Hành trình của lá cờ đặc biệt - Bài 3: Phá vỡ bức tường im lặng

Với tổng cộng thời gian thực thi kế hoạch treo cờ lên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris đúng 30 giờ, 3 công dân Thụy Sĩ dũng cảm muốn gắn con số đó như một phần cuộc chiến 30 năm của nhân dân Việt Nam chống thực dân và đế quốc. Và, hơn 50 năm sau, quyết định phá vỡ im lặng đã đưa họ đến với đất nước Việt Nam.

30 giờ hành động vì Việt Nam

Vượt qua những giây phút hồi hộp, Olivier Parriaux và Bernard Bachelard cũng leo tới gần chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris. Vốn quen leo núi, Bernard Bachelard được giao trèo lên chân cây thánh giá phía trên đỉnh tháp, gắn lá cờ vào cây thánh giá. Trong đêm khuya thanh vắng, có cảm giác tiếng “phập” từ lá cờ vừa bung ra vang to đến nỗi dưới mặt đất cũng nghe rõ. Lúc ấy vừa nửa đêm. Từ trên cao, Bernard Bachelard và Olivier Parriaux nhìn thấy tín hiệu đèn pha nhấp nháy từ chiếc Citroën cổ lỗ nơi góc phố.

Ông Olivier Parriaux giới thiệu bức vẽ tái hiện hình ảnh lá cờ Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: LINH OANH

Ông Olivier Parriaux giới thiệu bức vẽ tái hiện hình ảnh lá cờ Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: LINH OANH

Tính toán làm sao để ngăn người ta hạ lá cờ xuống một cách chóng vánh, hai người rút chiếc cưa sắt, cưa hết các thanh sắt vốn tạo thành bậc thang leo lên chóp tháp. Sợi dây thừng đem theo lúc này mới phát huy tác dụng, giúp từng người tụt xuống dễ dàng hơn. Xuống tới mặt đất và thoát ra khỏi nhà thờ, đồng hồ đã chỉ 1 giờ 30 phút sáng.

Tất cả lên xe, chạy xuyên qua thủ đô Paris để tới nơi đặt trụ sở nhật báo Le Monde ở số 5 phố Italiens lúc 2 giờ sáng. Trong cuốn sách “Le Vietcong au sommet de Notre-Dame” có mô tả: “Trên đường đi, chúng tôi bị mắc kẹt giữa một ngã tư rộng lớn. Sau sự kiện tháng 5-1968, có đông cảnh sát dựng rào chắn tại ngã tư này. Một viên cảnh sát ra hiệu chúng tôi dừng xe, sau đó lại gần. Nhìn mặt chúng tôi lấm lem bụi và tỏ rõ sự ngạc nhiên, anh ta nở nụ cười tươi sau khi nhìn biển số xe rồi cho qua. Lúc đó, mồ hôi túa ra ướt đầm áo chúng tôi”.

Bỏ tờ thông cáo báo chí vào hòm thư tòa soạn, 3 công dân Thụy Sĩ lái xe hướng về quê nhà, trưa hôm ấy thì về tới Lausanne an toàn. Nhưng họ lo lắng không biết số phận lá cờ và hậu quả có thể xảy ra khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) Việt Nam hiện diện ở Paris. Vì thế, ngay sau khi về đến Thụy Sĩ, họ vội vã đến Cineác-thời điểm đó là nơi cung cấp những thông tin nóng hổi trên thế giới. Họ thở phào nhẹ nhõm khi biết, lá cờ vẫn tung bay phấp phới trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tại Paris, việc lá cờ MTDTGPMN Việt Nam tung bay trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris sáng 19-1-1969 đã trở thành một sự kiện đặc biệt ở thủ đô hoa lệ. Sau khi phát giác, Sở Cảnh sát Paris điều một đội lính cứu hỏa trèo lên tháo lá cờ, song mọi nỗ lực đều thất bại. Dưới mặt đất, người dân Paris đổ xô ra ngó nghiêng chỉ trỏ, phóng viên báo chí chen nhau quay phim, chụp ảnh. Cuối cùng, nhà chức trách phải điều trực thăng tới, với người lính cứu hỏa treo lơ lửng bên dưới, tìm cách tiếp cận đỉnh tháp. Mãi đến chiều hôm đó, lá cờ mới được gỡ xuống. Hôm sau (20-1-1969), ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức, trên trang nhất tờ The New York Times của Mỹ, cũng như nhiều tờ báo khác, là hình ảnh lá cờ MTDTGPMN Việt Nam căng trong gió, ngay trên đỉnh tháp của công trình kiến trúc lịch sử mang tính biểu tượng của Paris.

Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ ngay sáng đó, một sĩ quan cảnh sát Pháp tuyên bố: “Dù là ai thì cũng không dễ thực hiện việc này. Có thể nhìn rõ lá cờ từ Sở Cảnh sát cách 250m. Lính cứu hỏa đã thử gỡ nó xuống nhưng không thành. Tôi phải thừa nhận rằng sáng hôm nay chúng tôi hơi bị quê. Người làm việc đó phải là người rất gan góc”.

Trong số báo ra ngày 20-1-1969, báo Le Monde đã trích đăng một phần thông cáo của tác giả vô danh về mục đích treo cờ, cùng thông cáo phản đối của chính quyền Sài Gòn cáo buộc vụ việc xâm phạm tín ngưỡng của một di tích tôn giáo linh thiêng; đồng thời đăng cả phản hồi của Đức Tổng giám mục Paris, trong đó nêu rõ việc quản lý Nhà thờ Đức Bà Paris về mặt vật chất thuộc về chính quyền Paris, quản lý về tín ngưỡng, tinh thần mới thuộc trách nhiệm của giáo phận, nên vụ treo cờ hoàn toàn không ảnh hưởng đến tín ngưỡng tôn giáo.

Đối với những người dân tiến bộ Mỹ tham gia phong trào phản chiến, sự kiện lá cờ được treo lên trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris trở thành nguồn cổ vũ to lớn, bởi nó cho thấy: Họ không hề đơn độc trong cuộc đấu tranh này.

Quyết định công khai danh tính

“Tại sao hơn nửa thế kỷ qua, chúng tôi giữ im lặng, không xưng danh? Là bởi chúng tôi coi đó là hành động mang biểu tượng và nó đã đạt mục đích đề ra. Không quan trọng ai làm, mà quan trọng là lá cờ đã ở đó, như một minh chứng cho tình đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới dành cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”, ông Olivier Parriaux khẳng định.

Tuy nhiên, một sự kiện khác đã khiến nhóm treo cờ quyết định kể ra câu chuyện mình đã làm cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: LINH OANH

Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard (bên phải) trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: LINH OANH

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Báo Quân đội nhân dân (QĐND) được thực hiện tại khách sạn Central Palace, tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh, ngay cạnh Dinh Độc Lập, ông Olivier Parriaux cho biết: “Đó là vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15-4-2019. Xót xa trước việc hỏa hoạn tàn phá một phần di sản văn hóa của nhân loại, chúng tôi điểm lại tất cả những gì gắn với bề dày lịch sử gần 800 năm của công trình kiến trúc đặc biệt này và đi đến thống nhất, rằng sự kiện treo lá cờ MTDTGPMN Việt Nam cần được ghi nhận như một phần không thể tách rời trong lịch sử di sản Nhà thờ Đức Bà Paris”, ông Olivier Parriaux chia sẻ.

Một lý do đặc biệt khác, là 10 ngày sau vụ hỏa hoạn, Báo QĐND có đăng một bài viết về Nhà thờ Đức Bà Paris, trong đó nhắc lại chi tiết lá cờ MTDTGPMN Việt Nam tung bay trên đỉnh tháp. Thật tình cờ, ông Olivier Parriaux được bạn bè là kiều bào Pháp giới thiệu cho bài báo đó. Bài báo khiến ông ngỡ ngàng. Một tờ báo chuyên về chính trị, quân sự, những lĩnh vực tưởng chừng rất khô khan, với độc giả là những người lính quen lăn lê trên thao trường với lấm lem bụi đất nay lại có những bài viết truyền tải tri thức của nhân loại, bày tỏ sự quan tâm và những hiểu biết, kiến giải sắc nét về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, những di sản thế giới. Điều đó cho thấy một đời sống văn hóa tinh thần phong phú và hiểu biết, của cả tờ báo và độc giả của nó. Bài báo nhắc đến lá cờ MTDTGPMN Việt Nam tung bay trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, như một xác tín về mối liên hệ với một phần lịch sử cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam...

Một thoáng trầm ngâm, ông Olivier Parriaux tiếp tục chia sẻ: “Chúng tôi không phải là anh hùng. Chúng tôi chỉ là những con người bình thường, có một lý tưởng để theo đuổi, có một khát khao để ấp ủ về một nền hòa bình cho người dân trên thế giới. Sau ngần ấy năm trời, chúng tôi quyết định công khai danh tính, không phải để được vinh danh và tri ân, cũng không phải để mưu lợi cá nhân. Lúc còn trẻ, chúng tôi chưa từng đặt chân đến Việt Nam, nhưng qua báo chí, chúng tôi thấy được nỗi đau và sự tàn phá thảm khốc mà cuộc chiến của đế quốc Mỹ mang lại cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Rồi hình ảnh về cuộc sống chiến đấu, lao động kiên cường của những người dân Việt Nam chân chất, thật thà đã làm lay động trái tim của triệu triệu người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì những lẽ đó mà nhân dân các nước đã dâng cao ngọn cờ tranh đấu ủng hộ nền hòa bình và độc lập cho Việt Nam”.

Theo ông Olivier Parriaux, đây là lần đầu tiên ông đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân tình từ phía các bạn Việt Nam. “Thời gian ngắn ngủi lưu lại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được đến thăm Địa đạo Củ Chi, thăm trung tâm dành cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Những gì tận mắt chứng kiến cho chúng tôi hiểu rằng, chiến tranh dù đã trôi qua nhiều năm, nhưng những hậu quả nó để lại vẫn còn rất nặng nề. Nhân dịp này, chúng tôi muốn kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, kêu gọi các nguồn lực để giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; muốn tiếp tục sát cánh cùng các bạn trong cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân da cam ở Việt Nam và trên thế giới”, ông Olivier Parriaux bày tỏ.

Chút nghẹn ngào với đôi mắt hoe đỏ, ông BernardBachelardrun run cất giọng: “20 năm trước, tôi từng tới thăm TP Hồ Chí Minh, thăm sân bay Biên Hòa và một số địa danh lịch sử trong thời kỳ chống Mỹ của các bạn. Rồi theo đề nghị của cá nhân, đoàn chúng tôi được ra miền Bắc, tham quan Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ và tôi đã hiểu vì sao Việt Nam chiến thắng cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.

(còn nữa)

PHƯƠNG THẢO - LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/hanh-trinh-cua-la-co-dac-biet-bai-3-pha-vo-buc-tuong-im-lang-804629