Hành trình 'giải cứu' 120 bệnh nhân nhiễm COVID-19 về nước an toàn
Sau khi phi hành đoàn, bác sĩ, công nhân âm tính và 120 bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở II, TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, trưởng Đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận nhiệm vụ đi 'giải cứu' đã có những chia sẻ đầu tiên.
15h10 ngày 29/7, chuyến bay VN 5022 của Vietnam Airlines chở phi hành đoàn và 4 bác sĩ, điều dưỡng cùng 219 công nhân (trong đó có 120 bệnh nhân dương tính với COVID-19) từ Guinea Xích đạo đã đáp xuống Sân bay Nội Bài.
Tới 16h45 phút, những hành khách đầu tiên đã được đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Toàn bộ tổ bay, hành khách âm tính, nhân viên y tế sẽ cách ly tại BV 14 ngày.
Ngay khi xuống Sân bay Nội bài, TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, trưởng Đoàn công tác của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận nhiệm vụ đi “giải cứu” 120 bệnh nhân đã có những chia sẻ đầu tiên trên trang cá nhân: Đoàn đã về tới nơi an toàn, bệnh nhân và phi hành đoàn đều ổn định.
16h45 ngày 29/7, đoàn xe đầu tiên chở người âm tính về tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các hành khách được đưa tới khu vực cách ly. Đoàn xe chở bệnh nhân dương tính tới sau, các bệnh nhân vào từ sảnh của Khoa Cấp cứu, sau đó được phân luồng đi tới khu vực điều trị đã được lên kế hoạch trước.
Các bệnh nhân được bác sĩ và nhân viên y tế tiếp đón, hướng dẫn, sắp xếp vào 3 khoa gồm: Virus – Ký sinh trùng, Nội tổng hợp, Nhiễm khuẩn tổng hợp. Mỗi khoa ở một tầng và tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, Bệnh viện đã có kế hoạch và xây dựng kịch bản chi tiết từng bước, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị đi kèm, thuốc cấp cứu, tính toán cho từng tình huống có thể xảy ra trong suốt quá trình bay, kể cả tình huống xấu nhất.
Theo chia sẻ của TS.BS Thân Mạnh Hùng trước giờ lên đường nhận nhiệm vụ thì đây là thách thức rất lớn vì là chuyến bay đầu tiên giải cứu bệnh nhân dương tính, nên nguy cơ lây nhiễm cho phi hành đoàn và nhân viên y tế rất cao.
Trong không gian máy bay nhỏ hẹp, số người dương tính lớn (hơn 50%), nồng độ đậm đặc của virus rất cao. Thời gian bay về tương đối dài, nên nguy cơ lây nhiễm cho tổ bay và nhân viên y tế cũng như công nhân âm tính là rất lớn.
Tạm nghỉ ngơi vài tiếng sau chuyến bay dài hơn 30 tiếng, tối nay 29/7, TS.BS Thân Mạnh Hùng đã chia sẻ, sau 12 tiếng bay tới Guinea Xích đạo, do sân bay không có sẵn xăng, nên phải chờ 6 tiếng để chở xăng từ nơi khác đến.
“Trong quá trình bay về 13 tiếng có 15-16 bệnh nhân có biểu hiện sốt, chúng tôi cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt, uống nước”, BS Thân Mạnh Hùng kể lại.
Theo BS Hùng, trên chuyến bay có 5-6 bệnh nhân có biểu hiện khó thở, tuy nhiên không phải thở máy và đặt ống nội khí quản. Bệnh nhân khó thở có thể do áp suất từ mặt đất lên cao, hơn nữa người bệnh nhân đeo khẩu trang liên tục trong máy bay có cảm giác khó thở. Bác sĩ xử trí khí CO2 nên ổn định.
“Quá trình bay diễn ra đúng như kịch bản. Trước khi bay chúng tôi đã họp với nhau, quá trình bay rất đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Rất may không có tình huống nào dự kiến xấu hơn, chuyến bay về cơ bản an toàn”, Phó trưởng Khoa Cấp cứu nói.
Theo chia sẻ của anh, các bác sĩ, điều dưỡng hơi mệt vì bay đường dài. Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh xuống Hà Nội, ai cũng thấy như trút được gánh nặng, bởi trước khi đi trách nhiệm của mình là rất lớn, phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân dương tính lơn, có thể bệnh nhân gặp trở ngại trong quá trình bay nên càng áp lực.
Ngay khi xuống sân bay, TS.BS Thân Mạnh Hùng gọi điện về cho lãnh đạo BV để báo cáo tình hình, sau đó gọi về nhà cho mẹ và vợ.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, giường, phòng bệnh cho 120 bệnh nhân trở về. Từ 24/7, bệnh viện đã giải tỏa toàn bộ hơn 200 bệnh nhân đang điều trị và cấp cứu tại cơ sở Đông Anh sang các bệnh viện khác để dành chỗ cho các bệnh nhân dương tính trở về.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương TS Phạm Ngọc Thạch, trong thời điểm hiện nay, khi dịch chưa căng thẳng, bệnh viện có thể tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân. Vào lúc dịch căng thẳng, có thể đáp ứng 1.000 giường bệnh. Đội ngũ bác sĩ, nhân viên bệnh viện tham gia vào cuộc chiến lần này khoảng 250 người.