Hành trình đi tìm định danh cho người yếu thế: Những tình huống 'khó đỡ'…
Đối tượng không nhìn thẳng vào máy ảnh mà nhìn lệch sang hướng khác hoặc tay co cứng không thể thu nhận 10 vân tay,... đó là 2 trong rất nhiều tình huống mà cán bộ, chiến sĩ công an đã từng gặp trong quá trình thu thập thông tin sinh trắc học làm căn cước cho đối tượng yếu thế...
1. Chiều hôm đấy, mưa dày hạt. Dù vậy, tổ công tác lưu động làm căn cước của Công an TP Sầm Sơn vẫn có mặt tại TTBTXH số 2, phường Quảng Thọ đúng như kế hoạch.
Theo danh sách, buổi chiều này có 14 đối tượng yếu thế sẽ tiến hành thu nhận thông tin sinh trắc học. Các đối tượng gồm con phạm nhân, trẻ khuyết tật, trẻ bị bỏ rơi và người già. Trong số này, người nhiều tuổi nhất đã 80, ít nhất là 9 tuổi. Đối với tổ công tác lưu động gồm 5 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Sầm Sơn. Ngoài ra còn có Phó trưởng Công an phường Quảng Thọ là Thiếu tá Phạm Văn Hải và một số cán bộ TTBTXH số 2 cùng tham gia hỗ trợ tổ công tác.
Máy quét mống mắt, máy chụp ảnh, máy thu nhận vân tay,... phục vụ cho buổi thu thập thông tin đã được cán bộ, chiến sĩ đặt ngay ngắn, đúng chỗ. L.V.A., 11 tuổi, đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi là người đầu tiên thực hiện việc thu nhận thông tin. L.V.A. chân tay co quắp, chỉ nằm 1 chỗ. Cán bộ trung tâm bế cháu trên tay để chụp ảnh. Do cháu không ngồi được nên Trung tá Lê Đình Hải phải lấy máy ảnh khỏi giá đỡ thì mới lấy được chính diện. Tại máy chủ nhập dữ liệu, Thiếu tá Mai Thị Thanh Hằng liên tục “lên tiếng”: “L.V.A. cho tay xuống nào. Lại nhé. Không được rồi, chưa nhìn thẳng. Cháu nhìn nhé. Lại không được rồi, cứ nhìn đi nơi khác thôi. Nhìn thẳng nhé L.V.A. Vẫn chưa xong rồi... Tiếp tục nhé. Nào, rồi, đẹp rồi...”.
Xong phần chụp khuôn mặt, đến phần quét mống mắt, rất may, L.V.A. cũng vượt qua. Tuy nhiên, thu nhận vân tay, cháu không thành công. Thượng úy Lê Tất Thành cho biết: “Lấy vân tay với người khuyết tật là khó nhất. Nhiều người không lấy được. Trường hợp L.V.A., cháu luôn nắm tay lại nên không thể thu nhận đủ 10 vân tay mà phải sau 3 lần lăn tay mới thu nhận được vân tay của 2 ngón trỏ và 2 ngón cái”.
Cùng với L.V.A. là N.V.H., cũng là đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi. Đây là 2 trường hợp thu nhận thông tin sinh trắc học khó hơn so với những người còn lại.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ thì 14 đối tượng của TTBTXH số 2 cũng thực hiện xong việc thu nhận thông tin sinh trắc học, như chia sẻ của Thiếu tá Mai Thị Thanh Hằng: “Cơ bản là ổn. Khó cũng có khó nhưng vẫn còn dễ so với một số trường hợp chúng tôi đã gặp, rất nan giải”.
Những trường hợp như Thiếu tá Mai Thị Thanh Hằng nói là những đối tượng tâm thần. Họ không kiểm soát được hành vi nên gây cản trở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để ứng phó tình thế, tổ công tác phải nghĩ nhiều cách để “cảm hóa” đối tượng. Trước đó, mặc dù có nắm được thông tin về đối tượng nhưng thực tế khi có mặt ở nhà đối tượng, hoàn cảnh, hành vi quá sức tưởng tượng đối với cán bộ, chiến sĩ. Thiếu tá Mai Thị Thanh Hằng kể lại: “Như vào năm 2023, chúng tôi làm căn cước công dân cho một đối tượng bị tâm thần. Người này bị nhốt vào lồng sắt, không mặc quần áo. Gia đình có thiết kế 1 vòi nước cạnh đó và 1 lỗ hổng để đút cơm. Rất khó chụp ảnh vì đối tượng này luôn trong tình trạng đập phá, chửi bới, vò đầu, bứt tai, lại gần là có gì ném đấy... Chúng tôi bằng cách bấm máy liên tục, phải hơn trăm cái ảnh, vì hy vọng ở trong một khoảnh khắc nào đấy, đối tượng ngẩng mặt lên sẽ xác định được khuôn mặt... Rồi mọi người trong tổ diễn trò để đối tượng tập trung chụp ảnh cho dễ. Nói về kinh nghiệm với những đối tượng này, chúng tôi không có nhiều. Chỉ biết rằng, tình huống đến đâu xử lý đến đó, không có bài bản nào để áp dụng. Cứ cố gắng cũng thành công, cũng làm được hết”.
Những tình huống “khó đỡ” của đối tượng cần sự kiên trì, linh hoạt của cả một ekip. Mỗi đối tượng là một câu chuyện, là một kỷ niệm, đặc biệt với những đối tượng tâm thần hay khuyết tật đặc biệt nặng. Chia sẻ của Đại úy Nguyễn Bá Trung, cán bộ Công an huyện Quảng Xương khi về nhà dân làm căn cước công dân. “Có nhiều hoàn cảnh rất éo le”. Đại úy Nguyễn Bá Trung nói. “Có những đối tượng nằm liệt một chỗ buộc tổ công tác không thể làm cách nào hơn là cứ cho đối tượng nằm như thế để chụp ảnh. Trước khi chụp, có lót cái phông ảnh ở dưới gối, xác định xấu cũng phải chụp miễn lấy được khuôn mặt của họ...”.
2. Thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ về thu thập thông tin nhận dạng và sinh trắc học để làm căn cước cho đối tượng yếu thế nói riêng, đồng nghĩa với việc các cán bộ, chiến sĩ đã phải đối diện với con người - hoàn cảnh - hành vi. Tuy nhiên, đối với cán bộ, nhân viên tại TTBTXH tỉnh (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương) thì việc tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần mãn tính lại thuộc về công việc hàng ngày. Vậy nên, khi cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quảng Xương về thu thập thông tin để làm căn cước công dân/căn cước cho các đối tượng này, cũng đã xảy ra nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”. Đã từng có bệnh nhân phải lấy cáng đưa xuống hội trường của trung tâm để thu nhận thông tin, gần đến nơi thì trượt xuống, chạy về khoa. Còn nhớ N.T.D., bệnh nhân ở khoa nữ có thể đứng cả ngày trong phòng, vừa hát vừa nói chuyện một mình. 1 năm về trước, khi tổ công tác đến làm căn cước công dân, Trưởng khoa nữ Lê Thị Hà xuống phòng thông báo, N.T.D. cũng gật đầu như rất hiểu chuyện. Trưởng khoa Lê Thị Hà giúp D. thay quần áo. Nhưng lạ, D. nhất định không cho tay vào ống áo mà để thõng 2 tay áo. Đang ngồi ở ghế để chuẩn bị chụp ảnh, D. đứng phắt dậy, cúi đầu chào mọi người rồi ngửa mặt lên trần nhà cười sằng sặc. Trưởng khoa nữ Lê Thị Hà đứng đằng sau, nhẹ nhàng nói: “Ngồi xuống để chụp ảnh xinh đi khoe với mọi người nhé. D. phải ngoan, nghe lời, tí về phòng mình cười tiếp, đứng tiếp!”.
“Hiểu, nắm bắt hành vi để tạo tâm lý tốt cho bệnh nhân nhưng thực tế chúng tôi vẫn thường trực nhiều nỗi lo nên khi công an về làm căn cước công dân/căn cước, hầu hết cán bộ, nhân viên đều có mặt để hỗ trợ cũng như ngăn chặn kịp thời hành vi không kiểm soát của các đối tượng...”, Trưởng phòng y vụ kiêm Trưởng khoa nữ Lê Thị Hà, TTBTXH tỉnh cho biết.
Khó khăn nào rồi cũng phải vượt qua để đích cuối cùng là bảo đảm quyền lợi cho công dân. Những tình huống có thể “khó đỡ” nhưng khi biết chọn giải pháp để ứng xử tình thế với đối tượng yếu thế, đã là một kỳ tích.