Hành trình gần 6 tháng cứu sống bé sinh non nặng 1,3kg
Khi chào đời ở tuần 29, bé chỉ nặng 1,3kg và bị nhiều bệnh lý khác, trong đó nặng nhất là viêm ruột hoại tử sơ sinh. Tuy nhiên, sau gần 6 tháng, bệnh nhi đã được nuôi sống, sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh (BV Sản nhi Nghệ An), bé N.T.Q.H. (trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) chào đời non yếu ở tuần thai thứ 29 và chỉ nặng 1,3kg. Ngay sau khi bé chào đời, các y bác sĩ đã dốc sức chăm sóc, nuôi dưỡng điều trị hàng loạt bệnh lý khác. Đến nay, sau gần nửa năm đằng đẵng điều trị, sức khỏe của bé đã ổn định, cân nặng đạt 3,5kg và được xuất viện về nhà cùng gia đình.
Theo hồ sơ bệnh án, khi mang thai ở tuần thứ 29, chị H. (mẹ bé N.T.Q.H.) bị đau bụng dữ dội kèm ra huyết âm đạo, vỡ ối nên đã đến BV Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, sau khi được thăm khám và siêu âm, các bác sĩ liền chỉ định mổ lấy thai cấp cứu, bởi nếu để muộn hơn sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Do sinh non không đủ tháng nên sau khi sinh, bé N.T.Q.H. được đưa ngay lên khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh để nuôi dưỡng. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, suy hô hấp nặng. Bé không tự thở được, phải thở máy, đặt ống nội khí quản, bơm surfactant điều trị màng trong. Từ đây, bệnh nhi cách ly mẹ và được chăm sóc hoàn toàn bởi các y bác sĩ của khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh.
Sau 2 ngày điều trị với thể trạng sơ sinh non yếu, kèm nhiều bệnh lý, trẻ lại càng nguy kịch khi xuất hiện thêm tình trạng bụng chướng, dịch dạ dày màu xanh, đi ngoài phân máu, viêm ruột hoại tử. Các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhi bị thủng ruột và phải tiến hành phẫu thuật gỡ dính ruột, làm hậu môn nhân tạo.
Cũng theo bác sĩ Thi, viêm ruột hoại tử sơ sinh diễn biến nhanh và để lại hậu quả nặng nề. Nếu không phát hiện sớm và kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, để nối được ruột cho trẻ đòi hỏi cân nặng của trẻ phải đủ 2kg. Trong khi đó, quá trình điều trị và chăm sóc cho bệnh nhi rất khó khăn, trẻ sinh non cơ thể đã yếu ớt, mắc nhiều bệnh lý, phải điều trị thuốc kháng sinh nhiều. Đặc biệt, trẻ lại bị viêm màng não mủ, phải chọc dịch não tủy nhiều lần, ruột bị hoại tử, phải làm hậu môn nhân tạo khiến việc hấp thu dinh dưỡng của trẻ rất kém. Vì thế, việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ vô cùng vất vả, cơ thể trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng, tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch.
Sau 2,5 tháng, với sự chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình, phác đồ điều trị thích hợp của các bác sĩ, tình trạng bệnh nhi N.T.Q.H. đã ổn định hơn, trẻ tự thở được và có thể bú mẹ hoàn toàn, cân nặng đạt 2,5kg. Bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa để nuôi dưỡng và phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo.
Tuy nhiên, trên nền em bé suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, suy giảm miễn dịch, nên sau ca phẫu thuật đóng hậu môn, trẻ lại một lần nữa diễn biến xấu, bị viêm phổi nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ tiếp tục được chăm sóc, theo dõi liên tục và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa hơn 3 tháng.
Quãng thời gian gần 6 tháng trời dài đằng đẵng là cuộc chiến trường kỳ mà các y, bác sỹ giành giật sự sống cho em bé từ tay tử thần. Hiện tại, sức khỏe bé N.T.Q.H. đã ổn định, hô hấp bình thường, cân nặng đạt 3,5 kg, được xuất viện về nhà.