Hành trình của ý chí và khát vọng
Trong 50 năm qua, từ 'đi trước về sau' đến 'đi trước, về đích trước', TPHCM đã vươn mình trở thành đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước, là cửa ngõ kết nối khu vực và thế giới. Với từng dấu mốc lịch sử, kinh tế thành phố thể hiện sự phát triển đột phá để giữ vững vị trí dẫn đầu, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

TPHCM là “đầu tàu” kinh tế, cũng là nơi hội tụ và phát triển các giá trị văn hóa, giáo dục - đào tạo… Ảnh: B.A.V.N.
Khôi phục mạnh mẽ sau chiến tranh
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, năm 1976 Quốc hội ban hành Nghị quyết đổi tên TP Sài Gòn thành TPHCM, nhằm tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu. Chia sẻ về những ngày đầu sau giải phóng, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, kinh tế - xã hội TPHCM phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, vô vàn khó khăn, thử thách. Nhất là, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội diễn biến phức tạp do tàn dư của các phần tử phản động, chống phá cách mạng. Bên cạnh đó, số người thất nghiệp quá lớn, tệ nạn xã hội tràn lan... khiến chính quyền phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để ổn định, nhanh chóng củng cố chính quyền nhân dân, khôi phục sản xuất và cải tạo xã hội.
Trước tình hình đó, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo cho biết, Trung ương đã đặt ra đối với chính quyền thành phố phải nhanh chóng triển khai các giải pháp quyết liệt. Nổi bật nhất trong việc cụ thể hóa chính sách của Đảng, Nhà nước giai đoạn này, là TPHCM đã ban hành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất (tháng 4/1977) với việc đặt ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý có giải pháp về tổ chức lại sản xuất, phân bố lực lượng lao động xã hội, nhằm tăng cường các thành phần kinh tế, quốc doanh, hợp tác xã... Chỉ sau 2 năm thực hiện công cuộc cải tạo, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được củng cố, đời sống nhân dân từng bước được ổn định và kinh tế thành phố bước vào đà khôi phục mạnh mẽ.
Từ năm 1979, nền kinh tế TPHCM bước vào giai đoạn trầm lắng và bắt đầu bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong đó, sản lượng công nghiệp quốc doanh sụt giảm nghiêm trọng; ngành công thương gặp nhiều khó khăn; các nông trường, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm ăn thua lỗ... Lúc này, hai nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo TPHCM là “lo cái ăn cho nhân dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ”.
Chia sẻ về những khó khăn lớn đặt ra trong giai đoạn này, PGS.TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM cho biết, những người lãnh đạo cao nhất thuộc “đời đầu” của thành phố đã chủ động tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, vực dậy thành phố ra khỏi cơn khủng hoảng, trì trệ. “Giai đoạn ấy, thành phố chủ trương tìm mọi giải pháp để vừa chạy gạo từng bữa cho 3,5 triệu dân; vừa thành lập Tổ thu mua lương thực, lặn lội xuống tận Đồng bằng sông Cửu Long, vượt qua bao hàng rào ngăn sông cấm chợ... để thu mua lương thực, tạo lên hạt gạo cô Ba Thi giải quyết vấn đề thiếu lương thực cho người dân” - PGS.TS Phan Xuân Biên nhớ lại.
Cũng theo ông Phan Xuân Biên, từ 1986 thành phố được coi là cái nôi khởi xướng cho giai đoạn “đổi mới” của thành phố và đất nước, được Bộ Chính trị đánh giá “Là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. TPHCM có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội”. Giai đoạn này ghi nhận kỳ tích 10 năm (1986-2010) của TPHCM. Cụ thể, nếu 10 năm sau giải phóng, thống nhất đất nước (1975-1985) tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của thành phố chỉ tăng 2,7%/năm, thì giai đoạn 10 năm đầu đổi mới đã tăng bình quân 10,5%/năm. Thành phố là một trong số ít đô thị của các nước trong khu vực vào thời điểm đó duy trì được tăng trưởng hai con số liên tục trong một khoảng thời gian dài.

TPHCM duy trì vị thế đầu tàu kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Ảnh: Hồng Phúc.
Đến đầu năm 2002, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: TPHCM là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. “Sự đánh giá của Bộ Chính trị về TPHCM đã rõ hơn, cao hơn so với 20 năm trước, chính là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân thành phố, với trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo” - ông Phan Xuân Biên nhấn mạnh.
“Đi trước, về đích trước”
Nhìn lại hành trình 50 năm của TPHCM, PGS.TS Vũ Quang Đạo cho rằng: Đó là hành trình từ “đi trước về sau” đến “đi trước, về đích trước”. Diễn giải cho nhận định này, ông Vũ Quang Đạo chỉ ra: Đầu tiên, TPHCM vinh dự là nơi ghi những trang mở đầu và cũng là nơi kết thúc thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi đất nước thống nhất, thành phố cũng đi đầu trong nỗ lực khôi phục sản xuất, cải tạo xã hội. Trải qua nhiều thập kỷ, thành phố vẫn tiếp tục dẫn đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu “vì cả nước, cùng cả nước” để chống lại đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu "đi trước, về đích trước" nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết vượt qua dịch bệnh của người dân TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.
Nói về hành trình đặc biệt ấy, ông Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định, kể từ sau ngày 30/4/1975 đến nay là hành trình 50 năm thành phố không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, ổn định để phát triển và trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện nay, TPHCM vươn mình trở thành cửa ngõ giao lưu quan trọng với khu vực và thế giới. Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, việc nhìn lại chặng đường 50 năm đã đi qua là để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại tiếp tục vững bước đi tới, làm rõ mục tiêu xây dựng, bảo vệ, phát triển. Coi đây là việc làm quan trọng, cần thiết để đô thị đặc biệt của cả nước tiến lên sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Để có được các thành tựu quan trọng trong 50 năm qua của TPHCM là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; sự ủng hộ hết lòng và hiệu quả của MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cấp. Đây cũng là kết tinh công sức, trí tuệ của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố qua các thời kỳ để có TPHCM hôm nay” - ông Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.
Về tầm nhìn dài hạn, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, sự đoàn kết, đồng lòng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, coi đây là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công và sự phát triển bền vững. Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, hành trình 50 năm qua cho thấy tất cả ý chí, khát vọng và quyết tâm của thành phố để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu to lớn và ý nghĩa. Quá trình ấy gắn với nhiều thành tựu đột phá và đổi mới. Từ đó, thành phố là nơi khởi nguồn của nhiều chính sách, nhiều cơ chế kinh tế mới của đất nước. “Thành phố không chỉ là điển hình của sự đổi mới mà còn là nơi hội tụ và phát triển các giá trị văn hóa, là trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước. Đây là kết quả của sự đầu tư không ngừng nghỉ với tinh thần đổi mới sáng tạo” - ông Nguyễn Văn Được khẳng định, đồng thời cho biết Thành ủy, UBND TPHCM đã và đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... TPHCM sẽ giữ vững vai trò “đầu tàu” trên nhiều lĩnh vực và là động lực cho các chiến lược phát triển nhanh và bền vững, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo
Theo ông Huỳnh Đảm - nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, 50 năm qua đối với TPHCM là một hành trình đáng tự hào khi vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, để đạt được những thành tựu, kết quả to lớn, trở thành “đầu tàu” kinh tế cả nước và là động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. Bốn chữ “đoàn kết, chủ động, sáng tạo và đột phá” là những yếu tố làm nên thành quả đáng tự hào của TPHCM trong 50 năm qua. Có thể nói, đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nói chung và 50 năm qua của TPHCM nói riêng. Xuyên suốt quá trình ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã xây dựng một truyền thống năng động, sáng tạo, nhất là việc thành phố đã “tự mình cởi trói cho mình”. Với tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn “xé rào” để giải quyết những công việc, điểm nghẽn của địa phương, từ đó nhân rộng mô hình ra các đô thị và địa phương khác, giúp đất nước vững bước đổi mới, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hanh-trinh-cua-y-chi-va-khat-vong-10303557.html