Hành trình chông gai đến 'mùa vàng' tri thức
Nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, ngành Giáo dục Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực, vươn lên trở thành 'điểm sáng' của Bắc Trung Bộ...

Cô trò điểm trường Xuân Hòa. Ảnh: Đ. Đức
“Trồng người” trong lửa đạn
Từ năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời chia đôi. Sông Bến Hải (Quảng Trị) nằm trên vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Vĩnh Linh là huyện duy nhất của Quảng Trị được giải phóng, nhưng vẫn bị chia cắt một phần ở bờ Nam.
Trước bối cảnh đấy, Ty Giáo dục Quảng Trị (sau này là Sở GD&ĐT Quảng Trị) là cơ quan cấp tỉnh ra đời sớm ở Vĩnh Linh. Lúc này, nhiệm vụ ổn định, sắp xếp trường lớp các cấp từ vùng chiến khu và vùng tự do mới trở về là ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị khai giảng vào tháng 9/1954.
Tuy nhiên, giáo dục đứng trước nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nghèo nàn. Chính quyền địa phương phải vận động đóng góp về sức người, sức của làm trường, đóng bàn ghế, bảng đen và những yêu cầu tối thiểu của một lớp học, trường học. Năm học đầu tiên, tháng 9/1954, có 9 trường trên địa bàn Vĩnh Linh được khai giảng. Học sinh từ phía Nam phải “cơm đùm, gạo bới” gửi vào các nhà dân; giáo viên cũng sống dựa vào dân. Dù trong cảnh khó khăn, cơm cháo qua ngày, sắn, ngô là thức ăn chủ lực, nhưng thầy và trò vẫn bám trường, bám lớp, giáo viên thương yêu học sinh hết mực.
Theo lịch sử giáo dục huyện Vĩnh Linh, giai đoạn 1954 - 1960, số lượng học sinh ngày càng tăng. Năm học 1954 - 1955 chỉ 1.165 học sinh, đến năm học 1959 - 1960 tăng lên 8.400 học sinh.
Những năm sau đó, giáo dục Vĩnh Linh bước vào thời kỳ ngặt nghèo nhất do Mỹ tập trung bom đạn đánh phá. Đặc biệt, ngày 8/2/1965, cả 3 trường của Vĩnh Linh, gồm: Trường Phổ thông cấp I, Trường Phổ thông cấp II thị trấn Hồ Xá và Trường Phổ thông cấp III Vĩnh Linh đã bị máy bay Mỹ ném bom san phẳng.
Ngay trong đêm, học sinh và thầy cô phải sơ tán ra những khu vực an toàn để tránh bom đạn. Giáo dục cũng chuyển sang thời kỳ mới. Nhiều trường học phải chia nhỏ ra các nơi để tiếp tục dạy học và hoàn thành chương trình năm học. Để duy trì hoạt động dạy học, nhiều thầy giáo phải băng qua lửa đạn, vượt qua trọng điểm bắn phá đến nơi sơ tán với học sinh.
Để thích ứng với tình hình chiến sự, ngành Giáo dục Quảng Trị chỉ đạo các trường dạy học theo tinh thần “công sự hóa toàn dân”. Các lớp được đưa xuống hầm, chia nhỏ theo địa bàn thôn, xóm, làng bản, đội sản xuất. Phía trên hầm làm lớp học là lớp đất dày có những đà gỗ chắc chắn chống đỡ.
Những lớp học trong lòng đất này có cửa thông với hệ thống giao thông hào, hầm chữ A, địa đạo. Nhờ có hệ thống hầm hào khá an toàn và phương án phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa lực lượng dân quân du kích địa phương cùng các trung đội tự vệ được thành lập từ các hội đồng nhà trường nên đã hạn chế tối đa thương vong cho học sinh và giáo viên.
Suốt 3 năm (1965 - 1967), mặc dù phải giảng dạy và học tập trong điều kiện chật chội, ẩm thấp và thiếu ánh sáng, một số trường vùng trọng điểm phải chuyển vào lòng địa đạo, song phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” vẫn giữ vững và giành được những thành tích ấn tượng, góp phần xứng đáng vào những chiến công vang dội của quân và dân Vĩnh Linh.
Từ cuối năm 1966, đầu năm 1967, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, Mỹ huy động hàng nghìn lượt máy bay, kể cả “Pháo đài bay” B-52, kết hợp trọng pháo ở bờ Nam, hạm đội ngoài khơi đánh phá hủy diệt Vĩnh Linh.
Trước tình thế trên, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ quyết định chuyển toàn bộ học sinh vỡ lòng, học sinh các cấp (I, II, III), học sinh trường thanh niên dân tộc, giáo sinh sư phạm ra các tỉnh phía Bắc học tập. Trong giai đoạn này, khoảng 20.000 trẻ em, học sinh đã được sơ tán. Tháng 5/1973, sau khi Quảng Trị được giải phóng, thầy cô và học sinh mới trở về quê hương.

Trường cấp III Vĩnh Linh bị bom Mỹ đánh phá tháng 2/1965. Ảnh tư liệu
Khát vọng vươn lên
Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực và quyết tâm, đổi mới tư duy quản lý là then chốt, phương pháp dạy học là cốt lõi để nâng cao chất lượng, Giáo dục Vĩnh Linh đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những thành tích rất ấn tượng.
Năm học 2023 - 2024, Vĩnh Linh có 196 em các cấp tham gia dự thi học sinh giỏi văn hóa - KHKT cấp tỉnh, quốc gia đoạt giải, chiếm tỷ lệ 73,9% số học sinh dự thi; 16 giải đồng đội cho giáo viên và học sinh. Ngoài ra, hàng năm các trường chủ động tham gia những cuộc thi ViOlympic, IOE, An toàn giao thông qua mạng Internet, Trạng nguyên Tiếng Việt… cấp quốc gia.
Đóng trên vùng “đất lửa” năm xưa, Trường THPT Vĩnh Linh có bề dày truyền thống hơn 65 năm, khẳng định vị thế là trường trọng điểm chất lượng cao bậc trung học phổ thông của ngành Giáo dục Quảng Trị.
Trong giai đoạn chiến tranh, Trường THPT Vĩnh Linh phải xây dựng lại 4 lần, chia thành nhiều phân hiệu để vừa tránh bom đạn, vừa dạy và học tập. Đây cũng là ngôi trường hiếm hoi từ tuyến lửa được sơ tán toàn bộ ra miền Bắc trong thời kỳ Mỹ đánh phá ác liệt từ vĩ tuyến 17 ra Bắc.
Ông Nguyễn Hữu Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh cho biết, trong thời kỳ bom đạn ác liệt, với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đội ngũ thầy, cô giáo đã quyết tâm bám trường, giữ lớp, duy trì việc dạy - học dưới làn mưa bom bão đạn khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh.
Mặc dù trải qua các tên gọi khác nhau như: Trường cấp III Vĩnh Linh, Trường PTTH số 1 Bến Hải, Trường PTTH Vĩnh Linh và Trường THPT Vĩnh Linh ngày nay vẫn giữ vững và phát huy truyền thống quý báu thi đua dạy tốt, học tốt.
Với những thành tích đạt được trong 65 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Vĩnh Linh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động (các năm 1962, 1967, 1998); Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2000, Trường đạt chuẩn quốc gia bậc THPT giai đoạn 2001 - 2010, 2016 - 2021; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014; hơn 70 cờ thưởng các loại và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Cũng tại mái trường này, 8 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo Ưu tú, 5 thầy giáo được truy tặng liệt sĩ, hàng chục thầy, cô giáo và cán bộ công chức của trường cũng đã nhận được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân, Huy chương Kháng chiến...
Qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, trong hoàn cảnh thời bình hay thời chiến, ngành GD-ĐT Vĩnh Linh không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Những kết quả đạt được đã và đang góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Quảng Trị.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) tham quan tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Đ. Đức
Giáo dục truyền thống
Những ngày tháng 4 lịch sử, cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) vừa có chuyến tham quan, học tập thực tế tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Chuyến đi không chỉ để lại nhiều cảm xúc, mà còn góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng tự hào và biết ơn sâu sắc trong tâm hồn học sinh.
Bà Bùi Thị Hương Lam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử cho biết, đây là hoạt động ngoại khóa theo kế hoạch giáo dục của nhà trường trong mỗi năm học. Hành trình về nguồn không chỉ giúp học sinh mở rộng hiểu biết lịch sử, mà còn khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, giúp các em trực tiếp cảm nhận được chiều sâu lịch sử và giá trị của hòa bình.
“Chuyến đi không chỉ là một hoạt động ngoại khóa bổ ích, mà còn là bài học sâu sắc về truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và giá trị thiêng liêng của hòa bình. Tin rằng, hành trình từ trang sách đến thực tế hôm nay sẽ tiếp tục nuôi dưỡng trong các em tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc”, bà Lam chia sẻ.
Nằm về phía Nam của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Trường Tiểu học và THCS Trung Hải (huyện Gio Linh) đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Điểm trường Xuân Hòa (thuộc Trường Tiểu học và THCS Trung Hải) nằm sát với di tích, nơi có gần 100 học sinh theo học.
Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, phụ trách điểm trường Xuân Hòa, cũng là người con của tuyến lửa Vĩnh Linh đã có khoảng thời gian dạy học 16 năm tại đây. Khi cô đến, điểm trường Xuân Hòa nằm sát với di tích Hiền Lương. Về sau, điểm trường được xây dựng lùi vào bên trong để nhường lại không gian cho khu di tích. “Theo kế hoạch của nhà trường, giáo viên tổ chức học sinh tham quan tại di tích để các em hiểu thêm về lịch sử, về truyền thống đấu tranh chống giặc của dân tộc”, cô Hiền cho hay.
Ông Trần Thế Vũ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trung Hải cho biết, trường có 2 cấp học với 4 điểm trường. Những năm qua, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên; chất lượng mũi nhọn dần được khẳng định qua hàng năm. Nhiều học sinh đạt được kết quả cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Đóng trên vùng tuyến lửa, có nhiều di tích lịch sử, nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Nhà trường tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, viếng và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm, chăm sóc các gia đình chính sách, mời các nhân chứng, cựu chiến binh nói chuyện để giáo dục học sinh.
“Những hoạt động này giúp các em hiểu thêm về quá khứ hào hùng, truyền thống đấu tranh của dân tộc ta, ý chí dũng cảm, bất khuất, những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Từ đó, giúp cho hoạt động giáo dục hiệu quả hơn”, ông Trần Thế Vũ cho hay.
Giáo dục Quảng Trị đã và đang được quan tâm đặc biệt. Quy mô trường, lớp được củng cố, mở rộng; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới luôn được quan tâm.
Chất lượng giáo dục toàn diện, đại trà và giáo dục mũi nhọn có chuyển biến tích cực. Những năm gần đây, học sinh Quảng Trị đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi lớn, sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, quốc tế như: Đường lên đỉnh Olympia, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc tế, Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Nhiều học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học…
Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025, Quảng Trị có 89 học sinh dự thi và đoạt 60 giải; trong đó có 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 17 giải Ba và 35 giải Khuyến khích. Đây là kết quả thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của học sinh và thầy cô, cũng như ngành Giáo dục Quảng Trị.
Bên cạnh đó, tại Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm 2024 dành cho học sinh THPT quốc gia, học sinh Quảng Trị tham gia với 3 dự án và đều được Ban tổ chức đánh giá cao và trao giải. Trong đó có dự án đoạt giải Nhất được chọn tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc tế…
Giáo dục Quảng Trị đã bứt phá vươn lên trở thành “điểm sáng” trong khu vực, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước, là nền tảng quan trọng để tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Trước yêu cầu cần phải chi viện cho chiến trường miền Nam, Ty Giáo dục Vĩnh Linh được yêu cầu khẩn cấp chi viện cho giáo dục Quảng Trị về con người và các điều kiện cần thiết. Mặc dù, lực lượng cán bộ và giáo viên của Ty còn thiếu, nhưng đã quyết định chi viện cho Giáo dục Quảng Trị 20 người.
Ngoài ra, nhờ có sự chi viện kịp thời của các tỉnh bạn, giáo viên các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội... lần lượt vào Quảng Trị dạy học (đi B). Năm học 1973 - 1974, Giáo dục Quảng Trị đã có 15 trường tiểu học, 3 trường bổ túc văn hóa, 1 trường đệ nhất cấp, 1 trường đệ nhị cấp khai giảng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-chong-gai-den-mua-vang-tri-thuc-post728858.html