Hành trình đến với giải Nobel Văn học của Louise Glück
Giải Nobel Văn học năm 2020 là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực đổi mới nghệ thuật thơ ca của nữ tác giả người Mỹ Louise Glück.
Thế giới chính thức biết đến tên tuổi của nữ nhà thơ người Mỹ Louise Glück sau khi bà được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học năm 2020. Tuy vậy, những người yêu mến thơ ca đương đại của Mỹ đã chú ý đến Louise Glück vào những năm 1970.
Thế giới thi ca trong các sáng tác của Louise không hướng về đại chúng. Nó mang chất riêng vừa trưởng thành man mác buồn, vừa sắc sảo đến mức kén người đọc.
Năm 1993, Glück giành giải thưởng Pulitzer với The Wild Iris (1992, tạm dịch: Diên vĩ dại). Tác phẩm Faithful and Virtuous Night (2014, tạm dịch: Đêm thủy chung và đức hạnh) đề cập cái chết đã mang về cho nữ tác giả người Mỹ giải thưởng Sách Quốc gia. Năm 2015, Louise Glück được trao Huân chương Nhân văn Quốc gia Mỹ.
Đọc 12 tuyển tập thơ và các tiểu luận phê bình của nữ tác giả nhận giải Nobel Văn học năm 2020, nhiều người dễ lầm tưởng bà nhàm chán và “một màu”. Tuy nhiên, nếu cảm nhận kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy Louise Glück luôn cố gắng thay đổi, thử thách bản thân, thậm chí tìm cách thoát khỏi vòng an toàn qua từng tác phẩm khác lạ.
Thơ ca kiệm lời và sắc sảo
Louise Glück sinh năm 1943 ở New York và sống ở Cambridge, Massachusetts. Ngoài viết lách, bà còn là giáo sư dạy tiếng Anh tại nhiều trường danh tiếng như Đại học Yale, New Haven, Connecticut (Mỹ).
Năm 1968, bà xuất bản tập thơ đầu tay với tên gọi Firstborn (tạm dịch: Khởi sinh) - viết về thời thơ ấu, cuộc sống gia đình. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của những người yêu nhau bị ngăn cấm, góa phụ, kẻ tàn tật và gia đình bất hạnh.
Ủy ban xét giải Nobel Văn học năm nay cho hay giọng thơ của Glück “độc đáo không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát".
Tác tác phẩm của Louise Glück thường kiệm lời và sắc sảo nhưng chứa đựng cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn, các mối quan hệ gia đình hay cái chết.
Tập thơ đầu tay được giới nghiên cứu đánh giá cao nhưng họ cũng nhìn nữ tác giả bằng con mắt nghi ngờ: "Chúng ta có thể chờ đợi điều gì từ Louise Glück trong tương lai?”.
Đến The House on Marshland (1975, tạm dịch: Ngôi nhà trên đầm lầy), Louise Glück dường như đáp trả giới phê bình vì những nghi ngờ trong quá khứ.
Tập thơ thứ hai vẫn lấy chủ đề tương tự Firstborn nhưng mang âm hưởng của một tứ thơ trang nhã, gây ấn tượng bởi sự tinh tế, sắc sảo. Ẩn sau lớp ngôn từ kiệm lời và sức sống và trăn trở của những phụ nữ hoặc cô gái tìm kiếm điểm tựa trong cuộc sống bi kịch, nghiệt ngã.
Chủ thể trong tập thơ này của Lousie Glück là những nhân vật lịch sử, thần thoại. Bà nói thay tiếng lòng của Dido (nữ hoàng Carthage cổ đại, hay còn gọi là Tunisia, bị người hùng thành Trojan Aeneas ruồng bỏ), Persephone (con gái thần Zeus, nữ thần nông nghiệp Demeter, bị thần địa ngục Hades bắt về làm vợ) hay Eurydice (vợ thi sĩ thiên tài Orpheus, cũng là người chiến đấu để đưa cô thoát khỏi địa ngục).
Họ đều là những nữ nhân bị ruồng bỏ, tìm cách vượt qua giới hạn và tìm kiếm con đường riêng cho mình.
Thế giới thơ ca trước đó của Glück không phải lúc nào cũng ảm đạm. Nhưng những góc nhỏ khó ai chạm đến luôn hấp dẫn người phụ nữ này.
Trong tác phẩm của mình, bà thường lấy cảm hứng từ những huyền truyện, đặt nhân vật vào hoàn cảnh khốn khó, buộc phải lựa chọn.
Nhà thơ không ngừng tự làm mới
Glück đồng hành cùng nỗi cô đơn và chạm tới những góc khuất nhiều người né tránh, điển hình là tuổi già và cái chết. Điều đó xuất phát từ cuộc đời nhiều biến cố của bà.
Ở tuổi thiếu niên, Glück bị chứng rối loạn ăn uống gây biếng ăn. Đến năm 20 tuổi, bà không thể học đại học mà phải điều trị tâm lý. Nữ tác giả cũng từng trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ và một lần mất hết nhà cửa, tài sản vì hỏa hoạn.
Theo Anders Olsson - Chủ tịch Ủy ban Nobel - Glück đã nhìn trực diện vào nỗi đau và diễn tả nó “một cách thẳng thắn, không khoan nhượng”.
Tuổi trung niên thường sợ nỗi cô đơn và cái chết. Nhưng Louise Glück ngược lại, bà tìm thấy niềm hạnh phúc lạ kỳ khi nghĩa về nó. Đây cũng là nguồn cảm hứng để bà sáng tác tập thơ Ararat (1990), sau cái chết của cha. Nhà phê bình Dwight Garner gọi tác phẩm là "cuốn sách tàn bạo, đau khổ nhất của thơ ca Mỹ được xuất bản trong 25 năm qua".
Trong tác phẩm này, nỗi đau khi bố mẹ qua đời sớm, sự ganh đua giữa các chị em gái của bà, việc mâu thuẫn với các con được bà diễn đạt khéo léo, nhận đồng cảm từ độc giả.
Nữ tác giả từng nhiều lần bộc bạch tâm tư của mình trong các tác phẩm. Ở tuyển tập văn xuôi đầu tay Proofs & Theories (1994), Glück chia sẻ bà luôn cố gắng để cuốn sách sau mạnh mẽ và quyết liệt hơn tác phẩm trước.
Bà không ngừng đưa yêu cầu với bản thân. Như các nhân vật nữ trong các bài thơ, họ tìm đường đến với tự do và khai phóng. Sau lớp mặt nạ nhân vật là một bản thể Louise Glück tự phản biện từng ngày, tìm cách đổi mới chính mình.
Sau khi khẳng định bản lĩnh ở thể loại trữ tình thần thoại, tự truyện và ngụ ngôn, nữ nhà thơ người Mỹ chuyển sang thử sức với sử thi, hài kịch. Điều này đã giúp bà cho ra đời những tác phẩm thành công không kém.
Từ Meadowlands (1996) đến Averno (2006), vần thơ của Louise Glück mạch lạc, sắc sảo. Nó xoay quanh hôn nhân tan vỡ, cố gắng xây dựng lại cuộc sống của những người phụ nữ tuổi trung niên đến hành trình sử thi của Dante hay Homer.
Trải qua biến cố, Louise Glück gửi gắm quyết định trong những vần thơ của Vita Nova (1999): “I thought my life was over and my heart was broken/Then I moved to Cambridge” (tạm dịch: Tôi nghĩ đời mình thế là hết và trái tim vụn vỡ/Rồi tôi chuyển đến Cambridge). Đây cũng là lúc bà quyết định ở lại Cambridge, Massachusetts, biến thành phố thành nơi mình nương náu.
Thời điểm này cũng là lúc bà trở thành giảng viên tại Đại học Yale (Mỹ). Sau đó, bà được bổ nhiệm làm "Poet Laureate" của Mỹ nhiệm kỳ 2003-2004. Đây là vị trí danh dự dành cho các nhà thơ Mỹ. Người được bầu chọn sẽ viết những câu thơ vào các dịp quan trọng của đất nước trong năm.
Năm 2014, lần đầu tiên Glück xuất bản tuyển tập thơ văn xuôi, kể về cuộc đời của những nhà văn lớn tuổi - Faithful and Virtuous Night (Đêm thủy chung và đức hạnh). Đây cũng là tác phẩm giúp Glück được trao giải Sách Quốc gia.
Lần này, Glück tiếp cận chủ đề cái chết bằng sự khéo léo, ý nhị. Vẫn là phong cách kiệm lời, tứ thơ của bà mơ màng, đưa độc giả về miền mênh mang của ký ức, đan xen cùng hành trình thức tỉnh.
Có thể nói, thơ ca của Louise Glück không hướng về tính bao quát hay đại chúng. Thế giới thơ của bà cũng tràn ngập nỗi buồn, sự cô đơn. Nhưng ánh lên trong áng thơ về cái chết hay sự mất mát là cách nhìn lạc quan của một con người từng nếm trải đau khổ. Mỗi tác phẩm của Louise Glück là kết tinh của trái tim gai góc, trí tuệ sắc sảo và nguồn sống mãnh liệt.