôi cảm giác như sống lại khi tháo bộ đồ bảo hộ sau hơn 3 giờ mặc nó ngồi trên ôtô.
Đường về nhà sẽ còn khoảng 2 giờ nhưng chúng tôi nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi lại hoàn thành một chuyến đi. Từ ngày có dịch, chúng tôi quen dần với việc tiếp xúc các ca dương tính. Không có gì quá lo lắng khi mình tuân thủ quy chuẩn mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn và giữ khoảng cách.
Công việc của anh Nguyên sau mỗi chuyến chở bệnh nhân là khử khuẩn toàn bộ xe.
Sau khi hoàn thành một số giấy tờ của chuyến đi, tôi tranh thủ ăn bữa tối lúc 23h. Ca trực của tôi vẫn kéo dài đến 7h sáng ngày hôm sau. Không biết chừng, trong đêm nay, tôi có thể nhận thêm 1-2 chuyến chở ca dương tính nếu được điều động. Hơn một năm nay, công việc chống dịch dường như đã thành thói quen với nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 chúng tôi.
Duy Hiệu