Hành trình đổi chiều của điện ảnh nội địa: Từ bị 'chèn ép' đến được 'ưu ái'
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, câu chuyện về việc phân bổ suất chiếu giữa phim Việt Nam và phim nước ngoài tại các cụm rạp chiếu phim, đặc biệt là hệ thống lớn nhất cả nước là CGV, đã trở thành chủ đề gây tranh cãi lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Từng bị cho là yếu thế, lép vế hoàn toàn so với các bom tấn Hollywood, phim Việt giờ đây lại đứng trước một nghịch lý mới: bị tố “được ưu ái” đến mức khiến phim ngoại mất đất sống tại rạp.
Vào khoảng giai đoạn 2015–2018, nhiều nhà sản xuất và đạo diễn Việt Nam liên tục lên tiếng về nỗi đau của những người làm phim Việt khi phim bị lép vế hoàn toàn tại các hệ thống rạp lớn, đặc biệt là CGV, nơi nắm giữ trên 40% thị phần phòng vé.
Một trong những vụ việc gây chấn động thời điểm đó là bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) do Ngô Thanh Vân sản xuất và đạo diễn. Bộ phim đã không được chiếu ở hệ thống CGV do nhà sản xuất và nhà phát không đạt được thỏa thuận về tỉ lệ ăn chia doanh thu. Ngô Thanh Vân đã bật khóc ngay trong buổi họp báo, và chia sẻ đầy cảm xúc: “Tôi đã dồn hết tâm huyết và tài sản cho bộ phim này. Nhưng cuối cùng, đứa con tinh thần lại không được đến với khán giả cả nước chỉ vì một cuộc thương lượng không thành công.”
Nhớ lại thời điểm đó, một đạo diễn có tên tuổi kể, có những thời điểm, phim Việt ra rạp nhưng không có giờ đẹp, suất chiếu bị đẩy về sáng sớm hoặc đêm khuya, trong khi phim nước ngoài lại tràn ngập giờ vàng.
Năm 2018 đã có rất nhiều vụ tranh cãi giữa nhà làm phim Việt và nhà phát hành, hệ thống rạp chiếu, đỉnh điểm là Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt đã ra các thông cáo báo chí và báo cáo gửi Bộ Tài chính cho biết ngành điện ảnh Việt Nam đang gặp khó khăn lớn bởi sự chiếm lĩnh, chèn ép từ các doanh nghiệp nước ngoài. Hội Điện ảnh Việt Nam đã thống kê, năm 2017, có 80% suất chiếu trong khung giờ vàng thuộc về phim ngoại, dù thị phần phim Việt đã bắt đầu tăng trưởng. Nhiều phim buộc phải rời rạp sớm vì lượng suất chiếu quá ít, không đủ thời gian để tạo hiệu ứng truyền miệng, truyền thông.
Bước ngoặt bắt đầu từ những phim như Hai Phượng (2019), Bố già (2021) và đặc biệt là Nhà bà Nữ (2023) – bộ phim đạt 428 tỉ đồng doanh thu nội địa, kỷ lục chưa từng có vào thời gian đó. Những thành công này không chỉ chứng minh năng lực sản xuất mà còn cho thấy khán giả sẵn sàng chi tiền cho phim Việt nếu nội dung đủ tốt.
Từ đó, chính sách phân bổ suất chiếu dần thay đổi. CGV và các hệ thống rạp bắt đầu dành ưu tiên nhiều hơn cho phim Việt – không chỉ vì “tình cảm dân tộc” mà bởi yếu tố thương mại thực tế: phim Việt hút khách mạnh vào dịp lễ tết và cuối tuần.
Điển hình là dịp lễ 30.4 và 1.5, cả Lật mặt 8 của Lý Hải và Thám tử Kiên của Victor Vũ đều có doanh thu trên 150 tỷ sau hơn 1 tuần công chiếu, trong khi đại diện cho Marvel của Hollywood là Thunderbolts: Biệt đội sấm sét chỉ tròm trèm 20 tỷ.
Trên các diễn đàn mạng dành cho người yêu điện ảnh, fan của Marvel đã bức xúc khi lên tiếng rằng phim ngoại được xếp quá ít suất và toàn giờ xấu như sáng sớm hoặc tối muộn.

Nhiều người cho rằng phim ngoại đang bị ép suất chiếu tại thị trường rạp chiếu Việt.
Một số người còn cho rằng hiện nay rạp phim đang chuyển từ “ghẻ lạnh” sang “cưng chiều” phim Việt. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, thị trường điện ảnh Việt đã thay đổi, khán giả không còn định kiến "phim Việt là dở". Các đạo diễn như Trấn Thành, Victor Vũ, Lý Hải… và rất nhiều đạo diễn khác đã đầu tư mạnh về nội dung, kỹ thuật, hậu kỳ, tạo ra sản phẩm chất lượng tiệm cận phim ngoại. Theo báo cáo của Box Office Vietnam năm 2024, 5/10 phim doanh thu cao nhất năm là phim Việt, một con số chưa từng có tiền lệ. Hơn nữa, nhà phát hành sẽ ưu tiên những phim có khả năng thu hồi vốn cao nhất.
Cuộc hành trình của phim Việt – từ chỗ bị “chèn ép” đến khi được “ưu ái” – là một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của điện ảnh nội địa. Tuy nhiên, thành công không nên dẫn đến độc quyền hay thiếu công bằng. Điện ảnh Việt cần sự cạnh tranh lành mạnh, dựa trên chất lượng và nhu cầu khán giả, chứ không phải cảm tính hay xu hướng ngắn hạn.
Ở một góc độ khác khiến nhiều nhà làm phim quan tâm đó là các cụm rạp lớn hiện nay như CGV, Galaxy không chỉ là đơn vị thuần phát hành phim mà còn tham gia đầu tư sản xuất nhiều phim Việt.
Ví dụ như Lật mặt có sự đầu tư của CGV, Thám tử Kiên có sự đầu tư của Galaxy. Như vậy, khi các rạp tự phân bổ suất chiếu cho các phim do mình tham gia đầu tư sẽ đặt ra một câu hỏi lớn về tính công bằng đối với các phim từ các nhà đầu tư khác hoặc phim nước ngoài.

Lật mặt 8 tạo dư luận trong suốt tuần qua khi nhiều người cho rằng nhà phát hành đã ưu ái nhiều suất chiếu cho phim ngay tuần đầu ra mắt, so với Thám tử Kiên và Thunderbolts.
Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định rõ ràng để quản lý việc đơn vị sở hữu rạp vừa đầu tư, vừa phát hành – điều này tạo nên lợi thế không công bằng cho các nhà làm phim độc lập hoặc công ty nhỏ. Khi các hệ thống lớn như CGV vừa là đơn vị phân phối, vừa đầu tư, thì sự khách quan trọng phân bổ suất chiếu liệu có đảm bảo? Ở một đất nước có nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam, các giải pháp để thị trường công bằng hơn cần được nghiên cứu nghiêm túc và được quản lý bởi luật pháp.
Một số các đề xuất có thể tính đến như: nhà nước có thể yêu cầu các rạp công khai tỷ lệ phim nội/ ngoại, phim đầu tư/ phim phát hành; thiết lập các hội đồng độc lập kiểm tra việc phân phối suất chiếu, nhất là trong các dịp lễ. Nhà nước cũng cần dành sự đầu tư bền vững để phát triển các rạp chiếu độc lập, rạp chiếu nghệ thuật để hỗ trợ các nhà làm phim độc lập, phim nghệ thuật, các nhà làm phim trẻ để tạo sự đa dạng cho nội dung và khuyến khích một nền điện ảnh phát triển bền vững...