Hành trình đến SEA Games 31: Phòng chống doping đã sẵn sàng
Thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao, ở thời đểm mà Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho vai trò chủ nhà của SEA Games 31, Trung tâm doping và Y học thể thao cũng đang căng sức hoàn thiện quy trình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của sự kiện thể thao đa môn tầm cỡ khu vực.
Con số mẫu kiểm tra trung bình hàng năm Trung tâm doping và y học thể thao (VADA) thực hiện khá khiêm tốn là 70 mẫu cho các đối tượng VĐV thuộc diện bắt buộc phải kiểm tra hàng năm theo quy định chung (ngoại trừ năm 2016 là 412 mẫu do Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5).
Chính vì thế, công tác phòng chống doping cho sự kiện lớn, tập trung đông các VĐV khu vực như SEA Games 31 cũng là một thách thức không nhỏ dối với ban tổ chức.
Trong các sự kiện thể thao lớn, tình trạng lạm dụng doping nhằm nâng cao thành tích vẫn thường diễn ra và ngày càng tinh vi. Việc sử dụng doping trong thi đấu thể thao không chỉ gây ra những tác hại về mặt sức khỏe, thậm chí là tính mạng VĐV mà còn là vết nhơ về mặt đạo đức của VĐV và danh dự quốc gia khi phải chịu án phạt cấm thi đấu của Ủy ban Olympic quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm doping và Y học thể thao - đơn vị được giao nhiệm vụ phòng chống doping tại SEA Games 31, khó khăn lớn nhất về mặt nhân lực đang dần được giải quyết.
Để đáp ứng yêu cầu kiểm tra doping cho SEA Games, cần có lực lượng các cán bộ kiểm tra doping triển khai nhiệm vụ tại các địa điểm thi đấu, các địa điểm VĐV tập và nghỉ. VĐV phải sẵn sàng kiểm tra doping ở tất cả các trạng thái kể cả thi đấu và không thi đấu.
Trong khi đó, lực lượng nhân sự phục vụ công tác kiểm tra doping của Việt Nam mới chỉ chủ yếu có kinh nghiệm trong nước và ở những giải thể thao chưa có tầm cỡ lớn hoặc áp lực công việc chưa nhiều, nhưng đối mặt với một kỳ Đại hội thể thao đa môn tầm cỡ khu vực như SEA Games là một bài toán hoàn toàn khác.
Với VĐV nước ngoài, các cán bộ kiểm tra doping phải tuân thủ các nguyên tắc luật phòng chống doping quốc tế, quy định doping của Đại hội. Theo ông Nguyễn Văn Phú, các VĐV nước ngoài nằm rất rõ luật, hiểu rất rõ quyền hạn của cán bộ kiểm tra doping đến đâu, có thể làm gì, và đó là lý do không loại trừ nhiều VĐV có thể gây khó khăn cho cán bộ kiểm tra doping nếu không làm đúng luật. Thêm vào đó, không phải lúc nào VĐV cũng sẵn sàng phối hợp với cán bộ kiểm tra doping. Tất cả những vấn đề này đều rất đáng lo và thực sự vô cùng áp lực đòi hỏi các cán bộ kiểm tra doping cần phải được đào tạo cực kỳ bài bản.
Với kinh nghiệm trải qua nhiều lần đăng cai các sự kiện thể thao lớn từ khu vực, đến châu Á, để sẵn sàng cho công tác kiểm tra doping tại SEA Games 31, Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 cũng đã lên kế hoạch tuyển chọn cán bộ kiểm tra doping dựa trên tiêu chí ngoại ngữ nhất định, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có tình nguyện viên hỗ trợ nếu cần. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng sẽ được tập huấn lấy mẫu và kiểm tra doping làm nhiều đợt.
Vừa qua, vào tháng 11, Tiểu ban cũng đã tiến hành đào tạo đợt 1 với sự tham dự của 98 người, cả 98 người đều dạt yêu cầu. Dự kiến vào tháng tháng 3, tháng 5 và tháng 9 sẽ triển khai các đợt tập huấn tiếp theo để lực lượng này có kiểm tra, sát hạch thực tế tại một số giải đấu tiền SEA Games. Công tác đào tạo y tế cũng sẽ được triển khai thành 3 đợt vào tháng 3, tháng 9 và tháng 12.
Về mặt trang thiết bị kiểm tra doping và địa điểm kiểm tra cũng đã được lên phương án chuẩn bị. Thiết bị kiểm tra doping gồm các bộ dụng cụ lấy mẫu hay còn gọi là các kit, biên bản, sổ tay hướng dẫn và hình ảnh có thể sử dụng để cho VĐV phối hợp với Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping. Địa điểm kiểm tra doping sẽ là các trạm, phòng để phục vụ cho việc lấy mẫu tại khách sạn (nếu có thể), tại địa điểm thi đấu, địa điểm tập luyện (là bắt buộc) và tại bất cứ một địa điểm nào tập trung đông VĐV.
Trưởng tiểu ban Y học thể thao SEA Games 31 cũng cho biết, với các VĐV trong nước, Luật phòng, chống doping thế giới với những điều chỉnh mới về danh mục các chất bị cấm trong thể thao đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, chính vì vậy, để mỗi VĐV và HLV của thể thao Việt Nam đều có thể cập nhật vấn đề này. Như vậy, công tác truyền thông, giáo dục cũng phải được tăng cường thông qua sự kết hợp chặt chẽ, phối hợp tổ chức cùng các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và tại các giải thể thao lớn, thông tin thường xuyên về công tác phòng, chống doping tới mỗi HLV, VĐV.