Hành trình gian nan

Vòng đàm phán thứ 8 về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào ngày 7-9 tới tại London. Dù chỉ còn vài tháng nữa, giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit sẽ kết thúc nhưng hai bên hiện vẫn chưa thu hẹp được bất đồng để đi đến một thỏa thuận thương mại.

Anh và EU lên kế hoạch tổ chức vòng đàm phán thứ 8 sau khi vòng đàm phán thứ 7 tại Brussels (Bỉ) gần đây kết thúc mà không ghi nhận bất cứ bước đột phá nào về mối quan hệ của hai bên trong tương lai. Theo Reuters, ông David Frost, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh cho rằng, việc EU kiên quyết đòi London đáp ứng yêu cầu về các chính sách trợ cấp nhà nước và quyền đánh cá trước khi thảo luận về các lĩnh vực khác đã phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông David Frost khẳng định, London vẫn giữ mục tiêu đạt được thỏa thuận với EU dù cho đây không phải là điều dễ dàng. Về phần mình, khi nói về vấn đề đàm phán với Anh, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã phải thốt lên: “Tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại lãng phí thời gian quý báu. Dường như chúng tôi đang lùi nhiều hơn là tiến lên”. Ông Michel Barnier cũng cảnh báo, khó có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Anh sau khi London đổ lỗi cho EU khiến các cuộc đàm phán hậu Brexit “khó khăn một cách không cần thiết”.

 Brexit không thỏa thuận có thể khiến giá cả hàng hóa leo thang tại Anh. Trong ảnh: Một người phụ nữ đi mua hàng tại siêu thị ở London (Anh). Ảnh: Reuters.

Brexit không thỏa thuận có thể khiến giá cả hàng hóa leo thang tại Anh. Trong ảnh: Một người phụ nữ đi mua hàng tại siêu thị ở London (Anh). Ảnh: Reuters.

Sau 47 năm là thành viên của EU, Anh đã chính thức rời “mái nhà chung” châu Âu vào ngày 31-1 năm nay. Dù vậy, London vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của EU và có quyền tiếp cận thị trường chung của khối trong giai đoạn chuyển tiếp. Ở giai đoạn này, cả hai bên tiến hành đàm phán về những điều khoản liên quan đến mối quan hệ trong tương lai.

Kể từ khi bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 3 năm nay, các quan chức của EU và Anh đã có nhiều nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận thương mại trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31-12 tới. Dù trên thực tế, thời gian chuyển tiếp có thể được kéo dài thêm từ 1 đến 2 năm trong trường hợp Anh có đề xuất trước ngày 1-7. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Anh cho biết đã chính thức thông báo với EU rằng sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp. Bởi vì, kéo dài giai đoạn này đồng nghĩa với việc London tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho EU.

Cho đến nay, vẫn còn tồn tại bất đồng giữa Anh và EU về một số vấn đề then chốt, trong đó bao gồm quyền đánh bắt cá và các quy định về cạnh tranh. Anh và EU có thể khép lại giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit suôn sẻ hay không phần nhiều phụ thuộc vào vòng đàm phán thứ 8 vào tháng 9 tới đây. Khác với những lần trước đó, vòng đàm phán này sẽ mang tính chất quyết định và chịu nhiều sức ép về thời gian. Bởi lẽ, hai bên cần phải đưa ra thỏa thuận vào cuối tháng 10 để kịp phê chuẩn trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021.

Quan điểm cứng rắn của hai bên đang tạo thách thức cho tiến trình đàm phán Anh-EU. Về phía EU, khối này mong muốn bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Anh cũng đều phải gắn với việc duy trì các tiêu chuẩn chung của EU trong nhiều lĩnh vực, bảo đảm một sân chơi bình đẳng. Ở chiều ngược lại, Anh không chấp nhận điều đó vì London chọn lựa rời khỏi EU để không bị tiếp tục trói buộc bởi các quy định của khối này. Nếu không đạt thỏa thuận, mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU hậu Brexit sẽ được định hình dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với các biểu thuế cao hơn và thủ tục phức tạp hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại, đầu tư và giao lưu của người dân hai phía. Các quan chức ngành thực phẩm Anh cảnh báo, người tiêu dùng ở nước này đang đối mặt với nguy cơ giá cả hàng hóa leo thang trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lĩnh vực thương mại và thị trường việc làm của Anh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu nước này không thể đạt được thỏa thuận thương mại với EU.

Rõ ràng, cả Anh và EU đều muốn tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận thương mại trong bối cảnh “lục địa già” chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Với quỹ thời gian ít ỏi, điều quan trọng hiện nay là Anh và EU cần nhượng bộ lẫn nhau trên bàn đàm phán để thu hẹp những khác biệt, đạt được kết quả có lợi cho cả đôi bên.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hanh-trinh-gian-nan-632654