Hành trình gian nan 'cõng chữ' lên Đèo Ải
Hành trình 'gieo' con chữ ở Đèo Ải- vùng xa nhất, khó đi nhất của xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi gian nan hơn những nơi khác. Không chỉ là trách nhiệm, giáo viên ở đây còn rất tận tâm, yêu nghề thương trẻ, vượt qua nhiều khó khăn để đến được với học sinh.
Hành trình gian nan
Bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ báo hiệu cho những ngày mưa lớn kéo dài. Xốc lại túi gạo rồi buộc chặt vào xe máy, cô Phạm Thị Thơm bắt đầu hành trình từ xã Ba Chùa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để đến với lớp học ở tổ Đèo Ải.
Đèo Ải là một trong 5 tổ của thôn Nước Đang, cũng là vùng xa xôi nghèo khó nhất của xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Để đến được đây, cô Thơm phải vượt quãng đường khoảng 40km, trong đó có nhiều chặng là đồi núi, dốc đứng hoặc suối sâu rất khó đi.
Dù đã hẹn trước, nhưng vì không quen đường rừng và “chùn chân” trước nhiều lời khuyên của người bản địa, đoàn chúng tôi đành phải ngược hướng quay về phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ, dùng ghe băng hồ chứa nước Liệt Sơn để đến Đèo Ải.
46 tuổi và có 26 năm dạy học ở các xã vùng cao huyện Ba Tơ, cô Phạm Thị Thơm gắn bó lâu nhất với xã Ba Trang và đã đi khắp các điểm trường lẻ như Cây Muối, Gò Đen, Bùi Hui…
Theo quy định, cô Thơm sẽ được luân phiên về điểm chính, thuận lợi hơn, nhưng ngược lại, cô giáo người đồng bào H’re này lại xung phong gắn bó với điểm Đèo Ải tận 4 năm. Ngần ấy thời gian, đủ để cô tường tận những con đường mòn, lối tắt băng rừng, vượt suối đi đến trường và thân quen từng căn nhà sàn trong tổ.
"Đến Đèo Ải có 2 hướng, nếu từ trung tâm xã Ba Trang đi tiếp thì tầm 17km đường núi, hoặc phải vượt chặng đường hơn 40km, dùng ghe đi qua hồ Liệt Sơn. Mới mưa ít nên đường còn đi được, vài bữa mưa nhiều, sạt lở là chịu, nước suối dâng cao, bao vây khắp nơi", cô Thơm cho biết.
Ở Đèo Ải, lớp học do cô đảm nhiệm chỉ có vỏn vẹn 9 học sinh, gồm cả lớp 1 và lớp 2. Những học sinh từ lớp 3 trở lên đều được chuyển ra trung tâm xã để học ở điểm chính.
"Nơi này heo hút, không điện, không sóng điện thoại, chỉ có thể dạy học thủ công, mô phỏng. Các em không được học mẫu giáo nên thời gian đứng lớp phải dành nhiều hơn để dạy đọc, viết, làm toán. Những môn còn lại cũng phải sắp xếp truyền đạt cho các em để ra điểm chính còn theo kịp chương trình. Mừng là các em đi học rất đầy đủ và chăm chỉ", cô Thơm trải lòng.
Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ dạy, chỉ mong sao có đủ sức khỏe để bám lớp bám trường, các em đi học đầy đủ là vui rồi. Nơi này điều kiện quá khó khăn, học sinh đã chịu nhiều thua thiệt so với các nơi khác. Chỉ có học mới có thể giúp các em có tương lai tươi sáng hơn”, cô Phạm Thị Thơm trải lòng.
Dù rất ít học sinh, nhưng cô Thơm vẫn phải chia đôi bảng đen và phân nhóm để giảng dạy. Lớp 1 học Tiếng Việt thì lớp 2 học Toán, giao bài cho lớp 1 thì chuyển sang dạy cho lớp 2. Cứ thế, trong lớp học nhỏ nơi xóm núi, tiếng cô vang lên trước, tiếng trẻ con ê a đọc theo nhịp nhàng vang sau.
Nhà xa, đường đi khó khăn nên vào mùa nắng, dăm bữa cô Thơm mới về nhà. Còn mùa mưa, khi nước suối dâng cao, chặn hết các ngả đường, cô Thơm phải ở lại trường nhiều ngày hơn. "Mỗi lần xuống Đèo Ải là mang theo gạo, tới đây rồi kiếm thức ăn từ hái rau rừng, giăng lưới bắt cá hoặc nhặt ốc ven suối. Bà con thương nên cũng giúp đỡ, chia sẻ nhiều", cô Thơm nói.
Nơi ở của cô Thơm tại Đèo Ải là căn phòng ở ngay bên cạnh lớp học với những vật dụng chính gồm chiếc ghế bố xập xệ, ít chén đĩa cùng vài cái nồi.
Mùa mưa, những cây củi khô ám hơi nước nên chậm bắt lửa. Cô Thơm khom người thổi, khói bếp xộc lên mũi cay xè. Bữa trưa được dọn ra, thức ăn đi kèm là bát canh rau rừng và đĩa cá khô kho. “Năm ngoái có 2 em ở tổ Đồng Lớn cũng học ở đây, nhà xa trưa phải ở lại, cô nấu cơm cho trò ăn cùng", cô chia sẻ.
Ngoài giờ đứng lớp, những lúc rảnh rỗi, cô Thơm lại mở điện thoại ra, không phải đọc báo, xem phim hay dùng mạng xã hội, mà là nhìn hình con, cháu cho đỡ nhớ.
“Mùa nắng thì dùng điện từ pin mặt trời, buổi tối sáng được vài tiếng. Còn mùa mưa đành chịu, hôm nào có chút nắng thì cũng đủ để thắp sáng dăm phút. Trong xóm không dùng được điện thoại, vào đây là đứt hết liên lạc. Có việc gì cần thông báo cho phụ huynh thì phải đến tận nhà. Nhiều khi muốn gọi điện thoại phải chạy tít lên núi ở bên kia, mà sóng cũng chập chờn lúc có lúc không”, cô Thơm chỉ tay về phía ngọn núi xa xa.
Thầy Nguyễn Minh Hải - Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Trang cho biết: trường có 442 học sinh, trong đó có 133 học sinh Tiểu học và THCS ở nội trú vì nhà xa, điều kiện đi lại khó khăn. Ngoài điểm chính tại trung tâm xã, trường có 6 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn. Đây phần lớn là những nơi điều kiện sống còn rất khó khăn, giao thông cách trở. “Mang được con chữ đến những vùng sâu, vùng xa rất vất vả. Nếu giáo viên không chịu khó chịu khổ, yêu nghề mến trẻ thì việc nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng này rất khó khăn. Cô Thơm là người đồng bào, hiểu biết về tiếng nói, phong tục tập quán và nhiệt tình với nghề, đã góp sức đưa con chữ về với Đèo Ải. Không phải ai cũng chịu được vất vả, điều kiện sống khó khăn như cô Thơm, vì cũng đã có người vừa về được vài hôm, không chịu nổi cảnh đường xa vất vả mà bỏ cuộc”, thầy Hải chia sẻ.
Muốn được ăn học như những nơi khác
Xóm nhỏ heo hút ở nên sôi động hơn mọi ngày vì có đoàn khách đến thăm. Bữa cơm ấm cúng được bày ra, câu chuyện về việc "gieo" con chữ ở nơi còn nhiều khó khăn râm ran giữa cơn mưa rừng xối xả.
"Tổ Đèo Ải có hơn 20 hộ dân là người đồng bào H're, đại đa số là nghèo và cận nghèo. Cô Thơm gắn bó ở đây lâu rồi, nhờ sự nhiệt tình của cô mà bọn trẻ biết được con chữ, phép tính. Xóm này khó khăn nên bà con và mấy đứa nhỏ thiệt thòi nhiều lắm", anh Phạm Văn Huê, người dân ở tổ Đèo Ải chia sẻ.
Anh Huê cũng có 2 con, đứa lớp 3, đứa lớp 8 đang theo học ở điểm chính ở trung tâm xã. Đầu tuần anh chở con băng rừng đến lớp, cuối tuần đưa về. "Đường dốc đá ghê lắm, chở rớt con có khi không biết, còn ngã trầy hết tay chân là thường. Đường này đàn ông đi còn sợ, nói chi phụ nữ", anh Huê vừa nói vừa "khoe" các vết trầy xước còn chưa kịp bong mày do trận té xe cách đây không lâu.
“Ai cũng muốn cho con cái được học thành tài như những địa phương khác, nhưng điều kiện khó khăn quá nên chủ yếu học đến hết lớp 9 rồi nghỉ. Hiếm hoi lắm mới có người học Đại học. Tôi cũng ráng cho con ăn học đến nơi đến chốn, con nhỏ mới lớp 3 mà phải xa cha mẹ ở lại nội trú, nghĩ thương lắm nhưng đành chấp nhận. Chỉ mong được Nhà nước quan tâm đến việc cho điện thắp sáng và làm đường đi sạch sẽ, an toàn cho bà con...”, anh Huê trầm tư.
Chia tay điểm trường Đèo Ải, chia tay cô Phạm Thị Thơm, thầy Nguyễn Minh Hải và các em học sinh, đoàn chúng tôi quay lại với hành trình băng núi, vượt hồ để về Thành phố. Trong niềm vui vì lũ trẻ đã có được những người thầy giáo, cô giáo tận tâm, yêu nghề, yêu thương chúng hết lòng, thì vẫn có những nỗi niềm nặng trĩu trong mỗi người chúng tôi: Bao giờ thì Đèo Ải có điện, có đường đi sạch sẽ an toàn, để việc "cõng" con chữ về đây bớt gian nan, vất vả...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanh-trinh-gian-nan-cong-chu-len-deo-ai.html