Hành trình gieo mầm xanh hi vọng của cô giáo dạy Văn: 'Từ tim mình hoa trái sẽ sinh sôi'

Cô Nguyễn Thị Thúy sinh năm 1987, đang là giáo viên dạy Văn tại trường THPT Chuyên Thái Bình. Tháng 06/2023, sau chuyến thăm nhà một học trò, cô đã thấy cần có một quỹ từ thiện để giúp đỡ những học sinh khó khăn trong tỉnh. Quỹ 'Ước mơ xanh' của cô ra đời từ đó. Tháng 6 vừa qua đánh dấu tròn 1 năm quỹ được thành lập.

Cô Nguyễn Thị Thúy là giáo viên dạy Văn tại trường THPT Chuyên Thái Bình.

Cô Nguyễn Thị Thúy là giáo viên dạy Văn tại trường THPT Chuyên Thái Bình.

Nhiều năm đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Thúy đã được chứng kiến biết bao câu chuyện đặc biệt của học trò. Trước những cảnh ngộ ấy, cô luôn cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ. Quyết định thành lập quỹ Ước mơ xanhcủa cô đến ngay sau khi cô chứng kiến sự việc không may của một em học sinh tại Vũ Thư. Cô nghĩ rằng, một quỹ từ thiện có tôn chỉ hoạt động, có quy tắc sẽ có sức lan tỏa và được mọi người biết đến. Có như thế, quỹ mới tiếp cận được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn.

Vun đắp ước mơ cho học trò nghèo

Với cô, việc thành lập quỹ không phải điều gì quá đắn đo hay trăn trở. Từ trước khi có quỹ, cô đã thường xuyên tìm đến và giúp đỡ những cảnh đời đặc biệt. Tên quỹ gửi gắm biết bao điều cô tâm niệm, “Ước mơ xanh – từ cái tên thôi cũng thắp lên rất nhiều hy vọng cho các bạn học trò thiệt thòi”, cô chia sẻ.

Cô Thúy trong chuyến trao quà tại xã Đông Hòa.

Cô Thúy trong chuyến trao quà tại xã Đông Hòa.

Quỹ Ước mơ xanh hoạt động bằng đóng góp của cá nhân cô Thúy. Dưới mỗi bài viết trên Facebook của cô về quỹ, cô đều viết “Quỹ không nhận tiền đóng góp của bất kì ai. Quỹ sẽ trợ giúp những học trò Thái Bình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.”

Nhớ về những ngày đi từ thiện, cô kể “Trong số những học trò mình tìm đến đến, bạn nào cũng có hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Chuyến đi nào cũng làm mình ám ảnh cả tháng trời. Mỗi trò là một cảnh ngộ, một câu chuyện đời bất hạnh.”

Có lẽ vì thương cảm sâu sắc những em nhỏ thiệt thòi như thế mà quỹ từ thiện của cô Thúy cũng có cách hoạt động đầy ý nghĩa. Thay vì chuyển khoản trực tiếp cho người giám hộ của các em, cô sẽ tìm đến nhà và trực tiếp trao quà cho các em. “Mỗi chuyến đi, mình hiểu hơn hoàn cảnh của học trò. Số tiền trao tặng các em là món quà về vật chất, hỗ trợ phần nhỏ chi phí sinh hoạt, học tập. Còn việc đến tận nơi, trò chuyện và động viên là món quà vật chất mình rất muốn dành cho học trò. Mình mong các em biết rằng các em không cô đơn, sẽ luôn có thật nhiều những cánh tay đưa về phía các em, trao cho các em hy vọng về hành trình phía trước.”

Cô Thúy trao quà cho học trò tại huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Cô Thúy trao quà cho học trò tại huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Hạnh phúc từ việc cho đi

Cô luôn ghi nhớ từng mảnh đời cô đã ghé thăm. Cô kể rất nhiều về những người cô đã gặp. Về học trò nhỏ ở Hưng Hà, mẹ bị điên, bạn ở với bà ngoại, bà ngoại đã lớn tuổi, nhưng vẫn làm thuê cuốc mướn để nuôi cháu nuôi con; về cô giáo đã từ chối xạ trị khi đang mang thai để con sinh ra được khỏe mạnh và rồi cô đã mất ngay khi con chào đời; về hai em nhỏ mồ côi cha mẹ, ở với người bác ruột cuộc sống rất khó khăn; về em bé bắt đầu tuổi đến trường đã bị cướp đi cánh tay phải sau một vụ tai nạn thảm khốc… “Đến thăm các con, mình cảm động lắm. Mình học được rất nhiều từ nghị lực sống của học trò, của ông bà, những người đang cưu mang các bạn”, cô tâm sự.

Cô luôn ở bên cạnh học trò, giúp các em vơi bớt nỗi buồn.

Cô luôn ở bên cạnh học trò, giúp các em vơi bớt nỗi buồn.

“Khi cho đi, lòng mình cảm giác rất nhẹ nhàng. Có thể là không nhiều nhặn, nhưng khi người ta khó khăn mà mình giúp đỡ được phần nào đó, mình cảm thấy rất hạnh phúc.” Với cô, niềm vui lớn nhất là khi gặp lại các em học sinh và biết được rằng các em vẫn đang cố gắng, vẫn đang phấn đấu và ngày càng giỏi giang hơn. "Có bạn đã đạt được học sinh Giỏi huyện và mơ ước vào trường Chuyên để gặp mình.” Đó chính là “hoa trái” đang “sinh sôi” từ việc làm ý nghĩa của cô, cô đã gieo cho học trò những ước mơ thật đẹp.

Cuộc sống của cô Thúy luôn bận rộn, từ việc dạy học cho đến việc nhà cửa, việc từ thiện. Nhưng với cô, cô chưa bao giờ cảm thấy nặng nề. "Công việc làm cho mình khỏe ra và mình thấy cuộc đời mình ý nghĩa nhiều hơn. Mình không coi đó là những việc mình phải làm, mà đó là việc mình nên làm, mình muốn làm”, cô chia sẻ.

Cô Thúy cùng các em nhỏ cô giúp đỡ trên chuyến hành trình thiện nguyện của mình.

Cô Thúy cùng các em nhỏ cô giúp đỡ trên chuyến hành trình thiện nguyện của mình.

Hành trình không đơn độc

Hành trình một năm vừa qua của cô Thúy không hề đơn độc. Hậu phương vững chắc nhất của cô chính là chồng cô – Chú Đặng Thành Khiêm. Với cô, chồng là người ủng hộ mọi quyết định của cô và là người bạn đồng hành với cô trong mọi chuyến đi thiện nguyện. Ngoài ra, cô cũng có những phụ huynh học sinh dõi theo, cho cô rất nhiều động lực về mặt tinh thần. Và hơn hết, trên hành trình trao đi đầy ý nghĩa của mình, cô đã nhận được rất nhiều năng lượng tích cực từ ý chí, nghị lực vươn lên của các em học trò cô giúp đỡ.

Nói về mong muốn trong tương lai, cô Thúy không mong gì hơn sẽ giúp đỡ, tìm đến được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh thiệt thòi. “Cuộc đời cho mình rất nhiều. Vậy nên mình thấy rằng việc mình trao đi là hợp lý thôi, không phải tính toán, không phải nghĩ ngợi gì cả. Mỗi ngày được sống, mình đều mong lan tỏa những gì tốt đẹp nhất để góp phần làm đẹp hơn cuộc sống này”, cô chia sẻ.

Thu Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hanh-trinh-gieo-mam-xanh-hi-vong-cua-co-giao-day-van-tu-tim-minh-hoa-trai-se-sinh-soi-post1653167.tpo