Hành trình của tình thương
1. Bạn bè, người quen ở độ tuổi đã về hưu, gặp nhau thường hỏi thăm nhau về sức khỏe. Sau lời hỏi ấy, người ta thường hỏi nhau: anh, chị có làm gì thêm không? Khá nhiều công việc được nêu ra. Trong đó, có việc: trông cháu.
Không ít trường hợp người về hưu ở cùng với con của mình. Con đi làm, ông bà chăm sóc cháu giúp, khi ông bà còn khỏe. Có người là lo cho cháu ăn, chơi đùa với cháu, đưa đón cháu đi nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học. Và cũng có cả lúc đưa cháu đi khám bệnh. Cùng bao việc lặt vặt khác với cháu. Ông bà đã về hưu, vẫn vui vẻ làm công việc chăm sóc cháu nội, cháu ngoại của mình. Điều ấy xuất phát từ tình thương yêu của cha mẹ đối với con của mình, khi con bận đi làm, lo kinh tế gia đình, thiếu thời gian để chăm cháu nhỏ. Thương con, ông bà lại tiếp tục thương cháu. Không ít ông bà thương cháu của mình còn hơn thương con của mình ngày trước.
Từ bao tình thương yêu của ông bà dành cho cháu, để ông bà chịu đựng được những vất vả mà không hề than phiền. Nhìn cháu cười, cháu bi bô nói chuyện với ông bà, cháu hỏi việc này việc khác, lòng ông bà làm sao khỏi dâng lên những tình thương đối với những đứa cháu ruột rà của mình. Cứ thế, động lực để ông bà vượt qua khó khăn, cực nhọc chính là tình thương yêu hết mực của ông bà đối với cháu của mình.
2. Lại có những hoàn cảnh khác. Cha mẹ về hưu, có con làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở những tỉnh, thành khác. Con có gia đình riêng, có cháu nhỏ, lại phải đi làm mỗi ngày. Bà vào thăm, thấy hoàn cảnh con đơn chiếc, bà thu xếp vào thành phố ở cùng con, chăm giúp cháu nhỏ, để các con có nhiều thời gian cho công việc, cho nghề nghiệp. Việc chăm sóc các cháu ở thành phố với không ít ông bà là vài năm, để cháu lớn dần, có khi vào trường tiểu học.
Với những ông bà chăm cháu ở xa như vậy, lương hưu đã được chuyển vào thẻ; song bảo hiểm y tế vẫn tại tỉnh nhà, gặp những lúc đau yếu, có những điều bất tiện. Đó là: thẻ bảo hiểm y tế có nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bình Thuận. Nếu ông bà sử dụng thẻ ấy đi khám bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, không phải là cấp cứu, thì thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp này, phải kèm giấy chuyển tuyến. Nếu không có giấy chuyển tuyến, chi phí khám, mua thuốc, dịch vụ điều trị khác có khi rất cao.
Với những gia đình không quá dồi dào về tài chính, thì không ít trường hợp: Ông hay bà vào thành phố Hồ Chí Minh ở với con để trông giúp cháu, khi bệnh, có người phải về lại Bình Thuận để khám, và có khi phải xin giấy chuyển tuyến vào thành phố Hồ Chí Minh để điều trị.
Hành trình đi từ thành phố Hồ Chí Minh về lại Bình Thuận để khám bệnh của ông bà trong trường hợp như vậy khá vất vả. Nhất là trong thời điểm hiện nay, sự quản lý các tuyến xe từ các địa phương về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại được thành phố Hồ Chí Minh làm tích cực thì việc đi lại của ông bà phải thêm phần chờ xe trung chuyển, kéo dài thời gian hơn cho mỗi chuyến đi, về.
3. Hành trình cha mẹ đến ở với con ở nơi xa để chăm sóc cháu giúp con được tính theo khoảng cách địa lý, có thể đo được dễ dàng. Song, bên cạnh hành trình ấy, còn có một hành trình khác, khó đo đếm được, đó chính là hành trình của tình thương. Chính xuất phát từ tình thương yêu con, cháu, những người ông, người bà đã vui vẻ trải qua một đoạn đường dài, đến chăm lo cho cháu của mình, không nề hà khó nhọc. Bởi chỉ cần nhìn thấy những cháu thơ của mình vui vẻ, chuyện trò với ông bà mỗi ngày, mọi mệt nhọc trong ông bà cũng sẽ vơi nhanh.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hanh-trinh-cua-tinh-thuong-105158.html