Hành trình gian nan đưa đồng đội hy sinh trở về: Tường thuật của những người trong cuộc
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh, từ khi nhận tin báo Thượng úy Trương Văn Thắng, CAX Hướng Việt (H. Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) hy sinh trong khi tham gia đoàn công tác của xã tìm kiếm những người dân mất tích trong mưa lũ, thực hiện chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn- Thứ trưởng Bộ CA bằng mọi giá phải đưa đồng đội về với gia đình, lãnh đạo CA tỉnh Quảng Trị và CAH Hướng Hóa đã nỗ lực tìm mọi phương án để đưa Thượng úy Thắng về quê nhà. Lời kể của những người trong các tổ công tác xẻ rừng, vượt suối đưa đồng đội về nhà thể hiện quyết tâm và tình cảm thiêng liêng đối với đồng đội thân yêu của lực lượng CA.
Từ thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ của H. Hướng Hóa lên đến xã Hướng Phùng (địa điểm vụ sạt lở của Đoàn kinh tế Quốc phòng 337) khoảng gần 30 cây số. Từ xã Hướng Phùng vào trung tâm xã Hướng Việt khoảng 20 cây số nữa. Vậy nhưng, để đi đến được Hướng Việt, nơi Thượng úy Thắng hy sinh không thể đi bằng đường mòn Hồ Chí Minh (bình thường với khoảng vài tiếng) vì không đảm bảo an toàn mà phải đi vòng qua nước bạn Lào, xẻ rừng, cắt suối, với rất nhiều đồi núi mà nguy cơ sạt lở rất cao và vô cùng nguy hiểm phải mất khoảng 10 giờ đồng hồ. "Chúng tôi đưa được Thắng trở về thực sự là một kỳ tích. Đã có lúc tưởng như không thể. Cũng đã có ý kiến nêu ra là nên ngồi chờ trời hết mưa, lũ ống hết quét, để có thể nhờ trực thăng cứu hộ, nhưng chúng tôi không đành lòng. Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã vào tới Quảng Trị, yêu cầu chúng tôi bằng mọi giá phải đưa được Thắng về. Và đồng đội của chúng tôi đã quyết tâm làm được", Đội trưởng đội An ninh CAH Hướng Hóa Phạm Quang Trung cho biết.
Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CAH Hướng Hóa Cao Sơn Hải thì bày tỏ sự biết ơn người dân hai bên biên giới đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ để các anh hoàn thành nhiệm vụ: "Tất cả đều tự nguyện đi đưa Thắng về. Từ Tà Rùng (Hướng Việt) phải vượt qua con suối lớn Tả Nghì nước chảy rất mạnh, đi tiếp sẽ đến các cụm bản của nước bạn Lào, với nhiều suối, đập tràn, cắt rừng mà đi. Qua mỗi chặng nghỉ chân chúng tôi kê võng khiêng đồng đội mình trên hai cái nạng gỗ và đứng giữ hai đầu. Đường đi vô cùng gian nan, nếu không được sự giúp đỡ tận tình của người dân thì chắc chúng tôi khó hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Tối 17-10, CA tỉnh Quảng Tri nhận tin báo có một cán bộ CAX Hướng Việt, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đi tìm dân bị mất tích, thì ngày hôm sau, 18-10, Thứ trưởng Bộ CA Nguyễn Văn Sơn đến Quảng Trị kiểm tra tình hình lũ lụt và công tác phòng, chống, cứu hộ cứu nạn của CA tỉnh. "Đêm 18-10, cả tôi và đồng chí Thứ trưởng đều không ngủ được. Bởi Hướng Việt bị cô lập hoàn toàn. Điện thắp sáng và mọi thông tin liên lạc đều bị cắt, đường đi bị sạt lở nghiêm trọng. Như vậy là con đường đưa đồng chí Trương Văn Thắng hy sinh về nhà tiên lượng sẽ rất khó khăn. Mọi giải pháp đều được đưa ra với mong muốn nhanh chóng đưa liệt sĩ trở về nhưng hầu như khó thực hiện", Đại tá Nguyễn Văn Thanh- Giám đốc CA tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Sáng 19-10, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã cùng đoàn công tác và Giám đốc CA tỉnh Quảng Trị đến làm việc trực tiếp với CAH Hướng Hóa. Tại đây, Thứ trưởng chỉ đạo bằng mọi cách phải đưa được liệt sĩ về nhà, càng nhanh càng tốt, không chờ đợi nữa! Vừa phải tìm mọi cách để đưa liệt sĩ về nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho CBCS và người dân. Đây là một mệnh lệnh đầy trách nhiệm và tâm huyết của Thứ trưởng đối với CBCS và nhân dân.
Ngay lập tức, một tổ công tác 10 người trong đó có 5 cán bộ và 5 người dân quen thuộc địa bàn xung phong vào Hướng Việt đưa Thượng úy Trương Văn Thắng về xuôi. Đoàn khởi hành từ Khe Sanh lúc 8 giờ sáng và vào đến Hướng Việt khoảng 18 giờ ngày 19-10. Tiếp cận địa bàn, tổ trực tiếp liên lạc với Đại tá Nguyễn Đức Cam- Phó giám đốc CA tỉnh báo cáo tình hình không thể đưa được liệt sĩ về bằng đường mòn Hồ Chí Minh và chờ tổ thứ hai lên bàn bạc tiếp. Tổ công tác thứ hai xuất phát lúc 15 giờ cùng ngày đến 23 giờ thì lên đến nơi nhưng cũng từ đó thông tin liên lạc gián đoạn nên không báo tin về "nhà" được, vì vậy hai tổ sáp nhập bàn phương án và bằng lòng can đảm với quyết tâm cao là sử dụng cáng khiêng thi thể đồng đội băng rừng trở về.
7 giờ 30 ngày 20-10, sau khi chuẩn bị đầy đủ phương tiện, đưa thi thể người đồng đội thân yêu lên cáng võng, con đường về nhà bắt đầu. Từ Hướng Việt đi qua trạm biên phòng Tà Rùng rồi vượt qua bản A Via và rất nhiều bản khác của nước bạn Lào là hành trình vô cùng cam go. Trên vai là chiếc cáng khiêng thi hài liệt sĩ, CBCS hai tổ công tác đổi phiên nhau trèo dốc cao, vượt cả con suối rất rộng và sâu, nước chảy xiết cuồn cuộn rồi xẻ cả cây rừng để đi. "Đến khoảng 11 giờ 30, chỉ khi về đến bản Xà Đù của nước bạn Lào thì phát hiện có sóng điện thoại. Cả đoàn mừng rỡ gọi về "nhà", Đội trưởng Phạm Quang Trung nhớ lại.
Ở nhà, ai cũng ruột nóng như lửa, bố trí tổ công tác thứ 3 ứng trực ở Hướng Phùng. Thông tin về "nhà" đầu tiên sau hơn một ngày mất liên lạc là đoàn đang trên đường đưa thi thể liệt sĩ về nhà. Ngay tức thì, tổ thứ 3 nhận lệnh tiếp ứng. Tổ thứ 3 xuất phát qua biên giới khoảng 5 cây số thì gặp đoàn đưa liệt sĩ trên đường về. Bên kia suối Chênh Vênh cuồn cuộn là các CBCS đang dò dây để vượt suối; bên này suối là các lãnh đạo CA tỉnh, BĐBP và nhiều đồng đội đón chờ. Hai sợi dây được nối từ bờ bên này sang bờ bên kia, dò theo dây, các CBCS cáng đồng đội trên vai bước đi trong con nước cào xé. 17 giờ 30, cuộc vượt suối Chênh Vênh thành công, cả đoàn về đến A Rồng, kết thúc chặng đường gần 20 cây số lẽ ra vô cùng đơn giản nếu không ở chốn đại ngàn suối sâu, đèo cao, rừng thiêng, nước độc.
Thượng tá Hồ Sỹ Nhung- Trưởng CAH Hướng Hóa không giấu nổi xúc động khi đón được thi thể người cán bộ cấp dưới của mình về đến nơi, "Về rồi, vậy là yên tâm rồi! Đường đi khó khăn, nguy cơ đồi núi sạt lở cao, mưa lớn, nên việc đưa liệt sĩ về và bảo đảm an toàn cho cả đoàn công tác như thế này là mừng lắm rồi!". Đại tá Lê Phương Nam- Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Trị đứng chờ mãi bên bờ suối Chênh Vênh cho đến khi đưa được liệt sĩ lên bờ. Nước mắt bây giờ mới trào ra.
Khoảng 18 giờ 30 ngày 20-10, thi hài Thượng úy Trương Văn Thắng được đưa lên xe y tế trở về quê nhà. Ở đó có người vợ trẻ và đứa con thơ cùng cha mẹ già đang chờ anh. Vậy là từ nay, Quốc lộ 9 sẽ mãi mãi không còn bóng dáng một cán bộ CA trên xe máy về thăm đứa con trai 15 tháng tuổi! Mãi mãi anh với tuổi 31 can đảm, chịu khó, chịu thương, đầy tình thương và trách nhiệm "vì nước quên thân, vì dân quên mình".