Hành trình hàng giả - giường bệnh – Ai chịu trách nhiệm? (bài 2)
Các đường dây, tập đoàn sản xuất hàng giả lần lượt bị bóc gỡ, với các thủ đoạn 'táng tận lương tâm', chúng tuồn hàng giả ra thị trường với số lượng 'siêu khủng', là một thảm họa cho sức khỏe con người. Kẽ hở nào để các 'con cá lọt lưới'?
Phối trộn dễ dàng, thu hàng nghìn tỷ
Khi hay tin sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 là sữa giả, chị Nguyễn Thị Lý (Quảng Ninh) không chỉ bàng hoàng mà vô cùng phẫn nộ. Chị chia sẻ: “Tôi xem biên tập viên Quang Minh quảng cáo sữa này rất tốt, tăng chiều cao cho trẻ nhỏ, tôi đã mua cho con uống. Bây giờ biết là sữa giả, tôi rất hoang mang, mất tiền là một chuyện, nhưng con tôi đã uống từng ấy hộp, có ảnh hưởng sức khỏe không?”.
Sau khi dàn lãnh đạo Công ty cổ phần Z Holding bị khởi tố, bắt giam về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, người tiêu dùng đã vô cùng phẫn nộ. Kết quả điều tra đã xác định “sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27” được đóng thành hộp, lon sữa bột gồm 3 loại 420g, 650g và 800g và một số loại chất lỏng khác, được sản xuất tại nhà máy Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Nature Made từ ngày 8/8/2024 đến 5/3/2025 không đảm bảo thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng như “bản đăng ký công bố sản phẩm” và được xác định là hàng giả.


Lo sợ kiểm tra, người kinh doanh vứt trộm hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng ở bãi rác.
Sữa giả không chỉ lọt vào từng gia đình mà còn lọt vào bệnh viện, nơi người bệnh sau phẫu thuật dựa vào sữa dinh dưỡng để thay thế bữa ăn, phục hồi bệnh tình, duy trì sức khỏe. Ngay sau khi cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam nhiều lãnh đạo Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma đã sản xuất kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, thu lợi gần 500 tỷ đồng, mới lộ ra sữa giả đã được đưa vào cả bệnh viện. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều bệnh nhân mua sữa giả được bệnh viện hoàn trả lại tiền. Nhưng một số người cho biết, hoàn tiền cũng không giải quyết được ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh.
Không chỉ sữa giả, hàng loạt các sản phẩm là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng sau khi bị phát hiện làm giả đã khiến dư luận rùng mình bởi hàng giả được sản xuất ở những công xưởng tạm bợ, xuống cấp, mua nguyên liệu trôi nổi, sau đó được những kẻ không có kiến thức phối trộn, pha chế “biến” thành thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng gắn mác châu Âu, mỹ phẩm “hàng hiệu”.
Nguy hiểm hơn, trong một số vụ án, đối tượng trong đường dây sản xuất hàng giả lại là doanh nhân, có trình độ hiểu biết về công nghệ, về sản xuất, biết rõ tính chất nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện sản xuất hàng giả như vụ án dầu ăn Ofood giả của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food do Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn đào đường ống ngầm dưới lòng đất để bơm dầu từ bồn chứa nguyên liệu dành cho vật chăn nuôi sang bồn chứa dầu ăn dùng cho người, sau đó sang chiết ra các chai, can mang đi tiêu thụ.
Trong 3 năm qua, chúng đã bán trót lọt ra thị trường hàng nghìn tấn dầu giả, thu hơn 8.200 tỷ đồng. Điều đáng nói, dầu “bẩn” này đã vào bữa ăn của rất nhiều gia đình trong thời gian dài, một tội ác không thể dung thứ. Theo phân tích của Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), với giá trị hàng hóa lên tới 8.200 tỷ đồng, các đối tượng này sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) nhận định, để kinh doanh hàng giả, các đối tượng không cần nghiên cứu sáng tạo, không cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, không cần đáp ứng quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Người phạm tội chỉ cần các công cụ thô sơ, chi phí rất ít, chủ yếu là làm bao bì nhãn mác, hương liệu gia vị giống như hàng thật.
Chúng thường phân chia làm hàng giả tại các hộ gia đình nhỏ lẻ, không có biển hiệu, không có đăng ký hay lập xưởng sản xuất. Một số tập đoàn lớn có thủ đoạn tinh vi hơn, bằng cách mở nhà máy, mua hoặc nghiên cứu ra sản phẩm hữu ích, có đăng ký đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn; nhưng sản xuất một số lượng ít hàng hóa để đối phó với kiểm tra của người có thẩm quyền, còn lại là hàng hóa không đủ tiêu chuẩn để kiếm lời cao.
Còn luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng trong thời gian qua cho thấy, không ít đối tượng đã lợi dụng những tính năng của mạng xã hội, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, bán hàng trực tuyến, chúng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người, cấu kết với những người nổi tiếng để quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm rồi đưa vào trường học, bệnh viện lừa dối những khách hàng để chiếm đoạt tài sản. Đây là tội ác.
Một điều đáng lo ngại là trong quy trình này có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay của cơ quan chức năng trong việc công bố sản phẩm, quản lý sản phẩm trong quá trình lưu thông và đưa các sản phẩm kém chất lượng vào bệnh viện, trường học gây ra sự bức xúc phẫn nộ trong cộng đồng. Điển hình là nhiều lãnh đạo, cán bộ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bị khởi tố, bắt giam vì nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm, tiếp tay cho các đối tượng sản xuất thực phẩm chức năng giả ra thị trường.
Đâu là kẽ hở?
Rất nhiều người đặt câu hỏi, vì sao hoạt động sản xuất hàng giả quy mô lớn như vụ dầu ăn bẩn, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa bột giả, mỹ phẩm giả với khối lượng tiêu thụ khổng lồ, các đối tượng phải vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm, ra vào nhộn nhịp, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường lại không hay biết, để hàng giả sản xuất, tiêu thụ trong nhiều năm trời?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, có nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý khiến các đối tượng có thể dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, việc thành lập một doanh nghiệp rất dễ dàng, chỉ cần mất chi phí khoảng 1 triệu đồng là có thể trở thành giám đốc doanh nghiệp. Các loại sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chỉ cần chi một khoản tiền không đáng kể là có thể có được công bố sản phẩm, sau đó thuê doanh nghiệp gia công hoặc thậm chí nhiều đối tượng còn mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường rồi gắn mác, quảng cáo sai sự thật và bán với giá “cắt cổ”.
Những vụ việc vừa qua cho thấy, khâu thành lập doanh nghiệp, sản xuất ra sản phẩm rất dễ dàng. Ngoài ra, các sản phẩm nhập lậu, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm kém chất lượng được các đối tượng mua về, gắn mác sản phẩm chất lượng cao để bán kiếm lời.
“Hiện nay chỉ có thuốc chữa bệnh, một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em mới quản lý theo hình thức tiền kiểm, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chất lượng trước khi bán ra thị trường. Còn đa phần các sản phẩm hàng hóa khác thì doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, tự sản xuất, tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra theo định kỳ và phải báo trước, chủ yếu cũng chỉ kiểm tra về nhãn mác, giá cả, hóa đơn chứng từ, chỉ tiêu vi sinh mà ít khi lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng dẫn đến tình trạng hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng, sữa bột không đảm bảo chất lượng 70% so với công bố nhưng vẫn bán tràn lan trên thị trường”, luật sư Cường đánh giá.
Vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh với hàng giả, cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm nghiệm, khi đó mới phát hiện rất nhiều loại sữa giả đã bán nhiều năm, số lượng lớn mà không bị phát hiện.
“Việc quản lý có nhiều sơ hở, buông lỏng dẫn đến các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, quy mô lớn, thời gian kéo dài. Chỉ cần thiếu đạo đức kinh doanh, đề cao vấn đề lợi nhuận và có sự buông lỏng hoặc tiếp tay của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm là hàng giả có thể xuất hiện trên thị trường”, luật sư Cường nêu.
Một trong những lỗ hổng để hàng giả dễ dàng tấn công - theo luật sư Trương Tiến Hùng, đó là phân phối sản phẩm qua mạng xã hội, đặc biệt, mô hình bán hàng không cần vốn, không lưu giữ hàng, không kho bãi, mỗi cá nhân có thể lập trang web, facebook, tiktok … để rao bán. Khi có đơn hàng, người bán cung cấp địa chỉ, số lượng hàng hóa cho nhà sản xuất “bí ẩn” từ nước ngoài hoặc trong nước để họ gửi thẳng cho người mua, thông qua dịch vụ vận chuyển và thu hộ khiến cho hàng hóa chuyển thẳng tới tay người tiêu dùng mà không qua bên trung gian.
Đây cũng là một phương thức mà cơ quan chức năng khó tiếp cận để kiểm tra chất lượng hàng hóa. Mặt khác, mặt trái của công nghệ cũng đã tiếp tay cho các đối tượng kinh doanh tiêu thụ hàng giả một cách dễ dàng.
Tại Phiên họp thứ 28 (ngày 7/7/2025), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo một số vụ việc, trong đó có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty ZHolding. Trước đó, ngày 13/5/2025, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cùng nhiều đồng phạm về tội "nhận hối lộ" sau khi mở rộng điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm liên danh MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.